Tín ngưỡng là một phần đời sống tinh thần của con người. Có đức tin, có kiêng, có thờ, con người mới tự răn mình và con cháu để sống sao cho có đạo đức, tránh bị thánh thần trách phạt. Nhưng nếu tín ngưỡng mà kèm theo mê tín quá độ, thậm chí tin tưởng hoang đường, lại có thể gây hại cho người khác.

Bài 4: Khi tín ngưỡng biến thành mê tín dị đoan

Hồ Hùng | 20/02/2019, 06:39

Tín ngưỡng là một phần đời sống tinh thần của con người. Có đức tin, có kiêng, có thờ, con người mới tự răn mình và con cháu để sống sao cho có đạo đức, tránh bị thánh thần trách phạt. Nhưng nếu tín ngưỡng mà kèm theo mê tín quá độ, thậm chí tin tưởng hoang đường, lại có thể gây hại cho người khác.

Không ai ngăn cấm đức tin! Nhưng khi đức tin kèm theo sự mê tín quá mức thì dễ trở thành tiêu cực. Thực tế, tại miễu Bà Chúa Xứ núi Sam, nhiều người vì quá mê tín và ảo vọng vào sự phù hộ của Bà, mà đã vung tiền không thương tiếc, chỉ với hy vọng được giàu sang, thịnh vượng…

“Đốt tiền” không thương tiếc!

Đã quá trưa, nhưng tại giữa sân miếu, nơi có bày chiếc thùng sắt lớn chứa sẵn than lửa nghi ngút, lúc nào cũng có 5 - 7 người túm tụm. Trên tay họ chực chờ hàng đống tiền mã.

Không hề như thông lệ bao năm nay khi bày mâm cúng ở nhà vào các dịp ngày rằm, tết, chỉ đốt chiếu lệ mớ giấy tiền vàng bạc, ở ngay miếu Bà Chúa Xứ, chúng tôi nhận thấy đa số đều đốt cả… mâm. Từ tiền giấy vàng bạc, tiền đô la địa phủ,.. tất cả chất thành từng chồng, chỉ muốn trào rớt xuống trên mâm. Mỗi người 1 mâm.

Xúm xít đốt tiền vàng mã - Ảnh: Nguyễn Hồ

Chúng tôi đã hỏi thử giá mua 1 đống tiền vàng mã lớn gần như vậy, và 1 chủ hàng phía ngoài rào khu miếu, ra giá: 250.000 đồng!Mà mỗi ngày, hàng trăm, hàng ngàn người đến đốt như vậy, quy ra bao nhiêu tiền? Một phần tiền họ bỏ ra, sẽ làm giàu cho những người bán hàng bên ngoài, nhưng phần lớn sẽ thành tro bụi chỉ sau vài phút ném vào cái thùng sắt ấy.

1 nhân viên bảo vệ ở đây cho biết, mới vào tháng Giêng nên lượng người như vậy đã còn thưa thớt. Chứ rộ lên vào dịp tháng 4 - tháng có những ngày vía chính, người ta cứ chen chúc nhau, có lúc giẫm đạp lên cả nhau để mà… đốt tiền.

Còn nhang? Người ta đốt mờ mịt, ngay trước bàn thờ Bà, rồi cách đó chừng vài chục mét. Toàn khói nhang mờ mịt. Dù rằng, người của Ban Quản trịluôn có mặt thường trực để giải tỏa bớt lượng nhang, giảm khói gây ngộp.

Khổ ải thế nào khi chen chân vào cúng Bà, có thể chẳng cần kể lể dông dài. Chỉ biết, trên những băng đá trong sân, trước khu Văn phòng Ban Quản trị núi Sam,.. những người cúng xong trở ra cứ ngồi thành từng tốp. Ít ai nói chuyện với ai, họ chỉ ngồi há hốc miệng, thở lấy thở để.

Nhiều nhân viên bảo vệ tại khu miếu cho biết, vào mùa vía, khách hành hương mang đến cúng nhiều nhất là heo quay. Những ngày cận lễ vía chính, trên sân miếu lúc nào cũng bày không dưới 100 con heo quay. Mà sau vài chục phút, mớ heo ấy phải “di tản” ngay để nhường chỗ cho hàng trăm con heo quay khác, bày ra cúng tiếp. Cứ thế, hết ngày đến đêm…

Bên ngoài khu lăng miếu- Ảnh: Nguyễn Hồ

Chỉ cần dạo quanh các con đường lân cận khu miếu, đủ biết nhu cầu heo quay lớn thế nào. Đếm sơ bộ, đã có trên dưới 50 điểm trương bảng nhận quay heo cúng, muốn heo lớn nhỏ có tất! Mỗi con vài triệu đồng.

Nhưng cũng phải nói rạch ròi, như theo 1 đại diện Ban Quản trị lăng miếu núi Sam, cúng thứ gì là tùy tâm của mọi người, đúng là không ai ép buộc. Cúng heo quay, thực ra cũng không lãng phí lắm, bởi phần lớn họ đều mang về ăn sau khi cúng để hưởng lộc. Chỉ có điều, các chủ cơ sở quay heo lân cận tha hồ hốt bạc. Bởi giá heo quay tại đây luôn cao hơn giá thực tế từ 200.000 - 400.000 đồng/con, vì đáp ứng nhu cầu tại chỗ - cứ chờ trên dưới 1 giờ đồng hồ là có, không cần phải mang vác từ xa đến mà!

Và những tấm lòng từ bi… “bi hài”

“Cúng thứ gì là tùy tâm”. Tại các chùa lớn, cũng làm gì có chuyện ra giá phải cúng chùa thứ gì, bao nhiêu? Nhưng với khách hành hương, một số người lại nghĩ khác.

Anh Nguyễn Thanh Nam - người dân P.Núi Sam, kể rằng, nhiều khách hành hương đã giữ quan niệm phải cúng ít nhất con heo quay mới “nở mày nở mặt”, Bà mới chứng! Thậm chí, họ còn cho rằng, ai cũng cúng heo quay, mình mà cúng thứ khác kém hơn thì mất mặt. Chính quan niệm ấy, đã sinh ra dịch vụ khá bi hài: cho thuê heo quay để cúng!

Xung quanh khu miếu, cũng không khó nhận ra một số cơ sở, trưng bảng “Nhận mua, bán heo quay”. Như vậy dễ hiểu. Bởi nếu khách hành hương chỉ mua heo quay cúng, sau đó mang về hoặc để lại miếu, thì làm gì có ai bán mà các cơ sở này phải trương bảng mua vào? Anh Nam cho biết, nguồn heo quay mang đến bán từ những con heo cho thuê mà thân thể đã quay vòng xơ xác, hoặc có người mua cúng xong, đem bán lại vì… tiếc tiền!

Than ôi! Nếu Bà Chúa Xứ linh ứng thật, chắc cũng lắc đầu khi biết có những con heo mang đến cúng lại là đi… thuê, hoặc để sau đó bán lại vì xót của! Thế mà trong số đó, chắc rằng không ít người khi khấn vái vẫn ra rả tự xưng là : “… với tấm lòng thành!”.

Còn “dịch vụ” chim phóng sinh, cứ nhan nhản như tại bao chùa chiềng, lăng miếu khác. Đến ngay trên đỉnh núi Sam, sát bệ đá được cho là Bà từng ngự, cũng có sẵn thằng bé bán chim mời mọc ngay: “15.000 đồng/con, mua thả đi cậu”. Khi thả, những chú chim xơ xác, thả ra như còn hoảng loạn hơn, cứ bay chấp chới 1 đoạn rồi đáp lại…

Chim phóng sinh, thả ra liệu có phước khi sẽ có người bắt lại?- Ảnh: Nguyễn Hồ

Hồi bé, mẹ tôi hay dạy rằng, ngoài phóng sinh, nếu thấy người ta bắt được con gì, thì cũng khuyên họ nên thả về sông, về rẫy, về trời. Còn mình thì gặp thú vật, chim trời gặp nạn, phải nuôi dưỡng cho nó lành lặn rồi mới thả. Bà hay nói, thả ra mà biết nó đang đói, đang bệnh, trước sau gì nó cũng chết, không chừng mình còn mang tội.

Còn người ta bắt, bán cho mình thả, sau đó họ bắt bán lại nữa, mình cứ thả hoài… thì chẳng khác công dã tràng, vừa mất tiền, e rằng lại mang tội vì tiếp tay ủng hộ những kẻ săn bắt. Mình không mua, ai mà bỏ công bắt?

Nhưng thực tế, rất nhiều người tin tưởng vào sự linh ứng Bà Chúa Xứ núi Sam. Rất nhiều người như chị Nguyễn Thị Út - P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, năm nay sau tết cũng tranh thủ đi Châu Đốc cúng Bà. “Có cúng Bà thì làm ăn mới suôn sẻ”, chị nói. Và thực tế, như theo Ban Quản trị lăng miếu núi Sam, hàng năm lượng khách hành hương cứ ngày một tăng. Nếu không linh ứng, sao người ta vẫn ùn ùn kéo tới?

Cứ cho là như vậy. Nhưng cũng không ít người, như bà Nguyễn Thị Vân - ngụ xã Nhơn Ái, H.Phong Điền, năm nào cũng đi cúng Bà, nhưng gia cảnh nghèo vẫn hoàn nghèo. Mà nghèo là phải! 2 người con trai lớn của bà tối ngày chỉ ăn nhậu, lười lao động. Cả nhà có 7 miệng ăn, nhưng chỉ trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ 2 công đất vườn và tiền công của đứa cháu gái làm thuê. Không lao động, chí thú làm ăn, “Bà” nào mà độ giàu nổi!

Nguyễn Hồ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 4: Khi tín ngưỡng biến thành mê tín dị đoan