Báo cáo mới nhất được công bố vào đầu tháng 11 của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng nhu cầu dầu lửa của thế giới đang bước vào giai đoạn suy giảm và phải đến khoảng thời điểm năm 2040 nhu cầu mới đạt đỉnh. Nhưng, liệu điều đó có chính xác?
Hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu lửa (OPEC) diễn ra tại Vienna từ ngày 30.11.2016 có thể sẽ giữ vai trò bước ngoặt đối với một xu hướng mới trên thị trường dầu thế giới: sự thoái trào và cắt giảm sản lượng. Tâm điểm hội nghị Vienna lần này của OPEC là thảo luận và thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng toàn cầu giữa các nước thành viên và các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC như Nga, Mexico, Azerbaijan để vực dậy giá dầu trên thị trường.
Nếu thỏa thuận cắt giảm này được thông qua, đây sẽ được coi là một sự thoái trào mang tính toàn cầu của các nước khai thác và xuất khẩu dầu lửa, khi trước đó một phần lớn các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến Mỹ đã buộc phải ngưng hoạt động hoặc giảm sản lượng do giá dầu thấp. Điều này cũng trùng khớp với báo cáo mới nhất được công bố vào đầu tháng 11 của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) chorằng nhu cầu dầu lửa của thế giới đang bước vào giai đoạn suy giảm và phải đến khoảng năm 2040 nhu cầu mới đạt đỉnh. Nhưng, liệu điều đó có chính xác?
Báo cáo mới nhất của IEAvề nhu cầu dầu lửa của thế giới trong những năm sắp tới có thể khiến các nước xuất khẩu dầu đang nhóm họp tại Vienna phải nản lòng và thậm chí thúc đẩy thông qua một thỏa thuận cắt giảm sản lượng toàn cầu diễn ra nhanh hơn. Theo báo cáo của IEA, thị trường dầu thế giới sẽ bước vào suy trầm trong những năm sắp tới trước khi tăng tốc trở lại và đạt đỉnh trước năm 2040. Lý do chủ yếu là vì nền kinh tế thế giới vẫn đang ở trong giai đoạn trì trệ và điều này ảnh hưởng đến nhu cầu đối với mặt hàng năng lượng chủ chốt này. Nói cách khác, theo IEA, OPEC và các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC nên hoàn tất thỏa thuận cắt giảm sản lượng càng sớm càng tốt để vực dậy giá dầu thay vì chờ đợi một diễn biến tốt hơn của thị trường dầu toàn cầu.
Dù không đồng tình với dự báo về thời điểm cũng như mức sản lượng đạt đỉnh của thị trường dầu toàn cầu của IEA, thì hầu hết các tổ chức và lãnh đạo chủ chốt trong lĩnh vực này đều có chung quan điểm rằng: sản lượng dầu sẽ giảm trong thời gian tới do sự sụt giảm về nhu cầu của thế giới. Simon Henry, Giám đốc tài chính của Royal Dutch Shell, cho rằng thị trường dầu sẽ đạt đỉnh trong khoảng từ 5-15 năm tới khi nhu cầu tăng trở lại do phục hồi kinh tế. Trong khi đó, giám đốc điều hành của các hãng dầu như Conoco Phillips và French Oil thì cho rằng mức sản lượng đỉnh của thị trường dầu thế giới sẽ không bao giờ vượt mức 100 triệu thùng/ngày so với mức dự báo 117 triệu thùng/ngày vào năm 2040 của IEA (mức sản lượng hiện tại của thế giới đang là khoảng 97,2 triệu thùng/ngày).
Tuy nhiên, những con số thống kê đã chỉ ra, sản lượng dầu khai thác trên toàn cầu không phải lúc nào cũng có sự biến động tương ứng với sự thay đổi nhu cầu dầu của thế giới. Vào thời điểm năm 2009, khi kinh tế thế giới đang bước vào suy thoái do cuộc khủng hoảng 2008-2009 và IEA dự báo sản lượng dầu sẽ sụt giảm mạnh do nhu cầu yếu, thì thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Tổng sản lượng dầu thế giới đã tăng vọt kể từ sau thời điểm năm 2009. Tính đến thời điểm đầu tháng 11.2016, tổng sản lượng dầu thế giới đạt mức 97,2 triệu thùng/ngày so với mức 85,6 triệu thùng/ngày ở thời điểm cuối năm 2007; trong đó chỉ tính riêng Mỹ sản lượng dầu thô đã tăng gần gấp đôi, từ mức 5 triệu thùng/ngày vào năm 2008 lên mức 9,4 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2015.
Điều này cho thấy một thực tế, những dự báo về sản lượng dầu khai thác dựa trên tổng cầu của thế giới không phải lúc nào cũng chính xác. Những gì diễn ra trên thị trường dầu giai đoạn 2008-2015 đã chứng minh điều ngược lại: khi tổng cầu sụt giảm mạnh, thì sản lượng khai thác dầu toàn cầu lại tăng đột biến. Thực tế đã chứng minh, tổng sản lượng dầu khai thác trên toàn cầu rất ít phụ thuộc vào nhu cầu của thế giới. Trong giai đoạn 2008-2015, nó phụ thuộc chủ yếu vào sự tiến bộ của công nghệ, khi công nghệ khai thác dầu đá phiến với chi phí thấp đã đẩy tổng sản lượng khai thác tăng đột ngột do yếu tố cạnh tranh chi phối giữa Mỹ và phần còn lại bao gồm OPEC và các nước xuất khẩu dầu khác như Nga. Sự dư thừa trầm trọng khiến giá dầu sụt giảm trong suốt 2 năm qua là dẫn chứng điển hình cho việc nhu cầu không có nhiều tác động tới sản lượng khai thác.
Sự phát triển của công nghệ đang ngày càng là một yếu tố giữ vai trò chi phối đối với giá dầu và sản lượng khai thác thay vì nhu cầu và yếu tố kinh tế. Sự phát triển của công nghệ giao thông mới như xe điện sẽ khiến nhu cầu với dầu lửa giảm xuống, trong khi sự phát triển của công nghệ khai thác dầu phiến sẽ khiến chi phí giảm đi và tiếp tục đẩy sản lượng gia tăng do mục đích cạnh tranh. Cùng với đó là những nỗ lực toàn cầu về chống biến đổi khi hậu và giảm lượng khí thải carbon cũng là những yếu tố quan trọng không thể bỏ qua.
Theo dự báo, nếu tất cả những điều này diễn ra, thì thị trường dầu thế giới không những không đạt đỉnh vào năm 2040 như dự đoán của IEA, mà sẽ còn giảm mạnh, từ mức 97,2 triệu thùng/ngày hiện nay xuống còn khoảng 73,2 triệu thùng/ngày. Và cũng không nên quên một thực tế rằng, OPEC và các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC nhóm họp tại Vienna bàn về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng toàn cầu để vực dậy giá dầu ở thời điểm hiện tại, cũng là vì lợi ích của những nước này là chủ yếu chứ không phải là một động thái điều chỉnh dựa vào nhu cầu của thế giới.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)