Thảm họa mùi hôi thối từ khu xử lý rác Đa Phước tấn công một vùng lớn của TP.HCM hiện nay xuất phát từ thực trạng “chôn lấp là chủ yếu”. Dưới góc độ khoa học thì việc chôn lấp rác không đúng quy cách, thiếu đầu tư sẽ gây hậu quả lớn.

Bãi rác Đa Phước bốc mùi hôi là do cách làm không khoa học

26/10/2016, 05:43

Thảm họa mùi hôi thối từ khu xử lý rác Đa Phước tấn công một vùng lớn của TP.HCM hiện nay xuất phát từ thực trạng “chôn lấp là chủ yếu”. Dưới góc độ khoa học thì việc chôn lấp rác không đúng quy cách, thiếu đầu tư sẽ gây hậu quả lớn.

Bãi rác Đa Phước là nỗi ám ảnh của người dân - Ảnh: Thảo Hương

Làm không đúng quy cách nên mới hôi

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, mỗi ngày TP phát sinh khoảng 7.500 tấn rác. Tuy nhiên, 75% trong số đó chỉ được xử lý theo công nghệ chôn lấp tại bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh). Theo tìm hiểu của báo điện tử Một Thế Giới, hợp đồng mà Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (Đa Phước) đã ký với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ngày 28.2.2006 quy định: Đa Phước sẽ phải tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sau đó tiến hành phân loại, tái chế sản xuất phân Compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được sẽ chôn lấp. Tuy nhiên trên thực tế, Đa Phước đã không thực hiện phân loại, tái chế như hợp đồng đã ký mà chôn lấp toàn bộ

Trên trang Khoa học và Phát triển của Bộ Khoa học - Công nghệ, GS-TS Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường: “Nếu chôn lấp đúng quy cách thì không thể bốc mùi như thế. Tình trạng này thường xuất phát từ việc xử lý rác bằng cách đổ đống, chôn hở”.
GS-TS Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường TPHCM - nói: “Xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh phải có các lớp lót đáy, chống thấm, thu khí và nước thải từ rác, phun chất chống phát tán mùi hôi, chôn lấp xong phải phủ kín và có hệ thống giám sát rỉ rác... Mùi hôi từ các bãi rác là do chôn lấp chưa đúng quy trình. Nếu không kiểm soát chặt, các cơ sở xử lý rác có thể cắt bớt để giảm chi phí”.

Còn PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn - nguyên Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng đã chôn lấp rác là phải có mùi nhưng ở nước phát triển thì khu xử lý rác phải lắp mái che, có hệ thống thông gió hút khí sinh ra và xử lý. Thực tế là ở các nước phát triển, mùi rác không hành hạ người dân như ở khu Nam Sài Gòn hiện giờ.

TS Tuấn cho biết thêm: “Đầu tư bãi chôn lấp đúng quy cách rất tốn, trong đó lớp lót rất quan trọng để nước rỉ rác không ngấm vào mạch nước ngầm. Ở Nhật Bản, họ có tới 11 lớp lót, xen thêm lớp màng để nếu nước thấm xuống sẽ có tín hiệu báo cho hệ thống”.
Ông Phan Trí Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần KH&CN Petech - cũng khẳng định: “Nếu chôn lấp đúng chất lượng thì giá không rẻ, vì phải xây bể chống thấm, chống nứt, gom khí và tích khí. Nền đất Việt Nam kém ổn định nên chi phí này khá lớn. Ngoài ra, khí metan gây cháy nổ nên phải thu lại bằng công nghệ an toàn. Việt Nam chưa sản xuất được các thiết bị này và giá nhập khẩu rất cao”.

Cần đa dạng công nghệ xử lý rác

TS Tuấn nói: “Cách đây 4-5 năm, tôi đã đặt vấn đề đa dạng công nghệ xử lý rác. Với các thành phố có hơn 7.000 tấn rác mỗi ngày như TPHCM và Hà Nội, nên đầu tư hệ thống đốt rác phát điện. Tỷ lệ nửa đốt, nửa chôn lấp là ổn”.

“Đốt rác có thu nhiệt lượng là một hình thức tái chế. Cần tính chuyện xử lý lượng dioxin thải ra. Về nguyên tắc, đốt ở nhiệt độ cao thì dioxin sinh ra ít và ngược lại” - ông Tuấn nói.
Bà Yuri Takano - Công ty xử lý rác thải IKE (Nhật Bản) - cho biết, mấy chục năm trước, hiện trạng rác ở Nhật không khác Việt Nam bây giờ. Chính phủ đã “dọn dẹp” bằng lò đốt rác và khi lượng rác đã vơi đi mới hướng dẫn người dân phân loại để tái chế. “Chi phí đốt đắt gấp rưỡi, gấp đôi chôn lấp. Tuy nhiên, Việt Nam nên đầu tư lò đốt rác để bảo vệ môi trường” - bà Tanako nói.

Ông Sỹ cũng cho rằng, để giảm tỷ lệ chôn lấp còn 60% theo kế hoạch xử lý chất thải rắn giai đoạn 2016-2020, TPHCM cần xây dựng một số nhà máy đốt chất thải để phát điện.

TP.HCM đã ngán kiểu chôn rác bốc mùi kiểu Đa Phước

Cách đây nửa tháng, UBND TP.HCM vừa đề xuất với Bộ Kế hoạch Đầu tư về một số giải pháp chủ yếu triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng cuối năm 2016. Trong đó, TP.HCM đề ra mục tiêu sẽ chuyển đổi sang công nghệ xử lý rác tiên tiến, giảm cơ cấu chôn lấp, trồng thêm cây xanh cách ly giữa khu vực xử lý rác và khu dân cư.

Mới đây, UBND TP.HCM vừa có văn bản đồng ý cho công ty Hitachi Zosen Corporation (Hitz) và Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP (Citenco) hợp tác triển khai “Mô hình thử nghiệm nhà máy xử lý chất thải hữu cơ dễ phân huỷ sinh học tái sinh năng lượng phát điện”.

Nhà máy có công suất 200 kg/ngày sử dụng chất thải thực phẩm được lấy từ chương trình Phân loại chất thải rắn tại nguồn phường Bến Nghé, quận 1. Mô hình thử nghiệm được đặt tại bãi chôn lấp Phước Hiệp do Citenco quản lý (thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi).

Mô hình có diện tích khoảng 300 m2, trên cơ sở đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn về môi trường, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong quá trình thử nghiệm, nếu phát sinh ô nhiễm môi trường thì phải ngừng ngay. Hitz và Citenco phải chịu trách nhiệm khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.

Trước đó, công ty Hitz (Nhật Bản) đã đề nghị TP.HCM cho phép triển khai ba dự án xử lý rác tại TP theo công nghệ đốt phát điện, thu khí metan và làm phân compost. Tổng vốn đầu tư ba dự án này khoảng 80 triệu USD. Hitz đã dành 4 năm để nghiên cứu thành phần và lượng rác thải của TP.HCM. Kết quả cho thấy khả năng biến rác thành năng lượng tại TP là rất tốt.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bãi rác Đa Phước bốc mùi hôi là do cách làm không khoa học