Chưa tính AFF Cup 2014, lịch sử bóng đá VN số vụ bán độ bi phanh phui đếm trên đầu ngón tay nhưng những nghi vấn lại nhiều vô kể. Những vụ án như Văn Quyến, Quốc Vượng năm 2005 hay Vissai Ninh Bình, Đồng Nai chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bán độ bóng đá được ví như chiếc vòi bạch tuộc, mềm mại nhưng đầy nguy hiểm.
Các trùm độ thao túng từ từ như trăn siết cổ
Năm 1997, vụ án bán độ ở đội Hải Quan được đem ra xét xử với bị cáo là tiền vệ đội trưởng Trương Văn Dưỡng là nhân vật chính cùng các cầu thủ đàn em là Trần Minh Trung (anh ruột Trần Minh Chiến), hậu vệ ĐTVN Nguyễn Phúc Nguyên Chương thì người ta mới biết cầu thủ bán độ không hẳn vì nghèo hay thiếu tiền.
Theo cáo trạng chỉ ra, Trương Văn Dưỡng trước đó có mối quan hệ khá lâu với các trùm độ như Sơn “cao”, Nghĩa “vé số” thông qua trung gian là Trần Minh Trung (đã mất vì tai nạn giao thông năm 2013). Cứ như vậy bằng những cuộc nói chuyện, những lời tỉ tê kiểu đồng đội, bạn bè cuối cùng các trùm Sơn “cao”, Nghĩa “vé số” cũng thao túng được Trương Văn Dưỡng và Trương Văn Dưỡng thì chỉ đạo các cầu thủ trẻ đàn em như Nguyên Chương phải nghe theo.
Cũng thông qua Trần Minh Trung, nhóm Sơn “cao” cũng thọc tay được vào đội Lâm Đồng khi đó với các trụ cột Đinh Xuân Thành, Trần Kim Nghĩa (vừa bị bắt liên quan đến sai phạm tài chính ở đội XSKT Lâm Đồng). Vòi bạch tuộc cứ vậy lan rộng ra vào ngóc ngách các đội bóng và Sơn “cao” bắt đầu điều khiển cầu thủ đá theo kết quả định trước.
Những cầu thủ như Trần Minh Trung, Trương Văn Dưỡng cứ vậy lún sâu vào, đá thắng được thưởng tiền nhưng họ luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ, muốn từ chối cũng không được. Cho đến một ngày do không làm theo chỉ đạo của nhóm Sơn “cao” thì Trương Văn Dưỡng dọa bị cắt gân chân nhưng mới sợ quá trình báo công an, từ đó vụ án bị khui ra.
Trương Văn Dưỡng trong phiên tòa năm 1997 (ảnh Đ.B - Thanh Niên) |
Tiêu cực bóng đá là một quá trình rất dài, không hẳn vì tiền bạc, ví dụ như trường hợp của Nguyễn Phúc Nguyên Chương, một cầu thủ còn rất trẻ. Họ bị lôi kéo, bị tác động, bị đe dọa từ đàn anh, từ cách tay trùm để rồi cứ từ từ dấn vào, gỡ không ra.
Tương tự, ở phía Bắc, nổi tiếng trong thập niên 1990 là ông trùm Thắng “Tài Dậu” là nhân vật được coi là đệ tử của Năm Cam. Thắng “Tài Dậu” trong thập niên 1990 được coi là thao túng bóng đá VN khi có một loạt mối quan hệ với các cầu thủ, HLV nổi tiếng của Thể Công, CAHN. Thắng “Tài Dậu” còn là ông bầu của đội “phủi” Văn Miếu Quốc Tử Giám quy tụ toàn danh thủ, HLV có tiếng ở Hà Nội.
Giới bóng đá phía Bắc, không ai là không biết Thắng “Tài Dậu” và hồ sơ của CQĐT về các trận đấu mà ông trùm này thao túng kết quả có thể nói dày cả xấp mà nếu công bố chi tiết làm ụp đổ cả loạt thần tượng một thời của bóng đá Việt.
Bán độ bóng đá: dính vào rồi rất khó gỡ ra
Các cầu thủ khi còn trẻ ở đội bóng đã bị đàn anh tác động, gợi ý liên tục chuyện dàn xếp tỷ số. Hậu vệ Cao Xuân Thắng của SLNA lúc mới 22 tuổi được cho đội bóng xứ Nghệ cho Ngân hàng Đông Á mượn theo đề nghị của HLV Nguyễn Thành Vinh, đã từng kể lại rằng ở đội có tiền vệ đàn anh từng khoác áo ĐTVN cứ sang phòng to nhỏ gạ gẫm luôn “chuyện nọ chuyện kia”. Cầu thủ nào bản lĩnh từ chối thì không sao, còn một khi đã gật đầu thì bắt đầu “dính” rồi từ đó sẽ đi theo con đường tối
Tiền đạo trẻ Vương Tiểu Đạt ở Ngân hàng Đông Á vì được HLV Nguyễn Thành Vinh sử dụng thường xuyên nên cũng là đối tượng bị rủ rê, lôi kéo. Tuy nhiên do gia đình của Tiểu Đạt ở thị xã Lái Thiêu (Bình Dương) rất giàu có nên cầu thủ này thường hay kể lại với mẹ chuyện bị các cầu thủ đàn anh lôi kéo làm độ. Mẹ của Tiểu Đạt từng gọi điện báo cáo cho HLV Nguyễn Thành Vinh và báo cáo cả lãnh đạo NHĐÁ là ông Đặng Phước Dừa và cũng nói với con trai: “Con cần cái gì thì mẹ mua cho, tuyệt đối không được nghe theo làm bậy”.
Phạm Hữu Phát, chủ mưu trận làm độ Đồng Nai thua Hải Phòng ở V.League 2014, được lấy lời khai. Chắc chắn đây không phải đây là lần đầu Hữu Phát nhúng chàm |
Đầu năm 2006, khi BĐVN bị khui ra một số vụ tiêu cực từ U.23 VN ở Bacolod, trọng tài, SLNA bỏ tiền mua chức vô địch 2001 đã cho thấy một bức tranh chằng chịt, phức tạp của mảng tối đáng sợ.
Hay như trung vệ Vũ Như Thành năm 2003 đã bị VFF treo giò dài hạn vì nghi án làm độ ở JVC Cup tại Mỹ Đình thì sau khi trở lại sân cỏ đá được một thời gian cũng dính vào vô số tai tiếng, nghi vấn tiêu cực khác.
Mới đây 2 xảy ra hai vụ việc làm độ ở Vissai Ninh Bình và Đồng Nai thì đều thấy các cầu thủ chủ mưu như Nguyễn Mạnh Dũng, Trần Mạnh Dũng (V.NB) hay Phạm Hữu Phát (Đồng Nai) đều rất sành sõi chuyện làm kèo, nhận độ, cách thức chuyển tiền cùng mối quan hệ xã hội rất phức tạp bên ngoài.
Điều đó cho thấy chiếc vòi bạch tuộc của tiêu cực len lỏi rất sâu, thao túng dữ dội giới cầu thủ và khi đã dính vào rồi gần như không thoát được. Cầu thủ tham tiền rồi bị thao túng, ép buộc và cuối cùng biến thành con rối trong tay các trùm độ. Lúc đó dù có muốn lắc đầu cũng không lắc được.
Không phải nói quá song chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng có bình luận khá xác đáng: “Bán độ như ma túy, dính vào rồi đừng hòng mà gỡ”
Bàn Thành