Nghi tuyển Việt nam bán độ CĐV lại đặt ra câu hỏi quen thuộc trong đầu: “Chắc là có mùi gì đây mà” khi chứng kiến tuyển Việt Nam thua thảm Malaysia 2-4 một cách khó tin ở bán kết AFF Cup 2014 trên sân Mỹ Đình. Không lẽ bây giờ, VFF phải nhờ đến cơ quan điều tra để giải tỏa nỗi nghi ngờ và ấm ức của hàng triệu khán giả?!
>>Mr.T khỏa thân nếu Việt Nam thắng, CĐV nghi có bán độ!
>>Lạc đà tiên tri chọn Việt Nam, Ronaldo "rủ" Messi xem bán kết AFF Cup
Khán giả, CĐV hay cả cánh báo chí phải thành thật với nhau rằng, khi tuyển Việt Nam thua liên tiếp những pha bóng “trời ơi đất hỡi” thì trong đầu chúng ta hiện lên ngay nghi vấn: “Có bán độ không?” hay “Chắc là chúng nó lại bán nữa rồi”.
Chúng ta có quyền nghi ngờ tuyển Việt Nam bán độ chứ, bởi bóng đá dù luôn tồi tại những sai lầm nhưng không phải sai lầm nào cũng được giải thích vì lý do chuyên môn hay do tâm lý là xong chuyện.
Nếu đứng ở góc độ chuyên môn thì cứ thẳng thắn với nhau rằng các pha bóng của một loạt cầu thủ ở hàng thủ và cả hàng tiền vệ đã thể hiện một trình độ chơi bóng “cấp phường” chứ không phải là trình độ của những tuyển thủ quốc gia.
Hãy xem đi xem lại các pha bóng dẫn đến bàn thua của tuyển Việt Nam sẽ thấy từ thủ môn Nguyên Mạnh cho đến các trung vệ, hậu vệ biên hay tiền vệ đang đá như “người mượn” chứ không phải là chính họ nữa. Malaysia chơi thứ bóng đá quá đơn giản, không có gì đặc sắc, cứ quất bóng dài, còn hậu vệ, thủ môn của tuyển Việt Nam cứ mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác.
HLV Miura nói ông không nghi ngờ cầu thủ tuyển Việt Nam tiêu cực song đó chỉ là một cách nói trước công chúng. Không đời nào HLV chuyên nghiệp lại đi nói cầu thủ mình tiêu cực trước mặt báo chí cả, song chuyện gì xảy ra trong phòng thay đồ của tuyển Việt Nam hay ở khách sạn tối nay thì ai mà biết được.
Nhớ lại Tiger Cup 1996, sau trận hòa Lào 1-1 trối chết, HLV Weigang cũng đã chỉ mặt 4 cầu thủ họ Nguyễn và nói: “Các anh bán trận này bao nhiêu?” và đòi đuổi cả 4 về nước.
Nói về yếu tố tâm lý thì phải hỏi, vì lý do gì tuyển Việt Nam bị trạng thái. Họ bị Malaysia ép sân quá hay họ khớp trước sự cổ vũ của khán giả nhà?
Tại sao ở trận gặp Philippines ở vòng bảng, bị dồn vào thế khó buộc phải thắng thì tuyển Việt Nam lại chơi rất bốc, rất sung và thắng giòn giã. Tại sao ở sân Shah Alam với sức chứa 80.000 người lèn kín còn dữ dội hơn nhiều thì các học trò HLV Miura không “cóng” mà giờ đá ở sân Mỹ Đình họ lại “cóng”?!
Thật khó tin khi một đội bóng được trui rèn qua nhiều trận đấu, từ giao hữu đến chính thức rồi sang Nhật thi đấu mà bị “cóng giò” một cách đơn giản và lãng xẹt vậy sao?
Giới chơi banh bóng vẫn hay nói: “Chốn nguy hiểm là chốn an toàn nhất”. Trận nào tưởng như chắc thắng nhất là trận đấu dễ có khả năng “ngựa về ngược” nhất. Hôm nay, tuyển Việt Nam đã thực hiện đúng với nguyên tắc “khi không ai ngờ thua thì lại thua”, giống như chung kết Tiger Cup 1998 tại Hàng Đẫy hay như chung kết SEA Games 25 tại Vientiane (Lào) năm 2009.
“Một mất thì mười ngờ”. Chúng ta có quyền và được phép nghi ngờ vì tuyển Việt Nam đã chơi một trận rất khó hiểu, rất khó giải thích nếu đứng lý giải đơn thuần là chuyên môn hay tâm lý. Một khi người hâm mộ đã đặt niềm tin yêu thì họ có quyền đặt dấu hỏi cho tuyển Việt Nam bán độ hay không ?
Nhưng, người hâm mộ, báo chí chỉ có quyền nghi ngờ chứ không có quyền kết luận. Đấy là việc của công an, của cơ quan điều tra.
Nguyên An