Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh.
Khoa học - công nghệ

Bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh ở Việt Nam

Lam Thanh 30/11/2023 11:35

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh.

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu

Tại “Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023” ngày 30.11, các chuyên gia cho rằng trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã xác định mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Điều này đã được Chính phủ cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Đó cũng là quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện cam kết tại COP26, đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

PGS-TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia hướng tới. Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu phát triển không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà còn phải đảm bảo không gây tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai.

anh-man-hinh-2023-11-30-luc-10.23.49.png
PGS-TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển

Trên cơ sở đó, ông Nguyên nhấn mạnh mục tiêu về phát triển bền vững đã được Liên Hợp Quốc xây dựng nhằm kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa vấn đề tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay ở điều kiện này của Việt Nam, việc ban hành và thực thi các chính sách hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh, bao trùm là một thách thức lớn trong ngắn hạn, do phải lựa chọn đánh đổi giữa chi phí (khả năng giảm đầu tư, thu nhập, tiêu dùng) và lợi ích (khả năng cải thiện môi trường, kinh tế và xã hội).

Bài toán nan giải về tính bao trùm trong chuyển dịch xanh

Theo nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách, Việt Nam cũng đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh.

Trong đó, tính bao trùm của chuyển dịch xanh ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp (DN) và người dân còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.

PGS-TS Trần Trọng Nguyên phân tích, ở cấp độ địa phương, tính đến năm 2021, GRDP bình quân đầu người của các vùng kinh tế trong cả nước có sự phát triển không đồng đều.

Khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng ở ngưỡng cao, lần lượt đạt 142,23 triệu đồng và 110,43 triệu đồng; trong khi khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 53,09 triệu đồng và Trung du và miền núi phía Bắc chỉ đạt 56,13 triệu đồng.

Kéo theo đó, năng suất lao động cũng có sự phân cực mạnh giữa các địa phương khi một số tỉnh thành có năng suất lao động ở mức rất cao, như: Bà Rịa – Vũng Tàu (561,2 triệu đồng/người), TP.HCM (305,5 triệu đồng/người), Quảng Ninh (350,03 triệu đồng/người), trong khi một số tỉnh, thành có năng suất lao động ở mức rất thấp, như: Điện Biên (73,88 triệu đồng/người), Bến Tre (75 triệu đồng/người).

Đặc biệt, theo báo cáo về Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh PSDI 2022, kết quả trung bình của 63 tỉnh/thành trên cả nước năm 2022 đạt 52,53, tăng 1,15 điểm so với năm 2021. Tuy nhiên, sự chênh lệch về phát triển giữa các địa phương còn lớn.

Ở cấp độ DN, số lượng DN và lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước và FDI tăng nhanh, trong khi khu vực nhà nước giảm rõ rệt. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, cộng đồng DN FDI tại Việt Nam có khả năng đạt được cam kết phát thải bằng 0 nhanh hơn khối các DN trong nước.

xanh.jpeg
Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn - Ảnh: Lam Thanh

Các DN trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh do hạn chế về có kinh nghiệm, vốn, và công nghệ. Do vậy, còn nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa “bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững.

Về tính bao trùm ở cấp độ người dân, tỷ lệ lao động đang làm việc hàng năm trên tổng dân số của Việt Nam giảm từ 57,3% năm 2011 xuống còn 49,82% năm 2021. Tương ứng với đó, tỷ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng gia tăng, từ 2,22% năm 2011 lên 2,48% năm 2020 và đạt đỉnh 3,2% năm 2021.

Theo thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn, cuối năm 2016, Việt Nam có khoảng khoảng 13 triệu người thuộc nhóm lao động yếu thế. Sau đại dịch COVID-19, số lao động yếu thế có xu hướng tăng với minh chứng là tỷ lệ lao động thất nghiệp có xu hướng tăng lên.

Nhóm dân số yếu thế có nguy cơ bị gạt ra ngoài

Theo GS-TS Giang Thanh Long, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong các xu hướng lớn trên toàn cầu và ở Việt Nam (gồm có xanh hóa; số hóa; đô thị hóa; trung lưu hóa và già hóa dân số), luôn có những nhóm dân số yếu thế, có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề và phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Do đó, dù nền kinh tế có đi theo hướng nào, thì việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là an sinh thu nhập, phải là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng và phát triển bao trùm.

long.jpeg
GS-TS Giang Thanh Long, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Ông Long cho biết Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đưa ra những định hướng quan trọng cho lĩnh vực này.

“Việt Nam là một trong những nước có tốc độ dân số già hóa nhanh nếu xét theo vị thế của một nước có thu nhập trung bình. Nguy cơ “già trước khi giàu” là hiện hữu nếu như thu nhập không được cải thiện nhanh chóng”, ông Long nêu.

Theo vị chuyên gia, dù tăng trưởng và phát triển theo xu hướng lớn trên toàn cầu nào đi nữa, thì an sinh xã hội vẫn luôn là trụ cột quan trọng, hướng tới bảo vệ những nhóm dân số dễ tổn thương nhất, dễ bị gạt ra ngoài lề nhất trong các xu hướng đó.

“Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội nói riêng và an sinh xã hội nói chung là một trong những yêu cầu cải cách quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bao trùm ở Việt Nam trong những thập kỷ tới đây. Với hệ thống này, mục tiêu “không bỏ lại ai ở phía sau” phải là giải quyết được các vấn đề với các “nhóm ở giữa mất tích””, ông Long nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 18.11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Một Thế Giới trân trọng đăng tải nguyên văn bài phát biểu của Tổng Bí thư.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh ở Việt Nam