Hàng ngày, hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người ở miền Tây phải ăn thịt heo bơm nước bẩn mỗi ngày…

Vì sao cứ ung dung bơm nước bẩn vào heo?

Một Thế Giới | 16/11/2015, 04:10

Hàng ngày, hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người ở miền Tây phải ăn thịt heo bơm nước bẩn mỗi ngày…

Ung dung bơm nước bẩn!

Bộ NN&PTNT thừa nhận, trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm, qua kiểm tra, lực lượng liên ngành đã phát hiện nhiều vụ việc bơm nước vào thịt gia súc (lợn, trâu, bò) sau khi giết mổ, tập trung chủ yếu ở phía Nam.

Về vấn đề này, ông Ôn Hòa Thịnh - Chi cục phó Chi cục Thú y An Giang biện bạch: “Thú y không có công cụ hỗ trợ, mà phải chống với những người nhiều… dao búa (dân giết mổ - PV). Không phải chúng tôi không muốn làm, nhưng làm không được. Phối hợp với công an cũng hiếm, thường chỉ có cảnh sát môi trường. Trong khi cảnh sát cơ động và CSGT thì thương lái ngán nhưng đề nghị phối hợp hoài không được”.

Nhưng vì sao thú y biết, bắt không được đã đành, nhưng vẫn vô tư đóng dấu xác nhận để những con heo bơm nước bẩn ấy ung dung tuồn ra thị trường? Hàng chục, hàng trăm ngàn người vì tin tưởng vào con dấu xanh trên miếng thịt mà cán bộ thú y đã đóng nên vẫn mua thịt bẩn về, chế biến và ăn vào bụng.
Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, rất khó để phân biệt thịt heo, trâu, bò bị bơm nước bằng mắt thường. Bản thân trong thịt cũng chứa một tỷ lệ nước nhất định, việc bơm nước vào chỉ làm gia tăng lượng nước, không nhận thấy rõ sự biến chuyển trong miếng thịt, cũng giống như việc chúng ta tiêm nước cất vào các cơ.

Nếu không bắt quả tang thì chỉ còn cách mang miếng thịt đi xét nghiệm mới kết luận được có bị bơm nước hay không. Làm sao người tiêu dùng đích thân đi xét nghiệm như Cục Chăn nuôi “hướng dẫn”, khi mỗi lần chỉ mua 100g, hay tối đa 1-2 kg thịt?

Chỉ tại không cương quyết

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát từng phát biểu, bơm nước vào lợn (heo) và gia cầm để thu lợi bất chính là hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật và gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
“Chúng tôi đã chỉ đạo và bây giờ sẽ tiếp tục yêu cầu hệ thống thú y và các đơn vị có trách nhiệm “gác cổng” vấn đề VSATTP của Bộ và các địa phương, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ người tiêu dùng”, ông Phát nói.

Rõ ràng, việc bơm nước bẩn vào heo trước hết phạm vào tội gian lận thương mại! Mỗi con heo trước khi giết mổ bị bơm 7-10 lít nước, còn trâu bị bơm thậm chí đến 40 lít nước, đương nhiên trọng lượng tăng thêm được chủ lò mổ và thương lái bỏ túi nhờ gian lận! Bởi nếu không gian lận, con heo 100 kg làm gì tăng thêm 4-5 kg sau khi bơm nước?

Khi 1 lò giết mổ ở An Giang bị phanh phui chuyện bơm nước bẩn, ông Trần Anh Thư - Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang, thừa nhận nước ấy rất dơ, nhất là chứa thuốc trừ sâu từ đồng ruộng đổ ra. “Nước bẩn đó mà bơm vô heo cho người tiêu dùng ăn thì làm sao tốt được. Nguy hiểm nhất là mấy con vi khuẩn gây bệnh tả, lỵ, thương hàn”, ông nói.
Bơm nước vào gia súc là hành vi bị cấm, bởi sẽ làm thịt dễ nhiễm các loại vi sinh đồng thời chất lượng thịt giảm. Thậm chí, nguồn nước không đảm bảo còn là môi trường sinh sôi các yếu tố độc hại khác…

Như vậy tội thứ 2, đó là làm mất VSATTP. Nói trắng ra, nếu đã biết nước dùng để bơm có chất độc hại mà vẫn bơm, thì đó là tội cố tình đầu độc người khác! Mục đích gì? Vì tiền, vì lợi nhuận. Nếu như cà phê bị trộn hóa chất tạo bọt, pha tinh… khi bị bắt quả tang, người rang còn biện bạch: “Do khách hàng yêu cầu cà phê phải thơm, nên tui mới để tinh cà phê vô. Còn đòi cà phê phải có bọt, tụi tui chỉ có cách đáp ứng bằng cách để chất tạo bọt”, thì với thịt, họ không thể đổ thừa khách hàng. Người tiêu dùng không thể định giá thịt, bán rẻ hay mắc họ đành phải chấp nhận. Và đương nhiên, không ai đòi hỏi phải… bơm nước bẩn vào mới chịu mua!

Trước đây, sau nhiều đợt dịch gia cầm, gia súc… nhà nước có chủ trương quy hoạch các lò giết mổ tập trung. Đây là chủ trương đúng, để tiện bề quản lý chất lượng thịt gia súc, gia cầm. Nhà nước đã định, dân đã tin, giờ bắt quả tang vi phạm toàn ở các lò giết mổ tập trung thì chính các cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm chứ! Dân tin các ông, vì chính các ông chọn lò, chia nhau quản lý mà!

Giải quyết việc này không khó. Cứ chủ lò nào làm không tốt, cơ quan quản lý có quyền chọn lựa lò khác để cho giết mổ tập trung. Còn nếu đổ thừa do lò mổ lậu cạnh tranh, nên lò “chính thống” phải chiều khách mới sống, thì sao không mạnh tay với các lò mổ lậu?
Ở An Giang, cuối năm 2013 từng bắt quả tang 1 lò giết mổ lậu, nhưng chỉ phạt… 2 triệu đồng - không bằng lợi nhuận 1 đêm của họ! Riêng chỉ cần bơm nước vào 10 con heo, họ đã giúp tăng trọng thêm khoảng 50 kg thịt, quy ra tiền thì hơn nhiều số tiền phạt ấy. Phạt cho có thì làm sao răn đe, trong khi thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sức khỏe của người dân. Cần phải tăng mức phạt, thậm chí truy tố thì người gian mới sợ.
Đưa một ví dụ: gần cả trăm triệu người dân, nhưng cơ quan quản lý nhà nước vẫn làm tốt việc tuyên truyền, xử phạt răn đe khiến chủ trương đội nón bảo hiểm khi giao thông bằng xe gắn máy thực hiện khá tốt.
Vậy mỗi tỉnh thành chỉ có vài lò giết mổ tập trung, vài lò mổ lậu, mà các lò này nằm "chình ình", không biết “chạy” bằng xe gắn máy như vụ đội mũ bảo hiểm, sao cơ quan nhà nước không xử lý được? Nếu sợ phải đương đầu với các tay “dao búa” chuyên giết mổ, liệu lực lượng thú y có thể xử phạt, làm rõ hành vi bằng camera giám sát? Khi xem trọng sức khỏe và mạng sống của người dân, chúng ta sẽ làm được!

Hồ Nguyễn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
7 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao cứ ung dung bơm nước bẩn vào heo?