Người dân Hồng Kông cùng không ít quan chức và tổ chức quốc tế đều lấy làm tiếc khi tờ Apple Daily không thể tiếp tục hoạt động. Họ cũng lên án mạnh mẽ hành vi đàn áp tự do báo chí mà chính quyền đặc khu, giới chức Trung Quốc thực hiện.
Ngày 24.6, Apple Daily ra ấn bản cuối cùng gửi lời tạm biệt đến độc giả. Đây là kết quả của việc tỷ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai – người sở hữu tập đoàn truyền thông Next Digital quản lý tờ báo) cùng 5 nhân vật cấp cao làm việc cho báo bị bắt giữ với cáo buộc thông đồng thế lực bên ngoài đe dọa an ninh quốc gia, tài sản Apple Daily bị phong tỏa hoàn toàn.
Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) Yamini Mishra xem đây là ngày đen tối nhất trong lịch sử báo chí Hồng Kông. Bà nhận xét vụ việc mới nhất cho thấy rõ luật an ninh quốc gia Trung Quốc áp đặt với đặc khu mang nặng tính đàn áp.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông Ronson Chan cũng lên tiếng: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền thực hiện lời hứa bảo vệ tự do báo chí, để người làm báo có thể phục vụ cho Hồng Kông mà không phải sống trong sợ hãi”.
“Chúng tôi sẽ rất lo lắng khi viết báo lại phải chịu hậu quả. Tôi sợ rằng xã hội sẽ cảm thấy ai cũng có thể bị bỏ tù vì những gì họ viết”, Chủ tịch Chan nói thêm.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab góp lời: “Hành vi buộc Apple Daily phải đóng cửa là đòn giáng mạnh vào tự do ngôn luận ở Hồng Kông. Rõ ràng quyền hạn mà luật an ninh đem lại được sử dụng như công cụ cắt giảm quyền tự do và trừng phạt người bất đồng chính kiến hơn là giữ gìn trật tự xã hội”.
Phía Liên minh châu Âu (EU) đưa ra bình luận tương tự: “Luật an ninh đóng vai trò công cụ kiềm hãm quyền tự do báo chí lẫn tự do bày tỏ ý kiến. Xói mòn tự do báo chí đi ngược lại nguyện vọng của Hồng Kông với tư cách một trung tâm thương mại quốc tế”.
Giám đốc điều hành Viện Báo chí quốc tế (IPI) Barbara Trionfi chỉ trích giới chức Trung Quốc tiến hành “bịt miệng” một đơn vị truyền thông quan trọng. Bà tuyên bố IPI đứng về phía đội ngũ Apple Daily.
Đài Loan đánh giá vụ việc như “hồi chuông báo tử” cho tự do báo chí, xuất bản và tự do ngôn luận tại đặc khu, cho cộng đồng quốc tế chứng kiến chủ nghĩa toàn trị của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả rằng Hồng Kông là xã hội pháp quyền, không ai đứng trên pháp luật, không quyền tự do nào đứng trên an ninh quốc gia.
Apple Daily gắn bó với đời sống của người dân Hồng Kông suốt 26 năm qua. Bà Maria Tse làm trong ngành giáo dục mô tả cảm xúc bản thân lúc đội mưa đứng bên ngoài tòa soạn báo tối 23.6: “Tâm trạng của tôi giống thời tiết bây giờ vậy. Tôi rất buồn, đây là tờ báo tôi đọc từ lúc trẻ”.
Ông Johnny Ku làm trong ngành xây dựng bày tỏ lo ngại: “Nếu Apple Daily không thể tồn tại thì không còn tự do báo chí nữa. Một đơn vị mạnh như vậy mà cũng mất tiếng nói, tôi nghĩ nhiều đơn vị truyền thông khác sẽ sợ hãi”.