Chỉ còn hơn 1 tháng nữa Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ kết thúc sứ mệnh 6 năm hoạt động thí điểm, nhưng đến nay gần 400 cán bộ, nhân viên ở đây vẫn chưa biết số phận mình ra sao.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM có nguy cơ 'bị đuổi ra đường'

Hồ Quang | 13/02/2023, 15:51

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ kết thúc sứ mệnh 6 năm hoạt động thí điểm, nhưng đến nay gần 400 cán bộ, nhân viên ở đây vẫn chưa biết số phận mình ra sao.

Cả 2 phương án xử lý đều không kịp thời gian

Ngày 1.4 tới đây, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM sẽ kết thúc sứ mệnh 6 năm hoạt động thí điểm, cũng là kết thúc 6 năm “sống thử”. Như vậy, đến giờ phút này, chỉ còn hơn 1 tháng nữa mọi hoạt động của đơn vị buộc phải dừng lại hoàn toàn, nhưng gần 400 cán bộ, nhân viên Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM vẫn chưa biết số phận của mình ra sao, có còn tiếp tục hoạt động nữa hay không, nếu hoạt động thì hoạt động với mô hình nào: Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Sở An toàn thực phẩm, hay tiếp tục thí điểm…

ban-quan-ly-an-toan-thuc-pham-tphcm-co-nguy-co-bi-duoi-ra-duong-hinh-anh(1).png
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM có nguy có bị "đuổi ra đường" - Ảnh: PV

Có thể nói, đến lúc này, nếu Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM chờ quyết định hoạt động theo mô hình nào thì chắc chắn không kịp, còn gia hạn thêm thời gian thí điểm cũng chưa biết có kịp không, đơn vị này đang đứng trước nguy cơ bị “đuổi ra đường”.

Ngày 13.2, chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới về điều này, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM chua chát nói: “Hiện nay tôi cũng đâu được ký các xử phạt hành chính về vi phạm an toàn thực phẩm. Đến lúc này tôi cũng nản lắm, chẳng muốn hối thúc nữa. Chúng tôi rất khó khăn, tinh thần của anh em đang xuống thấp, mà cứ như thế này chẳng biết làm sao”.

Theo bà Lan, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP đã “biết thân biết phận” mình nên tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập từ giữa tháng 7.2022, để Trung ương có quyết định kịp thời trước ngày 1.4.2023, nhưng không ngờ đến giờ phút này vẫn chưa có quyết định nào, không thể nào kịp trước ngày 1.4.

Hiện nay “số phận” của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM được thực hiện theo 2 phướng án. Trong đó, phương án 1 là chờ Bộ Nội vụ trình Chính phủ quyết định Ban Quản lý an toàn thực phẩm sẽ hoạt động theo mô hình nào hay là kết thúc sứ mệnh; phương án 2 là TP.HCM đã đưa việc thành lập Sở An toàn thực phẩm từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm vào nghị quyết mới thuộc thẩm quyền của TP nhằm thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội.

Tuy nhiên, nghị quyết mới này mà TP đưa ra để thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội phải chờ đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 khai mạc vào ngày 20.5 tới mới thông qua. “Như vậy, cả hai phương án trên, đến ngày 1.4 tới chắc chắn sẽ không kịp”, bà Lan nói.

Chờ gia hạn thí điểm tiếp nhưng chưa biết có kịp không

Cách còn lại duy nhất hiện nay để Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tạm thời hoạt động là Chính phủ tiếp tục gia hạn thời gian thí điểm để chờ những quyết định trên.

“Hiện Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM đã trình Ban Thường vụ Thành ủy để đề nghị Thủ tướng tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm. Dù vậy, đến thời điểm này cũng chưa biết khi nào Ban Thường vụ Thành ủy họp để đề xuất lên Thủ tướng về việc gia hạn thí điểm rồi chờ Thủ tướng quyết định có gia hạn thí điểm hay không. Việc này cũng sẽ kéo dài, chưa biết có hoàn thành trước ngày 1.4 không, nếu không chắc chắn chúng tôi sẽ bị "đuổi ra đường”, bà Lan chia sẻ.

Bà Lan cho biết thêm: “Hiện chúng ta đã có Chỉ thị 17 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Theo đó, mô hình quản lý an toàn thực phẩm cần phải tập trung một đầu mối. Dù đã có Chỉ thị 17 nhưng việc xử lý vấn đề này vẫn kéo dài, và quá chậm chạp”.

Cũng theo bà Lan, khi mới thành lập, Ban Quản lý an toàn thực phẩm được TP giao 468 biên chế, nhưng sau đó cắt giảm còn 416 biên chế. Đến nay, thực tế Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP chỉ có 382 cán bộ, nhân viên, trong đó có 273 công chức, 85 viên chức, còn lại là diện hợp đồng lao động.

Trong suốt 6 năm hoạt động thí điểm vừa qua, Ban Quản lý an toàn thực phẩm là đơn vị quản lý hành chính, nên nguồn thu từ việc cấp giấy chứng nhận mỗi năm gần 20 tỉ đồng đều phải đóng vào ngân sách nhà nước. Các cán bộ, nhân viên ở đây chỉ nhận lương từ nguồn ngân sách nhà nước, nên thu nhập thấp, gặp rất nhiều khó khăn.

Dù vậy, bà Lan khẳng định, trong suốt 6 năm hoạt động thí điểm vừa qua, ban đã góp phần giúp cho thực phẩm của TP an toàn hơn trước đây. Điều này thể hiện qua việc tỷ lệ lấy mẫu tăng so với trước đây nhưng tỷ lệ mẫu vi phạm giảm; thực phẩm sạch ngày càng gia tăng với nhiều chuỗi nông sản tươi sống như VietGAP, GlobalGAP… hay chuỗi thực phẩm an toàn; đồng thời nâng cao được nhận thức cho cộng đồng.

Do đó, bà Lan mong muốn được chính thức hóa mô hình này để Ban Quản lý an toàn thực phẩm trở thành Sở An toàn thực phẩm nhằm tổ chức một cách chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, chính thức hơn.

Ngày 5.12.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2349/QĐ-TTg về thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM với thời gian 3 năm. Sau đó, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý cho Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đến ngày 31.3.2020, và Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của ban trong thời gian 3 năm, kể từ ngày 1.4.2020.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM có nguy cơ 'bị đuổi ra đường'