Ngày 17.5, báo chí Argentina đã có bài viết ca ngợi cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Người (19.5.1890 – 19.5.2024).
Tại Buenos Aires, tờ Reporte Asia đăng bài viết khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người đã trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân và sự bóc lột của các thế lực phương Tây.
Với tiêu đề “Cuộc đời và di sản của Hồ Chí Minh, lãnh tụ cách mạng Việt Nam”, bài viết nhấn mạnh di sản mà Bác Hồ để lại là một biểu tượng vượt xa giới hạn lịch sử và có ảnh hưởng sâu sắc đến những thay đổi chính trị và xã hội ở Đông Á trong nửa sau thế kỷ XX.
Bài viết ghi lại bối cảnh lịch sử Việt Nam dưới ách độ hộ của thực dân Pháp khi Người ra đời. Thời gian khi chàng trai Nguyễn Sinh Cung đi học ở Huế, tham gia vào các cuộc biểu tình chống chế độ thực dân và khi Người rời Việt Nam để ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba khắp năm châu trong suốt 30 năm.
Bài báo điểm lại những thời khắc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành tại châu Âu, đặc biệt là thời gian tại Pháp, Người tham gia tích cực trong các phong trào xã hội chống chủ nghĩa thực dân. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng hình thành tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh viết khi đó, Người luôn thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân.
Cùng ngày, tờ Resumen Latinoamericano cũng đăng bài viết nhấn mạnh về thời khắc mang tính quyết định khi Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2.1930. Tờ báo bình luận việc thành lập một đảng chính trị đại diện cho lợi ích của gia cấp công nhân và người dân Việt Nam cho thấy Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng và chiến lược gia tài giỏi.
Năm 1941, Hồ Chí Minh trở về Việt Nam cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đội vũ trang Việt Minh, chuẩn bị lực lượng để tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Việt Nam vẫn tiếp tục cho tới ngày 7.5.1954 khi quân đội và nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử trước quân đội Pháp.
Bài báo nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc ký kết Hiệp định Geneve ngày 20.7.1954 về đình chiến, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm kiếm đoàn kết dân tộc và tránh xung đột vũ trang. Tuy nhiên sau đó, Mỹ đã làm mọi cách ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh với Liên Xô.
Trong bài viết dưới tiêu đề “Hồ Chí Minh, con người mà cả thế giới đều biết đến”, báo điện tử Đài phát thanh quốc gia Argentina viết, trước khi Bác Hồ mất vào tháng 9.1969, Người đã đưa ra lời kêu gọi cuối cùng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mặc dù chiến tranh kéo dài đến năm 1975 nhưng đối với dân tộc Việt Nam, ông là nhà kiến trúc sư vĩ đại cho nền độc lập, giải phóng và thống nhất đất nước.
Từ ngày Bác Hồ đi xa cho đến khi dân tộc Việt Nam hoàn toàn chiến thắng quân xâm lược, ngày 30.4.1975, trong lòng các chiến sĩ Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng luôn vang câu nói: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.