Mỗi mùa bão lũ đi qua lại có thêm nhiều người chồng không trở về sau những cuộc mưu sinh. Để rồi, nhiều người phụ nữ phải đón cái Tết không chồng...

Bài 2: Tết không chồng...

Lê Đình Dũng | 23/01/2017, 08:21

Mỗi mùa bão lũ đi qua lại có thêm nhiều người chồng không trở về sau những cuộc mưu sinh. Để rồi, nhiều người phụ nữ phải đón cái Tết không chồng...

Ước mơ chớm tắt...

Đợt mưa lũ tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 12.2016 đã làm 111 người chết và mất tích. Cũng chừng ấy gia đình lâm vào hoàn cảnh bi đát khi cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha... Trong nỗi đau ấy, ánh mắt thẫn thờ của những người phụ nữ hàng ngày ôm con tựa cửa ngóng chồng như xoáy sâu vào tận tâm khảm mỗi con người.

Một buổi chiều đầu tháng 12.2016, anh Ngô Đức Hiệp (45 tuổi, thôn Kỳ Thọ Nam, Hành Đức, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) chở con gái 6 tuổi về nhà ngoại ở cùng thôn. Vì một chút bất cẩn, anh và con gái bị nước lũ cuốn trôi, may thay người dân cứu được bé gái, còn anh đến hôm sau mới tìm được xác.

Ôm con vào lòng, chị Huỳnh Thị Ngọc Ánh (37 tuổi) kể chị lấy anh Hiệp đã được 6 năm. Sức khỏe chị không tốt, công việc anh thì bấp bênh nên kinh tế khó khăn, chật vật lắm mới chăm lo được cho bé Ánh Dương. Vậy mà anh nỡ bỏ mẹ con chị ra đi, để lại cho chị bộn bề lo toan với những nợ nần chồng chất.

Mưa lũ đã cướp mất đi trụ cột trong gia đình chị Ánh

Lấy nhau được 4 năm, cuối năm 2015, 2 vợ chồng quyết tâm làm ăn nên vay mượn ngân hàng, người thân trên 200 triệu mua một căn nhà nhỏ làm nơi buôn bán, vượt qua khó khăn gầy dựng sự nghiệp thì anh đột ngột ra đi để lại 2 mẹ con bơ vơ với cuộc đời.

Mọi bồn bề lo toan giờ dồn lên đôi vai người vợ yếu đuối. Làm sao để trả nợ, trả lãi ngân hàng mỗi tháng khi quán ăn sáng của chị chỉ đủ để 2 mẹ con đắp đổi qua ngày.

“Chị sẽ làm gì với tương lai không còn chồng bên cạnh”. “Trước mắt, chị thuê người bán hết số hàng anh đã đặt mua, rồi thì bán chiếc xe tải nhỏ chắc cũng được ba bốn chục triệu trả một phần nợ. Chị thì không lo, nhưng còn bé Ánh Dương, nó còn nhỏ quá. Tính vào Sài Gòn làm thuê, làm mướn nuôi con nhưng chị đi ai lo cho con, ai hương khói cho anh đỡ lạnh trong lòng đất”, chị nói trong tiếng nấc.

Nước mắt góa phụ không ngừng rơi khi nghĩ về người chồng xấu số

Trong căn nhà nhỏ bề bộn, bé Ánh Dương vẫn thường hỏi mẹ, sao ba lên đó ngủ lâu thế hả mẹ? Sự hồn nhiên, ngô nghê của con trẻ như xát muối lòng người mẹ.

May mắn thoát chết, nhưng chắc rằnghình ảnh cha mình bị dòng nước lũ nhấn chìm vẫn in hằn trong tâm trí bé Ánh Dương. Để rồi giờ đây, con đường về nhà ngoại đối với bé là một ký ức buồn. Mỗi lần đi ngang qua nơi xảy ra tai nạn, Ánh Dương bảo mẹ: “Mẹ đừng đi đường này, nước lớn lắm, nước cuốn mất ba ở chổ này”.

Nước mắt, tiếng khóc ngẹn của chị Ánh cứ kéo dài suốt câu chuyện. Đôi vai gầy gò của chị cứ run lên bần bật vì những yêu thương, những ước mơ về cuộc sống gia đình no đủ, hạnh phúc đã vụt tắt.

Nhưng khi nhìn con, ánh mắt người mẹ lại lóe lên một niềm tin mãnh liệt về cuộc sống. Ôm chặt cô con gái xinh xắn vào lòng, chị bảo có khó khăn đến mấy cũng phải bước tiếp, vì bây giờ, chị vừa là mẹ vừa là cha của Ánh Dương.

Mộ gió chiều cuối đông...

Trong căn nhà nhỏ thông thốc gió bên bờ biển xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi, hơn 1 tháng nay chị Nguyễn Thị Linh (vợ anh Dương Việt Cường, ngư dân mất tích trên tàu cá QNg 11150) vẫn chưa thể gượng dậy sau cái đêm biển cướp mất người chồng yêu thương.

Mất mát quá lớn này chỉ mình chị Linh gặm nhấm nỗi đau, hai đứa con còn quá nhỏ...

Đêm 8.12, chiếc tàu giã cào với 4 thuyền viên ở xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) ra khơi với mong ước một chuyến biển thuận lợi cho một cái Tết đủ đầy. Rồi cũng trong đêm đó, họ đã không trở về, chiếc tàu giã cào với 4 người đàn ông đã mãi nằm dưới lòng biển sâu thẳm.

Nỗi đau tận cùng của người vợ trẻ và 2 con quyện lại khiến ngôi nhà nhỏ như thêm chật chội. “Anh đi mãi không về, hôm đó chị đi làm sớm nên không được nhìn mặt anh lần cuối. Giờ cả xác cũng không tìm được, có nỗi đau nào hơn?”, chị Linh nói như người vô hồn.

Cuộc đời 2 vợ chồng anh chị lênh đênh, gập ghềnh như những con thuyền nhỏ trước sự hung tợn của biển khơi mùa bão lũ.

Quê gốc ở Hà Nội, hơn 15 năm trước, sau khi phiêu bạt nhiều nơi, anh Dương Việt Cường đã gặp gỡ và đem lòng yêu thương cô gái miền biển Tịnh Khê - Nguyễn Thị Linh. Rồi cả hai kết duyên vợ chồng để cùng nhau xây dựng tổ ấm. Tình yêu của họ đơm hoa kết trái với sự ra đời của 2 cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng cũng từ đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn, vì chỉ có anh là lao động chính, mọi chi tiêu cho con ăn học điều trông chờ vào mỗi chuyến biển.

Chị thở dài trong chiều lạnh: “Anh ấy dân Hà Nội nhưng giỏi giang lắm, việc gì cũng làm được, hết mùa đánh cá cơm anh liền chuyển sang đi giã cào. Anh bảo, muốn lo cho 3 mẹ con được đầy đủ hơn nhưng công việc khó khăn quá. Thương anh, chị cũng chạy chợ mua cá để bán kiếm thêm thu nhập nhưng cũng chỉ đủ sống qua ngày”.

Căn nhà nghèo bên bờ biển nay thêm lạnh lẽo

Căn nhà của họ đang ở nói lên điều đó. Tạm bợ, trống hoác, vật dụng đắt giá nhất trong ngôi nhà chỉ là chiếc tivi đã cũ... Cuộc sống khốn khó, không mua nổi đất nên 2 vợ chồng phải xây nhà trên bãi biển ở tạm. Nói là tạm nhưng cũng đã chục năm nay đó là tổ ấm của 4 con người. Mới đây, nghe mọi người bảo sắp có dự án đi qua trước nhà, mọi người ‘xui’ vay tiền xây hàng rào để được đền bù. Khó khăn quá nên 2 vợ chồng cũng làm theo. Giờ chồng mất, số tiền vay hơn 20 triệu không trả được mà dự án cũng chẳng thấy đâu.

Nỗi mất mát quá lớn làm người phụ nữ vốn khỏe mạnh vùng biển quỵ ngã, đổ gục. Từ cái đêm định mệnh đó, ngày nào chị Linh cũng ngồi tựa cửa nhìn ra phía cổng như người vô hồn. Hơn 1 tháng trôi qua, thân xác chồng vẫn không tìm được. Vì thế, trong tận cùng nỗi đau, người phụ nữ vẫn cố bấu víu vào niềm tin có một phép màu sẽ đưa chồng mình quay về.

Cậu con trai lớn học lớp 7 phải tự lo cho mình và giúp em những công việc thường ngày. Soạn sách vở cho em đến lớp, đôi mắt cậu bé Dương Thanh Tường đỏ hoe khi nhắc về cha: “Hôm ba đi biển còn dặn 2 anh em lo học, lúc về ba sẽ có quà cho hai anh em. Ba hứa sao ba không về với tụi con”.

Đưa chúng tôi ra mộ gió vừa đắp được vài hôm, nỗi đau tột cùng của người phụ nữ mất chồng như òa vỡ. Nước mắt góa phụ chảy dài, rơi xuống mặt cát ẩm bên ngôi mộ không có thân xác người xấu số.

Tết này...

“Tiền hỗ trợ của mọi người chị dùng đắp mộ gió cho anh. Không tìm được anh nhưng cũng đắp mộ, lập bàn thờ cho anh có nơi để quay về, cho các con có nơi để thắp hương cho ba chúng”.

"Lấy chồng nghề ruộng em theo. Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm...". Tiếng khóc lẫn vào mênh mông cát, theo những cơn gió bỏng rát len vào giữa những ngôi mộ nhấp nhô, vô định như chính những người phụ ‘hồn treo cột buồm’ ở những miền biển nghèo khó.

An Nhiên-Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
34 phút trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Tết không chồng...