Mặc dù đã sẵn sàng tiếp nhận phong cách kiến trúc mỹ thuật mới mẻ đến từ phương Tây nhưng vua Khải Định vẫn giữ gìn và tuân thủ truyền thống, ứng dụng dịch lý và phong thủy vào việc xây lăng cho mình, như các đời vua trước đã làm…
Điều đó thể hiện rất rõ qua việc vua Khải Định sai các thầy địa lý cùng các quan chuyên trách đương thời khảo sát kỹ lưỡng địa thế và đặc điểm sơn thủy ở nhiều nơi trong vùng Nam sông Hương (hữu ngạn). Và họ đã tìm được một thế đất nằm cách kinh thành Huế khoảng 10km về phía tây nam, trên một sườn núi có độ dốc vừa phải dường như “sinh ra để làm nơi ngả lưng cho một linh hồn quyền quý”…
Thế núi Châu Chữ với lăng Khải Định (Ứng Lăng)
Núi có tên Châu Chữ mà theo Đại Nam nhất thống chí nằm về phía tây bắc của huyện Hương Thủy, có một con suối kề cận từ phía nam chảy về, đó là suối Châu Ê. Núi không cao lắm song nằm giữa khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, có dòng nước uốn mình qua chân núi, có các dãy đồi nhấp nhô xa xa dưới tầm nhìn và một rừng cây xanh bao bọc.
Như vậy, yếu tố nước (thủy) và núi (sơn) kết hợp cùng các chi tiết cát tường về mặt phong thủy khiến nhà vua hài lòng, chấp thuận và ra lệnh huy động hàng ngàn nhân công lên vùng núi Châu Chữ vào mùa thu năm 1920 để phát quang mở đường, làm lộ ra dưới ánh nắng một cuộc đất nằm nghiêng theo sườn núi, mà sau này lăng Khải Định tọa lạc ở đó với diện tích khoảng 111m bề dài và 49m bề ngang. Diện tích đó tuy nhỏ so với lăng của các vua tiền nhiệm song lại phải tốn thời gian xây dựng lâu nhất: liên tục trong 11 năm. Các lăng vua Nguyễn xây trước đó không kéo dài bằng như lăng Gia Long xây trong 6 năm, lăng Minh Mạng trong 4 năm và lăng Tự Đức 3 năm.
Đi từ hướng suối Châu Ê chảy trước mặt lăng vào núi Châu Chữ sẽ thấy lăng Khải Định hiện ra với các bậc cấp đầu tiên dẫn lên điện thờ (tả hữu tùng tự) và một sân chầu có đặt nhiều tượng quan văn võ và tượng ngựa voi (bái đình), nhà bia (bia đình) với trụ biểu rất cao thuộc dạng Stupa dựng hai bên. Tiếp đến là nhiều bậc cấp khác nối lên chỗ cao nhất (cung Thiên Định) có nơi đặt án thờ vua (điện Khải Thành) và nơi đặt thi hài vua (điện Chính Tâm) cùng Tả hữu trực phòng xây ở hai bên các điện trên. Từ dưới lên đến chỗ cao nhất của lăng có tất cả 127 bậc cấp với 5 tầng sân.
Nhìn tổng quát, lăng Khải Định có dạng như một lâu đài cổ của châu Âu được xây bằng nhiều vật liệu mới lúc ấy như ngói ardois, gạch vuông, cùng những hình ảnh lạ mắt đối với thời bấy giờ như chiếc đèn dầu hỏa, cột thu lôi, cửa sắt…. Qua đó cho thấy vua Khải Định muốn có những kiểu cách đa dạng trong bày trí mỹ thuật, trang trí lăng tẩm. Nhà vua đã “đặt làm đồ sứ phục vụ yến tiệc kiểu Pháp tại lò sứ Sèvres ngày 14.8.1922, toàn bộ gồm 694 món phủ men xanh thẩm giống men pháp lam Huế (Prussian blue) nổi bật hoa văn màu vàng rực rỡ” (Trần Đình Sơn).
Bí quyết phong thủy trong việc chọn hướng dựng nhà và xây vưởn ở kinh thành Huế
Việc đầu tiên trong các động thái quy hoạch phong thủy là phải xác định hướng cho một khu vườn: “Người Huế quan niệm, sơn hướng hay địa thế, là vị trí của cả cuộc đất mà trên đó sẽ dựng cơ nghiệp lâu dài nên nhất thiết phải xem sông ngòi, đường sá, để biết thủy tụ nơi nào, hướng gió lợi hại ra sao”. Sơn hướng gồm 24 phần và phải dùng thiên can, địa chi và bát quái để xác định. Các nhà phong thủy học lưu ý cần phải phối hợp với cửu cung để biết sự xoay chuyển của vận khí và phù hợp với bản mệnh của chủ nhà.
Tiếp theo là xác định vị trí của ngôi nhà, được nhắm tùy theo từng cách lý giải khác nhau. Như người thì chọn trạch chủ, người thì lấy từ trung tâm ngôi nhà tính ra theo cách hình học. Người lấy hiên nhà làm chính dựa vào câu “khai môn phóng thủy” trong khoa địa lý. Và có ngươi dựa vào mục tiêu của chủ nhân để “đưa nhà sang trái hay phải, lấn về trước hay lùi về sau – đây là phép tắc dựa vào địa thế và ngũ hành”. Nói chung người ta có xu hướng thích quay mặt nhà về hướng nam: “lấy vợ hiền hòa làm nhà hướng nam”.
Lăng vua Khải Định và kinh thành Huế xứng đáng với biệt danh “thành phố nhà vườn” mang đậm yếu tố bí quyết phong thủy
Mà đứng đầu phần đất ra vào tiền đường là chiếc cổng chính của vườn – có ảnh hưởng quan trọng nhất đến khu nhà vườn. Vì thế các thầy địa lý đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định vị trí cho chiếc cổng. Chẳng hạn cổng trổ theo cung hợp với mệnh của chủ nhân, như chủ hợp với cung Ly thì trổ cửa về hướng nam. Hoặc dựa vào ngũ hành để điều tiết vị trí dẫn khí vào nhà. Hoặc “phối hợp giữa môn (cổng) hoặc hộ (cửa) theo câu “Môn đăng hộ đối” – đây là quan điểm phổ biến nhất”. Nếu chủ nhân của ngôi nhà nào khó sửa được hướng cố định nhưng hướng nhìn ra sông, ra đường “cần sửa cửa để làm lệch hướng cổng- lại có thể chuyển cửa lên tầng gác nếu tầng dưới không sử dụng để sinh sống”.
Ngoài cổng chính, theo các nhà phong thủy cũng cần mở cổng hậu phía sau để “lấy khí từ mặt sau nhà hoặc để thủy khí có nơi thoát”. Mặt khác người ta quan niệm phần sau nhà là “biểu tượng cho con cháu (tử tôn) nên vị trí của cổng hậu cũng phải theo hướng phù hợp chủ nhân, hoặc phù hợp ngũ hành – trong dân gian vùng Huế cũng thường có quan niệm làm nhà cho có phần hậu”. Còn nhiều điều khác như chọn loại cây trồng, chọn cách kết cấu nhà và phương pháp đo đạc các bộ phận kiến trúc nữa liên quan đến bí quyết “phong thủy nhà vườn Huế”vốn có nền móng tạo tác dưới thời các vua chúa nhà Nguyễn với mốc cuối cùng vào thời Khải Định và Bảo Đại sẽ viết rõ phần sau.
Giao Hưởng – Ảnh: TyArt, Tư liệu