Dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc hơn 30 năm nhưng mối đe dọa hạt nhân vẫn còn hiện hữu với căng thẳng gia tăng giữa Nga và NATO về vấn đề Ukraine; Mỹ và Trung Quốc "bất ổn" về Đài Loan.
Peter Kuznick, giáo sư lịch sử và giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt nhân tại Đại học American (Mỹ), người trong nhiều thập kỷ đã nghiên cứu tác động của những quả bom hạt nhân do Mỹ ném xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản - hai vụ tấn công kinh hoàng khiến 110.000 người thiệt mạng – cho biết: “Có nhiều thứ nổi bật về bom hạt nhân trong những năm qua”.
"Mặc dù hai quả bom của Mỹ ném xuống Nhật Bản tương đối nhỏ và thô sơ nhưng sức tàn phá của chúng vô cùng lớn. Hiện chúng tôi ước tính quả bom uranium ở Hiroshima có sức công phá 16 kiloton (các gọi ngắn gọn của lượng nổ 1.000 tấn chất nổ TNT) và quả bom Nagasaki là khoảng 21 kiloton. Tuy nhiên, hầu hết vũ khí hạt nhân hiện đại ngày nay mạnh từ gấp 7 đến 70 lần”, Kuznick nói.
Theo ông Kuznick, những người sống sót sau đó đã cảm nhận được những ảnh hưởng trong suốt cuộc đời của họ. “Họ bị ung thư và các bệnh khác. Một số đã phải phẫu thuật nhiều lần. Người ta thường nói rằng sau một cuộc chiến tranh hạt nhân, những người sống sót sẽ phải ghen tị với những người đã chết. Tôi không chắc điều đó có đúng, nhưng những đau khổ mà những người sống sót phải chịu đựng thật đau đớn”, giáo sư Kuznick nói thêm.
Khi bom hạt nhân phát nổ sẽ tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ và một luồng nhiệt, tiếp theo là một sóng xung kích hủy diệt truyền đi nhanh hơn tốc độ âm thanh. Mức độ thiệt hại của điều này phụ thuộc vào kích thước của quả bom. Ngoài ra, bom hạt nhân có thể phá hủy mọi thứ trong bán kính vài kilomet từ nơi nổ, tùy vào công suất. Phóng xạ từ vụ nổ tiếp tục tiêu diệt sự sống trong nhiều năm tiếp theo.
"Một quả bom có sức công phá 15 kiloton là một loại bom tương đối nhỏ, sẽ gây ra sự hủy diệt hoàn toàn lên đến 1,6km xung quanh tâm chấn", Paul Hazell, giáo sư về động lực tác động tại Trường Kỹ thuật và Công nghệ Thông tin (SEIT), thuộc Đại học New South Wales (Úc), nói với Newsweek.
Theo chuyên gia Hazell, những quả bom hiện đại mạnh hơn “rất nhiều”. Song, ông cho biết có những thứ sẽ cải thiện cơ hội sống sót ở những khu vực không bị phá hủy hoàn toàn. Điều này bao gồm việc tìm kiếm một tòa nhà giống như một boongke hoặc tầng hầm bê tông trước khi vụ nổ xảy ra.
“Nhiều tòa nhà hiện đại có rất nhiều kính, nhưng điều này có thể gây nguy hiểm. Mặc dù các cấu trúc bằng kính có thể chịu được tải trọng gió và tải trọng nổ nhỏ ở một mức độ nhất định, nhưng không thể chống lại một vụ nổ hạt nhân và các mảnh thủy tinh sẽ gây chết người. Nếu bạn đang ở trong một tòa nhà chung cư, hãy chạy đến chỗ cầu thang thoát hiểm, tránh nơi nhiều kính, gỗ”, Hazell cho hay.
Một số chuyên gia cũng khuyên rằng, giải pháp tốt nhất là tìm chỗ trú ẩn bên trong các tòa nhà kiên cố hoặc tầng hầm và tránh xa các cửa sổ. Điều này giúp con người không bị thương do kính vỡ dưới tác động của sóng xung kích, ngăn ngừa bỏng do nhiệt.
Trang web phòng ngừa thảm họa Ready.gov của chính phủ Mỹ khuyên mọi người, nếu đang ở ngoài đường khi cuộc tấn công hạt nhân xảy ra, nên che đậy bất cứ thứ gì có thể bảo vệ, nằm úp mặt xuống và tránh chạm vào mắt, mũi và miệng nếu có thể.
Một yếu tố gây tử vong khác của bom nguyên tử, ngoài sức nóng và sóng xung kích là phóng xạ. Patrick Regan - giáo sư đo lường hạt nhân phóng xạ tại Đại học Surrey (Anh), nói với Newsweek rằng, những người tiếp xúc với lượng phóng xạ đủ mạnh có thể bị chết ngay lập tức - những người khác có thể bị ốm sau đó. “Nếu bạn bắn 10 tia phóng xạ vào toàn bộ cơ thể 1 người, 50% cơ thể họ sẽ chết gần như ngay lập tức, và ngã xuống... hệ thống thần kinh trung ương của họ bị xóa sổ”, Regan nói.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyên mọi người nên vào trú ẩn bên trong một tòa nhà càng sớm càng tốt. Nơi lý tưởng nhất là tầng hầm không có cửa sổ. Đất và bê tông có thể ngăn chặn sự lan rộng của phóng xạ. Cởi bỏ lớp quần áo bên ngoài trước khi bước vào sẽ giúp tránh mang các chất phóng xạ có thể bám trên quần áo vào những khu vực có người trú ẩn. Khi đã vào bên trong, rửa những vùng cơ thể tiếp xúc với bên ngoài cũng sẽ hữu ích.
CDC cũng khuyên mọi người ở yên tại nơi trú ẩn ít nhất từ 12 đến 24 tiếng sau vụ nổ, vì đi ngoài trong khoảng thời gian này sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm phóng xạ. Các bức tường bê tông cốt thép bên cạnh việc giảm thiểu thiệt hại do sóng xung kích tác động tới con người, nó còn có tác dụng hấp thụ phóng xạ làm giảm sự lây lan trên diện rộng.
“Nếu bạn đang xây dựng boongke an toàn hạt nhân của riêng mình, bạn cần gì? Bạn cần nước đóng chai, lon thiếc. Và về cơ bản, bạn ở trong đó càng lâu thì tốt hơn. Độ phóng xạ giảm xuống theo thời gian", Regan nói và lưu ý rằng nước đóng chai nên được giữ trong các nguồn cung cấp khẩn cấp, các thực phẩm phải được giữ trong hộp kín tránh xa nguồn phóng xạ.