Những chuyến đi xa dài ngày, thiếu thốn tình cảm cộng thêm sức hút khó cưỡng của đồng tiền... khiến nhiều hướng dẫn viên du lịch vô tình trở thành nạn nhân trong cuộc chiến “tình - tiền - công việc”.

Bài 3: Những cạm bẫy không dễ vượt qua

Một Thế Giới | 16/11/2015, 05:00

Những chuyến đi xa dài ngày, thiếu thốn tình cảm cộng thêm sức hút khó cưỡng của đồng tiền... khiến nhiều hướng dẫn viên du lịch vô tình trở thành nạn nhân trong cuộc chiến “tình - tiền - công việc”.

Không trụ được với nghề bởi quá sốc

Có không ít người vào nghề với biết bao sự phấn khởi, vui mừng khôn xiết khi được đi khắp đó đây, trải nghiệm nhiều nền văn hóa mới, mở mang kiến thức lại có thu nhập khá nhưng chỉ đến khi chính thức bước chân vào nghề mới nhận ra những cạm bẫy luôn bủa vây một người hướng dẫn du lịch.

Bạn Hoàng Hà đã theo nghề hướng dẫn viên khá lâu và cũng chịu không ít những cú sốc “tưởng chừng như bất ngờ” của nghề là một người trong số ấy.

“Mình nhớ mãi cái lần mới vào nghề, trong khi đi ăn có khách nam uống say, hứng lên đã kéo tay, vòng tay qua eo, rồi có hành động ôm hôn thái quá khiến mình lúc đó thật sự rất ngượng và có chút sợ hãi. Tối hôm đó, mình không sao ngủ được, cảm thấy rất chán nản, lo lắng, sợ hãi”, Hà kể lại câu chuyện khi mới vào nghề khiến cô gái nhỏ nhắn như cô không sao quên được.

Vốn có ngoại hình ưa nhìn, gương mặt xinh đẹp nên nhiều lúc đi tour xa dài ngày, Hà cũng từng gặp không ít trường hợp bị khách gạ gẫm. Theo như lời kể của cô, có nhiều khách thấy hướng dẫn viên là nữ thì thường buông những lời trêu ghẹo, rủ rê như “mình đi uống cà phê nhé, đi dạo nhé”, hay “anh có chuyện muốn tâm sự với em”..., nếu hướng dẫn viên liên tục từ chối, nhiều khách lại dùng tiền để dụ dỗ.

Sau vài tour, tích lũy được thêm kinh nghiệm, cô hướng dẫn viên này đã học được cách từ chối khéo để không làm phật ý khách cũng như không để khách coi thường, làm giảm giá trị nghề nghiệp.

“Nhiều lúc bản thân mình cũng nghĩ, đi một tour được 500.000đ - 1.000.000đ, ai được khách quý mến thì có thêm tiền típ, nhưng thêm được 200.000 - 300.000đ mà phải hạ thấp giá trị bản thân, để cho người khác đụng chạm thật không đáng. Mà như thế cũng chả sống được với nghề được lâu”, Hà có những chia sẻ rất thẳng thắn và thật lòng.

Nhưng cũng có không ít những hướng dẫn viên phải bỏ nghề, từ bỏ niềm yêu thích bởi quá sốc trước sự thật phũ phàng.

Hồng Nhung ra trường với tấm bằng cử nhân du lịch, đã từng làm hướng dẫn viên, gặp kha khá loại đối tượng khách khác nhau, cũng đã được học về cách ứng xử, từ chối khéo khi khách có đề nghị "ngoài công việc" nhưng dường như tất cả những hành trang đó chưa đủ cho cô gái trẻ trụ vững với nghề.

Cũng giống như Hà, Nhung có gương mặt xinh xắn, giọng nói dễ nghe, đó là điều kiện, là điểm cộng cho một hướng dẫn viên du lịch nữ. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó.

“Khách du lịch rất hay hỏi những câu mang tính chất riêng tư rồi rủ đi chơi, hứa hẹn cho thêm tiền. Có lần mình bị khách bắt uống rượu, dù đã từ chối nhưng lại bị dọa sẽ báo về công ty nên đành nhắm mắt uống liều”, Nhung cho hay.

Nhưng có lẽ sau lần bị gạ gẫm đi riêng với khách ấy, cô gái trẻ đã phải gạt niềm đam mê sang một bên, từ bỏ công việc vốn là mơ ước một thời để bảo vệ chính bản thân mình.

Nhung nhớ mãi cái lần đi tour hôm đó.  “Sau khi ăn tối, khách sẽ được vui chơi tự do và cũng đồng nghĩa hướng dẫn viên sẽ có thời gian nghỉ. Nhưng nào ngờ, mình bị một khách gạ gẫm đi chơi đêm, từ chối mãi mà không được, mình đã gọi điện cầu cứu nhân viên điều hành và tự mình bắt xe về ngay trong đêm”. 

Phải thật sự bản lĩnh mới trụ được với nghề

Theo thạc sĩ Trần Kim Yến - Phó trưởng bộ môn Việt Nam học, khoa Du lịch, Trường đại học Hải Phòng, có rất nhiều lý do khiến hướng dẫn viên bị sa ngã, không làm chủ được mình như nhẹ dạ cả tin, bị đồng tiền làm mờ mắt, cũng có thể do gặp sai lầm một lần mà buông thả...

Chia sẻ về vấn đề nhạy cảm mà nữ hướng dẫn viên du lịch thường gặp, bà Trần Kim Yến nói rằng: “Hướng dẫn viên là nghề rất hấp dẫn nhưng cũng có không ít những cám dỗ bủa vây. Chưa kể, với tính chất công việc thường hay phải xa nhà, thiếu thốn tình cảm nên họ càng dễ bị khách dụ dỗ, cộng thêm việc khách du lịch sẵn sàng trả nhiều tiền nên nhiều rất dễ sa ngã, dính vào các tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc”.

“Tuy nhiên, nhiều cạm bẫy, cám dỗ trong nghề càng đòi hỏi hướng dẫn viên phải bản lĩnh, tự chủ và vững vàng để không bị sa ngã, luôn giữ vững tinh thần, trách nhiệm với nghề một cách cao nhất để làm tốt công việc và không đánh mất chính mình. Phải là những người thật sự bản lĩnh mới trụ được với nghề”, bà Yến nhấn mạnh.

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việc cấm người trong gia đình cùng đấu giá một tài sản là hạn chế quyền con người
9 giờ trước Theo dòng thời sự
Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng nếu quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột đăng ký tham gia đấu giá cùng một tài sản là hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, không phù hợp với Hiến pháp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 3: Những cạm bẫy không dễ vượt qua