Tôi và Nhi chơi thân với nhau từ lớp 6, đến bây giờ đã hơn 12 năm. Lớp 6, cái tuổi ‘ăn chưa no, lo chưa tới’, và đồng tính là gì, tôi chẳng có khái niệm gì về nó.

Bạn thân tôi là người đồng tính

Một Thế Giới | 05/08/2014, 05:00

Tôi và Nhi chơi thân với nhau từ lớp 6, đến bây giờ đã hơn 12 năm. Lớp 6, cái tuổi ‘ăn chưa no, lo chưa tới’, và đồng tính là gì, tôi chẳng có khái niệm gì về nó.

Vì nhà hai đứa gần nhau, ngày ngày, chúng tôi đến trường, rong chơi, chẳng lo chuyện ngày mai lớn lên sẽ như thế nào. Gia đình Nhi khá giả, Nhi chỉ có bạn thân là tôi, khá hiểu nhau nên chúng tôi như chị em trong gia đình.
Đầu năm học lớp 7, các bạn cùng lớp nhìn thấy tình bạn của chúng tôi hơi vượt mức là đôi bạn thân, vậy là mỗi lần vào lớp, mọi người nhìn chúng tôi với ánh mắt khác biệt. Có khi là những lời nói ác nghiệt, có khi là những trận cười mỉa mai. Mỗi lần đi học, tôi đều nhận thấy những lời nói cay độc ấy, nhiều lần để ý thấy sự khác biệt từ Nhi, tôi bắt đầu xa lánh, dường như có một chút sợ hãi vô hình.
Tôi đã ít nói chuyện với Nhi suốt năm học. Thời điểm đó, Nhi không có đứa bạn thân nào, sức học cũng không được khá, đám con gái lớp tôi toàn những đứa vừa học giỏi vừa xinh xắn điệu đà, Nhi khác biệt, bị cô lập. Nhi thích tóc ngắn, tôi nghĩ rằng là tóc ngắn cho mát thôi. Lúc đó, tôi còn quá trẻ, cũng không để ý điều gì có vẻ khang khác trong lối cư xử và tính cách của Nhi.
Ngày ấy, chuyện đồng tính còn quá mới mẻ, đặc biệt là đối với đám con nít như chúng tôi. Mỗi lần, nghe ai đó tám chuyện thấy hai đứa con trai hay hai đứa con gái chơi chung với nhau có vẻ quá thân mật, bọn tôi đều chỉ trích khá dữ dội.
Bắt đầu từ ngày đó, tôi nhận thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong Nhi: mặc quần áo con trai, cắt tóc giống con trai, cư xử và hành động như con trai. Gia đình Nhi phản ứng rất mạnh với sự thay đổi này. Mẹ Nhi ngã bệnh nặng, những cuộc tranh luận gia đình xảy ra thường xuyên hơn, ánh mắt dè dặt của người đời và đỉnh điểm là việc Nhi tự tử nhưng may được phát hiện kịp thời. Rồi gia đình Nhi cũng dần dần chấp nhận Nhi là người đồng tính. Nhi nghỉ học cấp 3, và cũng đã cố gắng học chương trình bổ túc vài tháng sau đó nhưng rồi cũng bỏ.
Tôi nghĩ nhà Nhi có điều kiện nên cũng không cần phải học nhiều. Được sinh ra trong một gia đình khá giả, chuyện tiền nong với Nhi khá thoải mái. Sau sự thay đổi toàn diện đó, Nhi bắt đầu dấn thân vào lối sống sa dọa. Ngày ngày, Nhi tụ tập ăn chơi với đám bạn xấu, sẵn sàng bỏ tiền ra chỉ để giết thời gian, tìm một người bạn, mua vui.
Rồi một ngày, tôi bắt gặp Nhi ngồi ở góc sân trường mẫu giáo gần nhà, bán hột vịt lộn, xếp từng cuốn bánh tráng, chỉ để đổi lại vài đồng lẻ. Chuyện buôn bán không thuận lợi. Với trình độ chưa tốt nghiệp phổ thông, Nhi bắt đầu đi làm công nhân cho xưởng cách nhà 10 km. Tôi rất bất ngờ, gia đình Nhi khá giả, hầu như Nhi chẳng hề làm việc nhà, huống chi là dẹp bỏ mặc cảm, ra ngoài kiếm tiền lao động chân tay như vậy. Chắc phải có động lực rất lớn đây! Tôi đã nghĩ vậy.
Một lần, Nhi nói với tôi, đang yêu Trang, một người con gái và vẫn còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường. Bạn tôi hằng ngày đi làm công nhân bằng xe máy, Trang đạp xe 10 km để đón bạn tôi tan sở. Một người chạy xe máy, một người chạy xe đạp, vui vẻ cười nói cùng nhau về. Đoạn đường dường như ngắn lại. Việc đó xảy ra đều đặn đến khi Nhi kiên quyết ngăn cấm Trang đưa đón vì lý do nguy hiểm trên đường. Rồi một ngày, Mẹ Trang phần nào cũng nhận ra được tình cảm lạ thường của con gái mình, bà phản đối kịch liệt, nghiêm cấm Trang gặp Nhi. Vậy nhưng họ vẫn âm thầm yêu nhau, cả hai cùng mong ước sẽ xây dựng nên một tương lai hạnh phúc, ngôi nhà và những đứa trẻ.
Ngay từ đầu, tôi không nghĩ là Trang đến với Nhi bằng tình cảm chân thành, thời gian đã cho tôi câu trả lời khi chứng kiến tình cảm của hai người. Gần đây, trong một lần tâm sự với tôi, Nhi thừa nhận rằng, Nhi cố gắng ra ngoài kiếm tiền, cố gắng tích lũy chỉ vì muốn lo cho tương lai của Trang sau này. Đợi Trang tốt nghiệp cao đẳng, họ sẽ cùng nhau mở nhà hàng nhỏ, Trang làm thợ may, sẽ cố gắng sinh con nhờ thụ tinh nhân tạo, cùng nhau xây dựng tổ ấm riêng, điều duy nhất chỉ chờ sự cho phép của gia đình hai bên.
Tôi thấy sự hạnh phúc trong lời nói của Nhi. Sức mạnh tình yêu to lớn quá. Một cô công chúa quen được chiều chuộng từ bé, cuộc sống sung sướng không lo nghĩ, loay hoay đi tìm giới tính thật của mình, rồi dấn thân vào con đường ăn chơi sa dọa, rồi ra đời lao động chân tay kiếm tiền nuôi bạn gái. Tình yêu là gì? Dù đã trải qua vài mối tình, tôi cũng vẫn chưa trả lời được. Huống chi lại là tình cảm giữa hai người con gái muốn cùng nhau nên vợ nên chồng. Tương lai, cuộc sống sau này ra sao chưa biết, chỉ biết rằng phía trước họ thật lắm chông gai, trắc trở. Tôi chỉ hy vọng rằng Trang sẽ biết trân trọng tình cảm mà bạn tôi dành cho.
Pháp luật Việt Nam không phản đối nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân đồng tính. Cách đây không lâu, tôi đọc được bài báo, hai người đồng giới nam tổ chức đám cưới ở Trà Vinh. Gần đây nhất, theo thông tin từ đại sứ quán Mỹ, cặp đôi đồng tính nam đầu tiên của Mỹ kết hôn tại Việt Nam.
Mạng xã hội nở rộ, chuyện tình yêu đồng giới càng có điều kiện lan rộng, và cách nghĩ của mọi người phần nào trở nên cởi mở hơn với bình luận như là: “trai đẹp đã hiếm mà chúng nó còn yêu nhau”… Điều này chứng tỏ tình yêu đồng giới dần dần trở thành chuyện thường ngày của giới trẻ.
Tôi là người con gái hiện đại, tôi không phản đối tình yêu đồng giới nếu hai người đến với nhau bằng tình yêu thật sự. Nhi và Trang yêu nhau, họ đâu làm gì xấu ảnh hưởng đến người khác? Họ chỉ muốn chứng tỏ với mọi người rằng họ cũng chỉ là những con người bình thường, cũng có lối sống lành mạnh. Xin mọi người đừng vì những thành kiến mà làm họ phải xa cách nhau, đừng vì sự kỳ thị mà dẫn đến những chuyện không đáng có.
Câu chuyện của Nhi - Trang, chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm, còn nhiều tình yêu đồng giới đang hiện hữu ngoài kia, mong một ngày họ sẽ được gia đình và xã hội công nhận.
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một phụ nữ sống tại TP.HCM
Theo H.Cẩm (Thanh Niên)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạn thân tôi là người đồng tính