Hơn 30 năm trước, ông Đỗ Hùng Cường tình cờ gặp cô gái tâm thần tên Nguyễn Thị Mèo, động lòng trắc ẩn người con gái bất hạnh, ông nhận cưu mang rồi tự mình tìm cách chạy chữa. Nỗ lực của ông cũng được đền đáp khi bệnh tình của bà Mèo thuyên giảm, mái ấm được vun đắp. Rồi cho đến 1 ngày…
Chuyện ở BV tâm thần - kỳ 1: Người cha làm tất cả vì cô con gái trẻ
Bài 2: Người mẹ kinh hãi kể chuyện con ăn thịt mèo sống
Trong tiết trời mùa hè oi bức, những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt đen sạm của người ông đã bước qua bên kia sườn dốc của cuộc đời. Khuôn mặt ông biểu lộ một cảm xúc không thể gọi tên. Hiển nhiên, ông là người đi nuôi bệnh, người bệnh là người bạn đời hơn 30 năm đầu ấp tay gối.
Ông buồn chứ! Nhưng có một điều gì đó trong người đàn ông này còn chua chát hơn nỗi buồn. Ông nói: “Tôi quá quen với tháng ngày ở trong bệnh viện cùng với vợ. Tôi cũng không biết mình đồng hành được với vợ bao lâu nữa”.
Động lòng trắc ẩn trước người con gái bị xiềng
Ông Đỗ Hùng Cường năm nay đã ngoài 54 tuổi, thoạt nhìn dễ dàng nhận ra ông là người lao động chân tay lam lũ, chật vật mưu sinh cuộc sống. Cuộc đời kham khổ như hằn lên hết khuôn mặt và thân hình ốm yếu của ông. Cái khổ cơm áo gạo tiền có thể lay lắt được, nhưng cái khổ về tinh thần thì không dễ dàng gì mà xoa dịu.
Ông Cường vốn ởquận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Hơn 30 năm tước, ông là công nhân chuyên đi làm những công trình thủy lợi. Trong một lần đi làm ở gần nhà, nay là TT.Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, ông tình cờ biết một câu chuyện đau lòng.
“Lúc đó tôi nghe anh em nói có mộtcô gái ở gần công trình chỗ tôi làm bị bệnh tâm thần. Nhà chỉ có haicha con, mẹ cô ấy mất sớm, cha lại là thương binh bị cụt chân. Cuộc sống chỉ biết nhờ vào tình thương của bà con làng xóm, để giữ an toàn cho con gái, người cha phải lấy dây, xích con lại. Tôi nghe thì xúc động lắm, muốn tìm hiểu để coi có thể giúp đỡ gì không”, ông Cường kể.
Hơn 30 năm qua, từ khi chấp nhận lấy bà Mèo, ông Cường không hề hối hận - Ảnh: Thanh Nguyên
Dần dà lui tới thăm hỏi, nghe những câu chuyện về người con gái bị tâm thần có cái tên Nguyễn Thị Mèo, ông Cường quyết định giúp đỡ chạy chữa bệnh tình cho cô. “Tôi đưa cô ấy đi khám ở bệnh viện, biết bị bệnh tâm thần, bệnh viện dặn sao tôi làm đúng như vậy. Thuốc thang đầy đủ. Có ai chỉ ông thầy thuốc nam, thuốc bắc ở đâu tôi cũng đi kiếm về cho cô ấy uống. Mất 3 năm, thì cô ấy hòa nhập cuộc sống như người bình thường”, ông Cường kể.
Trong quá trình chạy chữa cho người dưng nước lã, ông Cường cũng không biết từ bao giờ mình đã nảy sinh tình cảm với cô gái tên Mèo. Khi thấy cô gái đã trở lại cuộc sống bình thường, ông quyết định cưới làm vợ. Đem chuyện này thưa với gia đình, ông được người mẹ ủng hộ. Thế là họ nên duyên vợ chồng, ông Cường về quê vợ sinh sống. Cũng từ đó để được gần gũi chăm sóc vợ, ông bỏ đội đi làm công trình thủy lợi. Thay vào đó, ông đi làm thuê cho nhà máy xay xát lúa gần nhà vợ.
“Tôi ở đợ đó 12 năm, việc gì cũng làm. Sau này mới ra ngoài làm thợ hồ”, ông Cường hồi tưởng. Trong mái ấp của ông Cường và bà Mèo, cuộc sống bình dị trôi qua. Hằng ngày ông Cường đi làm, bà Mèo ở nhà lo cơm nước chờ chồng về. 3 đứa con trai gái đều có lần lượt ra đời. Gánh nặng gia đình đặt hết lên vai ông, nhưng người đàn ông này chưa một lần than vãn…
Không có cái bệnh nào như bệnh này!
Ông Cường đã thốt lên như thế khi chúng tôi hỏi về bệnh tình của bà Mèo. “Không có cái bệnh nào như bệnh này. Bệnh khác, người ta còn lý trí, người ta còn nói được là mình muốn gì. Người ta chia sẻ được niềm đau, nỗi buồn với mình. Còn bệnh tâm thần thì nó nhức nhối lắm. Nó lên cơn bất thình lình, nếu không phải người kề cận, thì không ai dám tiếp xúc với họ đâu”.
Trở lại với cuộc sống hạnh phúc của ông Cường và bà Mèo, sau khi sinh con, bà Mèo ổn định tâm lý được một thời gian, rồi sau đó những lần lên cơn lại đến đều đặn hơn. Chén bát, đồ đạc trong nhà dần dần bị bị bà Mèo đập bể hết. Ngay cả ông chồng cả đời hysinh cũng mấy lần bị bà tát nổ đom đóm mắt, chảy máu tai. Thấy bệnh tình vợ trở nặng, ông Cường lại gom góp tiền bạc đưa vợ đi điều trị.
Hơn 3 năm trước, thêm tai ương nữa ập xuống đầu bà Mèo. Trong khi đang điều trị tâm thần thì bà Mèo còn bị cao huyết áp rồi dẫn đến tai biến. Hiện giờ bà đi lại rất khó khăn, tất cả mọi chuyện từ ăn uống đến vệ sinh, tắm táp đều một tay người chồng lo toan. Vừa tai biến, vừa tâm thần, mọi thứ như sụp đổ trước mắt họ.
Mỗi lần bà Mèo lên cơn không còn mạnh tay, mạnh chân như trước nữa nhưng ông Cường cũng phải tức tốc đưa bà đến bệnh viện. Sau mấy ngày nằm ở Phòng Trấn tĩnh, bà Mèo lại được đưa vào phòng khác để tiếp tục theo dõi và điều trị. Và ông Cường, vẫn như mọi khi vẫn xuất hiện khi vợ cần, hằng ngày chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, giặt từng cái khăn mát lau cho vợ khi thời điểm nắng nóng đỉnh điểm.
Ở Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ, những người như ông Năm, bà Phượng, ông Cường luôn là những người bạn tri kỷ. Họ có thừa thời gian ngồi trò chuyện nhân tình thế thái. “Nói chuyện mình hoài cũng mệt, ai cũng biết rồi, ai cũng khổ như ai. Nhiều lúc chúng tôi chỉ cần ngồi cùng nhau, chẳng ai nói gì cả. Chỉ để cảm thấy mình không cô độc, vậy thôi”, ông Năm, người có kinh nghiệm nuôi con gái tâm thần 6 năm chia sẻ.
Còn bà Phượng, người nuôi con trai tâm thần thì rằng: “Tụi tui lá rách ít đùm lá rách nhiều. Như ông Cường, cũng có khá hơn ai, mà bữa vô thấy tôi khổ quá cũng ráng móc bóp lấy 100.000 đồng cho tôi. Ổng nói, tôi khổ hơn ổng nhiều”.
Hành lang ở bệnh viện tâm thần luôn vắng vẻ, nhưng bên trong đó luôn chứa đựng nhưng câu chuyện nổi sóng - Ảnh: Thanh Nguyên
Trong suốt nhiều năm qua, nhiều vấn đề liên quan đến người tâm thần luôn là đề tài nóng để dư luận đưa ra mổ xẻ. Nóng nhất vẫn là chuyện người tâm thần gây án, những vụ án mạng thảm khốc với hàng loạt nạn nhân chết thảm dưới tay một người tâm thần. Có khi đó còn là mẹ tâm thần giết con, cha tâm thần giết con…
Khi nghe thông tin đó, có mấy ai hiểu rằng, để sống chung với người tâm thần ấy thì người thân của họ đã phải trải qua những điều khủng khiếp gì. Họ cũng phải nơm nớp lo sợ, ngày đêm mất ăn mất ngủ để canh giữ người thân tâm thần. Dù vậy, họ vẫn không có đủ kiến thức, khả năng để khống chế mọi tình hình, những chuyện đau lòng, cứ thể xảy ra.
Trong khi đó, chế tài để buộc người tâm thần đi điều trị bắt buộc lại không hề đơn giản. Và khi điều trị trở về, thì trách nhiệm theo dõi, giám sát người bệnh sau điều trị cũng là vấn đề nan giải với các ban ngành địa phương. Đó là lý do chúng ta dễ dàng bắt gặp người tâm thần đi trên phố, có khi rất hiền lành, có khi gặp ai cũng đánh.
Thanh Nguyên