Họa sĩ người Nga Mikhail Vrubel luôn chìm đắm trong cơn ác mộng nên các tác phẩm của ông luôn mang dáng dấp của ác quỷ cùng vẻ mộng mị lạ thường.

Câu chuyện 'quỷ ám' ly kỳ của danh họa Mikhail Vrubel

Một Thế Giới | 19/04/2014, 12:27

Họa sĩ người Nga Mikhail Vrubel luôn chìm đắm trong cơn ác mộng nên các tác phẩm của ông luôn mang dáng dấp của ác quỷ cùng vẻ mộng mị lạ thường.

Nói đến danh họa Vrubel, người ta nghĩ ngay đến hình tượng Ác quỷ trong những bức tranh đầy ám ảnh. Thế nhưng, thời trai trẻ Mikhail Vrubel lại khởi nghiệp bằng những bức tranh thánh, tranh vẽ các thiên thần, vẽ Đức mẹ. Và có một “nàng thơ” đã đem lại nguồn cảm hứng cho ông…
Cau chuyen  quy am  ly ky cua danh hoa Mikhail Vrubel
Chân dung tự họa của Mikhail Vrubel
Mikhail Vrubel, chàng sinh viên 27 tuổi của Học viện Mỹ thuật St Petersburg, đã đến Kiev vào năm 1884 theo lời mời của giáo sư Adrian Prakhov. Vị giáo sư này đã mất khá nhiều thời gian để tìm một ứng viên phù hợp cho công việc phục chế những bức bích họa ở nhà thờ Kirillovskaya (xây dựng từ thế kỷ XII). Và bạn của ông -  P. Chistyakov – đã tiến cử người học trò giỏi nhất của mình. Từ đó trong ngôi nhà của vợ chồng giáo sư Prakhov xuất hiện một chàng thanh niên cao gầy, đầy đam mê với công việc.
Yêu trong dằn vặt

Hầu như tối nào Vrubel cũng đến nhà vị giáo sư khả kính ấy để nghiên cứu sách vở tài liệu về lịch sử nghệ thuật Byzantine, nghệ thuật Nga, cùng bàn thảo về việc khôi phục cũng như vẽ mới các bức bích họa. Chàng họa sĩ trẻ hết miệt mài tạo hình các thiên thần, Chúa Kitô, nhà tiên tri Moses lại say sưa trên các bức “Nguồn gốc của Chúa Thánh Linh", “Khúc bi ai”. Chàng làm việc đầy hưng phấn, đắm chìm trong những bức vẽ và rất bực mình nếu ai đó khiến chàng phân tâm.
hưng như vậy không có nghĩa là chàng chỉ biết vẽ và vẽ. Ngoài công việc ra, Vrubel đã dành không ít thời gian để trò chuyện với người vợ của giáo sư -  Emilia Lvovna Prakhova. Người mẹ đã có ba con ấy tuy không sắc nước hương trời nhưng rất có duyên và được coi là linh hồn của giới văn nghệ ở Kiev. Vrubel thường nói chuyện không chán với Emilia về văn học, thơ ca, âm nhạc.
Nhưng chẳng bao lâu Vrubel hiểu rằng các cuộc trò chuyện đó đã vượt quá phạm vi của tình bạn thuần túy, và một ngọn lửa tình yêu đã bùng lên trong lòng chàng. Nhiều đêm Vrubel không sao ngủ được vì bị dày vò, dằn vặt. Nhưng mỗi khi đến nhà Prakhov, tim chàng lại đập loạn xạ, và trong đầu chàng cứ vang lên những lời nguyện cầu để được Chúa ban cho dù chỉ một chút tình yêu của Emilia.
Cau chuyen  quy am  ly ky cua danh hoa Mikhail Vrubel
 Bức “Đức mẹ Đồng Trinh và Chúa hài đồng” vẽ năm 1884 mang bóng dáng của mẹ con Emilia
Bức tranh bị xé và những vết dao cứa vào da thịt mình
Trong những lá thư gửi cho chị gái, Vrubel cũng có nhắc đến chuyện tình cảm của mình, nhưng không ai, kể cả Emilia, biết rõ nó mãnh liệt đến mức nào. Một lần Vrubel đem tặng cho Emilia  bức tranh "Chuyện cổ phương Đông" do chàng vẽ. Nhưng Emilia đã từ chối nhận tác phẩm ấy và thuyết phục chàng hãy đem nó đến cho Tereshchenko, một mạnh thường quân nổi tiếng của giới văn nghệ lúc bấy giờ.
Emilia cho rằng bức vẽ ấy xứng đáng đem triển lãm để đông đảo công chúng được thưởng lãm. Không ngờ, Vrubel tự ái cao độ, chàng phẫn nộ xé tan bức tranh ra thành từng mảnh nhỏ... Nhưng chỉ vài ngày sau chàng lại đến xin lỗi vì đã cư xử lỗ mãng, còn Emilia thì đem trả lại cho chàng những mảnh toan bị xé rách bươm để chàng ghép lại và dựa vào đó vẽ lại bức khác.
Lời đồn thổi rằng vợ mình đang được chàng họa sĩ trẻ tuổi ái mộ cuối cùng đã đến tai giáo sư Prakhov. Giáo sư rất khó chịu và quyết định loại bỏ tình địch: ông yêu cầu học trò của mình sang Ý để nghiên cứu về tác phẩm của các bậc thầy cổ điển, đồng thời hoàn tất bốn bức tranh thánh “Chúa Giêsu”, “Thánh Athanasius”, “Thánh Cyril,” và “Đức mẹ Đồng trinh và Chúa hài đồng”.
Cau chuyen  quy am  ly ky cua danh hoa Mikhail Vrubel
 Chuyến bay của Faust và Mephisto (1896)
Vrubel lên đường đi Venice, mang theo trong hành lý của mình bức chân dung của người đàn bà anh si mê và để lại cho Kiev mối tình đầu tan vỡ. Khi Vrubel trở về, các bức tranh đã được hoàn tất. Và khi nhìn vào hình Đức mẹ ai cũng nhận ra trong đó những đường nét của  Emilia Lvovna. Chúa hài đồng thì rõ ràng mang dáng vẻ của Olia, cô con gái nhỏ của Emilia...
Không có lời giải thích nào từ Vrubel hay Emilia và mối quan hệ giữa họ mãi mãi là điều bí ẩn đối với mọi người. Chỉ có một lần Vrubel đã viết cho anh bạn Korovin của mình rằng: “Tôi đã dùng dao cứa lên da thịt mình. Anh có hiểu không? Tôi yêu một người phụ nữ, còn cô ấy không yêu tôi – thậm chí cô ấy yêu tôi thì nhiều thứ cũng ngăn cản cô ấy hiểu tôi. Tôi đau đớn lắm, nhưng khi tôi lấy dao cứa vào da thịt mình, nỗi đau đớn ấy dịu đi”.
Cuối cùng công việc ở nhà thờ Kirillovskaya cũng hoàn tất. Trong bức “Nguồn gốc của Chúa Thánh Linh", Vrubel đã vẽ chính gương mặt mình trong hình hài của một thiên thần.
Ác quỷ xuất hiện
Năm 1885, Mikhail Vrubel bỏ đến Odessa, nhưng sau đó quay lại Kiev một lần nữa. Thời gian đó họa sĩ đã vẽ các bức "Cô bé trên nền tấm thảm Ba Tư", "Chuyện cổ phương Đông". Vào thời điểm này, các công trình trang trí cho Đại giáo đường Vladimir cũng bắt đầu được khởi động và một lần nữa họa sĩ trẻ Vrubel lại đến gặp giáo sư Prakhov với những các bức bản phác thảo của mình. Nhưng Prakhov không che giấu mối ác cảm đối với anh học trò và mối quan hệ giữa hai người khá căng thẳng. Rồi các công trình được phân bổ cho mọi người nhưng không có tên Vrubel. Chính Prakhov cũng thừa nhận rằng quyết định của ông hoàn toàn là do động cơ cá nhân. Nhưng cuối cùng thì Vrubel cũng được người ta hạ cố giao cho vẽ các hoa văn trang trí.
Cau chuyen  quy am  ly ky cua danh hoa Mikhail Vrubel
Bức tranh "Ác quỷ ngồi" vẽ năm 1890 cũng có đường nét của Emilia
Chẳng bao lâu Vrubel rời khỏi Kiev và không bao giờ quay trở lại nữa. Thành phố này đem đến cho họa sĩ quá nhiều phiền muộn. Thực ra ý tưởng vẽ Ác quỷ  xuất hiện ngay từ lúc Vrubel còn đang ở Kiev. Họa sĩ thậm chí đã từng cho cha mình xem một số bức phác thảo. Tiếc là những phác thảo ấy không được giữ lại, họa sĩ đã tự tay xé bỏ chúng.
Hình ảnh của Emilia vẫn còn hiện hữu trong Vrubel một thời gian dài. Nhiều người thậm chí còn quả quyết rằng họ tìm thấy trong bức "Ác quỷ ngồi" những đường nét của Emilia.
Bi kịch của thiên tài

Sau này, Vrubel mắc căn bệnh bị ám ảnh bởi những hồn ma bóng quỷ thường đến với ông trong những giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị. Họa sĩ đã thể hiện những điều được chứng kiến trong những giấc mơ lên tranh và những tác phẩm của ông không chỉ gây ấn tượng bởi đề tài, chất liệu lạ mà còn cả ở những bố cục hòa sắc rất lạ lùng độc đáo…

Nhưng kể từ sau khi lấy được người mình yêu say đắm -  nữ danh ca Nadezhda -  họa sĩ đã quên khuấy việc vẽ quỷ. Tình yêu đã tìm được hướng ra những bế tắc trong sáng tạo của Vrubel: các bức tranh của ông tràn ngập các nét đẹp rạng ngời và hiền thục của Nadezhda. Đó là các tác phẩm: Ghendel và Greltrl, Công chúa Greda, Nữ hoàng thiên nga…
Dầu vậy, hạnh phúc của họ chỉ trọn vẹn được vài năm. Sau đó, Vrubel lại bị những giấc mơ ma quỷ ám ảnh. Ông trở nên trầm uất và cuối cùng đã phải vào bệnh viện tâm thần. Những năm cuối đời ông còn bị mù và bức tranh cuối cùng hầu như ông vẽ bằng trực giác. Ông qua đời năm 1910.
Gia đình Prakhov tiếp tục sống bình yên ở Kiev, cho đến khi được nghe những thông tin về sự thành công, danh tiếng cũng như bệnh tật của Vrubel. Emilia Lvovna ly thân với chồng một thời gian dài trước khi chính thức ly hôn. Trước khi mất (vào năm 1927), bà đã yêu cầu cô con gái út  Olia đốt toàn bộ thư từ mà chàng họa sĩ trẻ Vrubel đã viết cho bà. Và cô con gái đã thực thi lời trăng trối của mẹ.
Mikhail Alekxandrovich Vrubel (1856–1910) là đại diện lớn nhất của chủ nghĩa tượng trưng và tân thời trong hội họa Nga. Bút pháp độc đáo của ông – một bức tranh pha lê lạ lùng, về mặt nào đó là sự dự báo của chủ nghĩa lập thể và colorito lấp lánh những tông “tranh tối tranh sáng tuyệt vời màu xanh tím” (lời của A.Blok)  – đã được hình thành trong những năm Vrubel làm việc ở Kiev khi vẽ cho các nhà thờ (1884–1889). Nhiều bức vẽ của Vrubel mang không khí thần kỳ chứa đầy cảm xúc sự hỗn loạn, tăm tối, bí ẩn vốn đặc trưng cho chủ nghĩa trừu tượng. Chủ nghĩa bi kịch tiềm tàng trong ông đạt đến đỉnh cao trong những bức minh họa cho trường ca “Ác quỷ” của M. Lermontov (1890–1891), trong những bức tranh “Ác quỷ ngồi” (1890) và “Ác quỷ bị đánh bại” (1902). Từ năm 1902, dù bị trầm cảm nặng, nằm bệnh viện Vrubel vẫn thực hiện được không ít tác phẩm tinh tế (“Ngọc trai” năm 1904; “V.Ya.Briusov” năm 1906, khi họa sĩ đã bị mù). Vrubel qua đời ngày 14/4/1910 ở Peterburg. Ảnh hưởng nghệ thuật của Vrubel rất đa dạng. Hầu như mọi nhà hoạt động nghệ thuật lớn của Nga trong thế kỷ XX đều chịu ảnh hưởng của ông.Ngày 1/3/2006 Ngân hàng Nước Nga phát hành đồng tiền xu mệnh giá 2 rup kỷ niệm 150 năm ngày sinh của M.A.Vrubel. (Theo Krugosvet)
Theo Lý học phương Đông - Hình ảnh: Internet
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện 'quỷ ám' ly kỳ của danh họa Mikhail Vrubel