Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ khai mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024 diễn ra vào chiều nay 15.3.
Diễn đàn gồm 12 phiên họp, trong đó có 2 phiên toàn thể khai mạc, bế mạc và 10 phiên thảo luận với các chủ đề hấp dẫn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam, khẳng định TP.HCM xem báo chí cách mạng là lực lượng cơ hữu đóng góp quan trọng cho sự phát triển của TP.
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM cũng như những khó khăn mà TP gặp phải, ông Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn báo chí tiếp tục quan tâm hơn nữa, giúp TP nhận diện rõ hơn các điểm nghẽn chiến lược, nhìn rõ hơn định hướng, giải pháp cho chặng đường phát triển sắp tới.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng "đặt hàng" các cơ quan báo chí ở trung ương, địa phương và TP.HCM tạo các chuyên mục, diễn đàn chuyên đề để góp ý, hiến kế cho quá trình triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố theo Nghị quyết 98 trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể khai mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, vài năm trở lại đây, công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. Vậy là báo chí phải làm những việc mới. Đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là “Ai, cái gì, khi nào và ở đâu”, tức là rộng hơn việc đưa tin.
Độc giả mong muốn biết những gì ở phía sau quá nhiều những tin tức kia. Đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức. Đó có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước.
Những khó khăn và những vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò của báo chí, như một số người nghĩ như vậy, mà chỉ nói lên một điều là báo chí cần phải đổi mới. Không thay đổi thì sẽ bị thay thế. Công nghệ số, Internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
"Muốn đi xa thì phải về gần. Báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về và giữ vững những giá trị cốt lõi và sứ mệnh ban đầu của báo chí cách mạng. Giữ cái bất biến này để ứng vạn biến. Cái vạn biến chính là cách mà chúng ta làm báo. Không gian sáng tạo vô hạn của chúng ta là ở đây. Công cụ để thực hiện sự sáng tạo vô hạn đó chủ yếu là công nghệ số", ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Tham luận tại diễn đàn, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra đánh giá tổng quan về báo chí đương đại và những dự báo trong xu hướng chuyển đổi số của báo chí hiện đại.
Đi thẳng vào những vấn đề đang đặt ra đối với báo chí cách mạng Việt Nam, ông Lê Quốc Minh cho biết, kết quả khảo sát cho thấy tình hình phát hành báo in đang sụt giảm không chỉ ở phạm vi toàn cầu, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đối với nhiều cơ quan báo chí trong nước.
"Đối với xu hướng báo chí toàn cầu, khảo sát về tổng doanh thu từ độc giả chiếm khoảng 83%, kế đến là nguồn thu từ phát triển sản phẩm và tìm kiếm doanh thu khác, vốn là những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư hiện nay", ông Lê Quốc Minh cho biết.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, thay vì bị động trước sự phát triển của AI hoặc bị thua cuộc trong cạnh tranh với AI thì báo chí trong nước nên chủ động tìm hiểu, ứng dụng AI vào hoạt động tác nghiệp của phóng viên báo chí.
Nói về những việc cần làm ngay trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng các cơ quan báo chí cần phải thúc đẩy để ban hành những quy định pháp lý nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của báo chí, để không bị sử dụng và phân tích bởi các hệ thống AI mà không có sự chấp thuận và không có đền bù tài chính thỏa đáng.
Các cơ quan báo chí cũng cần tìm ra thị trường ngách, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Cần xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao, người dùng trung thành hoặc mối quan hệ trực tiếp với các nhà quảng cáo cụ thể mà không bị lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ.
"Ngoài quảng cáo, các cơ quan cần tìm kiếm các nguồn doanh thu khác, trong đó doanh thu từ độc giả phải được coi là chiến lược bền vững hàng đầu", ông Lê Quốc Minh gợi ý.
Tiếp theo, ông Lê Quốc Minh cho rằng, ưu tiên digital nhưng không có nghĩa là ưu tiên mạng xã hội. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh đã đến lúc cần kéo độc giả trở lại với website của báo chí. Cùng với đó, báo in cần được nâng niu và đối xử như một sản phẩm cao cấp, mang lại những thông tin giá trị với chiều sâu cùng sự hiểu biết mà chỉ con người mới có thể mang lại.
Tại diễn đàn, các tham luận cũng nhìn nhận, đánh giá về nền báo chí cách mạng Việt Nam đang tiến đến mốc 100 năm phát triển. Trải qua hành trình gần một thế kỷ, báo chí ngày càng thể hiện rõ tính định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước khẳng định tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đóng góp rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, dân tộc.
Trong giai đoạn hiện nay, báo chí đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng và làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại với sự ra đời nhiều chương trình, sản phẩm mới, lan tỏa sâu rộng trên các nền tảng số, có hiệu ứng tốt trong xã hội.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng dự báo, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các loại hình thông tin mới như mạng xã hội, hiện tại đang là thời điểm vô cùng khó khăn của báo chí thế giới cũng như báo chí Việt Nam do sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi trong thói quen và hành vi tiêu dùng thông tin của công chúng.
Các cảnh báo về sự phát triển tràn lan của thông tin giả, thông tin sai lệch khiến cho niềm tin của xã hội đối với báo chí bị giảm sút, trong khi đó nguồn thu quảng cáo càng ngày càng sụt giảm với mọi loại hình báo chí, kể cả điện tử. Ngoài ra, báo chí dù vẫn giữ vai trò mang lại thông tin hữu ích cho xã hội, nhưng sứ mệnh hàng trăm năm qua đang bị đe dọa bởi những biến chuyển liên tục, đặc biệt trong khoảng 1 thập niên trở lại đây.
Sau lễ khai mạc, Diễn đàn báo chí toàn quốc tiếp tục tổ chức 3 phiên thảo luận chuyên đề, với các chủ đề: "Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí"; "Xây dựng môi trường văn hóa báo chí" và "Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội".