Ông Rafael Frankel, Giám đốc Meta khu vực châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ rằng “hãy tưởng tượng những công nghệ do Việt Nam sản xuất rải trên khắp các nẻo đường Đông Nam Á; người Việt Nam thực sự sở hữu những công ty công nghệ hàng đầu…”.
Người Việt Nam sở hữu những công ty công nghệ hàng đầu
Ông Rafael Frankel, Giám đốc Meta khu vực châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ các mục tiêu của Việt Nam về chuyển đổi kỹ thuật số và tầm nhìn về công nghiệp 4.0. Meta đang hỗ trợ tích cực cho sự chuyển đổi này.
“Nhờ các lực lượng thị trường và cách tiếp cận mới mẻ của Chính phủ đối với quy định về Internet, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đang phát triển có tiềm năng nhất trên thế giới. Nếu Việt Nam có thể vươn mình xa đến mức này, nhanh như vậy trong hai thập kỷ qua, chúng ta hãy tưởng tượng những điều Việt Nam có thể làm được trong 20 năm tới”, ông Rafael Frankel nói.
Dự báo về tương lai, ông Rafael Frankel thấy tương lai của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ không kém các nước trong khu vực. Một tương lai mà Việt Nam dẫn đầu khu vực về nền kinh tế xanh, công nghệ, tạo ra hàng triệu việc làm mới đã đặt chúng ta vào Metaverse - một thế giới kỹ thuật số với tiềm năng vô song để mở ra các cơ hội kinh tế - xã hội mới.
“Hãy tưởng tượng một Việt Nam - nơi những công nghệ do Việt Nam sản xuất rải trên khắp các nẻo đường Đông Nam Á, đồng thời mang lại việc làm cho hàng triệu người Việt Nam và giữ gìn môi trường trong sạch cho các thế hệ mai sau.
Hãy tưởng tượng một Việt Nam có nhiều kỹ sư phần mềm không chỉ viết phần mềm cho các công ty công nghệ quốc tế hàng đầu mà còn thực sự sở hữu những công ty công nghệ hàng đầu.
Đồng thời chúng ta hãy tưởng tượng một Việt Nam đi đầu trong công nghệ đa vũ trụ Metaverse, đó là thiết bị thực tế ảo và thực tế tăng cường. Điều này cho phép một bác sĩ phẫu thuật ở TP.HCM dạy cho thế hệ bác sĩ phẫu thuật tiếp theo ở Huế mà không cần rời văn phòng của mình. Tương lai này đang trong tầm tay với của Việt Nam”, ông Rafael Frankel nêu.
Để Việt Nam có thể hoàn toàn khai thác được tiềm năng của tương lai kỹ thuật số, ông Rafael Frankel kêu gọi Chính phủ có một cách tiếp cận toàn diện để phát triển một khuôn khổ quy định về kỹ thuật số.
Việt Nam đã tham gia sản xuất các bộ phận máy bay tiên tiến cho Boeing
Ông Micheal Vũ Nguyễn, Giám đốc Quốc gia Boeing tại Việt Nam cho biết Boeing đang làm việc tích cực với 5 hãng hàng không của Việt Nam trong việc tăng cường đội tàu bay, huấn luyện phi công, đào tạo lãnh đạo, chuyên gia trong ngành hàng không, kỹ sư và nhân viên tu bổ, bảo trì và sửa chữa máy bay.
Theo đại diện Boeing, trong nhiều năm qua, các nhà cung cấp từ Việt Nam đã sản xuất các bộ phận máy bay tiên tiến, bao gồm kết cấu hàng không cho Boeing. Giá trị hàng sản xuất tại Việt Nam cho Boeing trong các năm qua là 200 triệu USD.
Boeing tạo cơ hội và khuyến khích các nhà cung cấp chính đầu tư thêm, hoặc đầu tư mới vào Việt Nam và liên kết sâu rộng với các nhà cung cấp Việt Nam để tạo ra một chuỗi cung ứng đầy đủ, hiệu quả và linh hoạt nhằm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao nhất cho khách hàng.
“Boeing sẽ làm việc với các nhà cung cấp chính để hỗ trợ các công ty Việt Nam trong việc huấn luyện, nâng cao kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất, bảo đảm chất lượng và dịch vụ cho sản phẩm để đạt được đẳng cấp quốc tế cho ngành hàng không”, ông Micheal Vũ Nguyễn nói mong đợi Chính phủ Việt Nam tiếp tục chủ trương với chính sách rộng mở, linh động, hiệu quả cho các nhà cung cấp chính trong ngành hàng không được thuận tiện đầu tư thêm và đầu tư mới vào Việt Nam.
Theo ông Micheal Vũ Nguyễn, Việt Nam đang khan hiếm chuyên gia ngành hàng không và Boeing sẵn sàng hỗ trợ đào tạo chất xám trong ngành nghề này.
“Chúng tôi mong đợi Việt Nam trở thành nguồn cung ứng quan trọng cho ngành hàng không vũ trụ nói chung và chuỗi cung ứng của Tập đoàn Boeing nói riêng”, ông Micheal Vũ Nguyễn nói.
Không có rào càn gì đối với lao động nước ngoài làm tại Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh Việt Nam coi việc phát huy và bồi dưỡng nhân tố con người là chiến lược trong thời gian tới và là một trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Hiện nay có 112.642 người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là coi trọng, thu hút và tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà quản lý giỏi, người lao động có trình độ tay nghề cao đóng góp cho Việt Nam, cũng như phục vụ lợi ích của các tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài.
Về việc cấp phép cho giảng viên, giáo viên trình độ cao vào giảng dạy ngắn hạn, ông Dung cho biết đối tượng này sẽ không phải cấp phép nữa, chỉ cần cơ quan quản lý giáo dục xác nhận là chuyên gia, người có trình độ cao vào giảng dạy thì không phải cấp phép.
Đối với các cơ sở cử chuyên gia liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ đào tạo chất lượng cao giữa các nhà đầu tư cho các trường nghề cũng không phải cấp phép. Linh hoạt trong cấp phép lao động và cải cách hành chính để doanh nghiệp không gặp khó khăn trong cấp phép.
Về cơ quan cấp phép, ông Dung cho biết hiện nay theo quy định của pháp luật, chỉ có ngành lao động - thương binh và xã hội là cơ quan có thẩm quyền thống nhất một đầu mối cấp phép. Tuy nhiên, để bảo đảm được thuận tiện, nhanh chóng, hiện nay, Bộ trưởng cho biết đã ủy quyền cho các sở và một số cụm công nghiệp lớn cũng được uỷ quyền về vấn đề này.
“Thời gian quy định ở đây là tối đa 5 ngày làm việc từ khi nhận được hồ sơ bảo đảm, nếu quá 5 ngày mà thấy không đủ điều kiện thì phải trả lời ngay bằng văn bản và trả lời rõ. Trường hợp vi phạm điều này, các nhà đầu tư cứ báo với chúng tôi, chúng tôi sẽ cho thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm”, ông Dung nêu và cho biết hiện đã cơ bản thực hiện cấp phép qua mạng, sắp tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong vấn đề này.