Bão Goni được nhận định sẽ liên tục đổi hướng và di chuyển chậm lại trong quá trình di chuyển từ Philippines vào Biển Đông sau đó áp sát đất liền các tỉnh Trung bộ.

Bão Goni liên tục đổi hướng khi vào Biển Đông, ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao?

Tổng hợp | 01/11/2020, 15:00

Bão Goni được nhận định sẽ liên tục đổi hướng và di chuyển chậm lại trong quá trình di chuyển từ Philippines vào Biển Đông sau đó áp sát đất liền các tỉnh Trung bộ.

Chiều 1.11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Goni tiếp tục quần thảo trên khu vực miền Trung Philippines trong nhiều giờ qua. Lúc 13h, sức gió mạnh nhất cấp 14, giật cấp 17.

Trong 24 giờ tới, bão đi theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20-25 km/h và tiến vào Biển Đông. Chiều 2.11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 560 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13.

Sau đó, bão đổi hướng, đi chậm lại theo hướng tây với tốc độ 15-20 km/h. Chiều 3.11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 220 km về phía đông nam. Cường độ của bão có xu hướng giảm xuống cấp 9-10, giật cấp 12.

Hình thái này tiếp tục đổi sang hướng tây tây nam, vận tốc 10-15 km/h. Chiều 4.11, tâm bão cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 180 km. Sức gió vùng gần tâm tăng cấp trở lại, lên cấp 10, giật cấp 13.

Cơ quan khí tượng cho biết cho đến khi áp sát đất liền các tỉnh Trung Bộ, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam và đi rất chậm, vận tốc 10 km/h.

baogoni.jpg

Hướng di chuyển của bão Goni không ổn định khi vào Biển Đông. Ảnh: NCHMF.

Theo cơ quan khí tượng Hong Kong, sau khi vượt qua vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa, bão có dấu hiệu suy giảm cấp nhưng không đáng kể. Lúc 13h ngày 5.11, tâm bão nằm ngay trên đất liền các tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên. Sức gió mạnh 75 km/h, tương đương cấp 9, giật cấp 11.

Cơ quan này cảnh báo hoàn lưu bão Goni rất rộng. Khi tâm bão áp sát đất liền, hoàn lưu bao trùm khắp các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, lan sang cả Tây Nguyên và Nam Bộ. Các khu vực này có thể hứng chịu một đợt mưa trong ngày 5-6.11.

Đánh giá về diễn biến của bão Goni, thạc sĩ Trương Bá Kiên, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, cho biết thời điểm bão đổ bộ vào Philippines, do hoàn lưu bão khá nhỏ nên việc ma sát với đất liền đã làm giảm cấp nhanh chóng.

Khi vào Biển Đông, bão gặp các điều kiện như nhiệt độ mặt nước biển lạnh, không khí khô, hoàn lưu bão nhỏ, đồng thời tương tác với một cơn bão khác tên Atsani ngoài khơi Phililippines. Do đó, bão không có khả năng tái cấu trúc lại và mạnh lên như bão số 9.

"Bão sẽ đổi hướng nhiều lần và di chuyển chậm trong suốt thời gian đi trên Biển Đông. Nên khi cập bờ, cường độ của bão chỉ duy trì ở cấp 8-9, thậm chí suy yếu thành áp thấp nhiệt đới", ông Kiên dự báo.

Cơ quan khí tượng cảnh báo vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới nằm từ vĩ tuyến 13 đến 17 độ vĩ bắc, từ kinh tuyến 115,5 đến 120 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Việt Nam sử dụng ảnh vệ tinh của Nhật Bản để dự báo bão

Theo dự báo viên Nguyễn Thanh Bình, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những cơn bão dù hình thành ngoài đại dương mênh mông tới đâu cũng không thoát được “con mắt thần” của các nhà khí tượng. Đó chính là những bức ảnh vệ tinh.

Ngày nay, những bức ảnh chụp từ vệ tinh liên tục rất nhiều lần trong ngày với nhiều dải phổ khác nhau sẽ luôn giám sát được sự hình thành và phát triển của các vùng mây trên đại dương.

Các chuyên gia không xem nó như một bức ảnh thông thường mà sử dụng những kỹ thuật phân tích ảnh sử dụng những phần mềm chuyên dụng giúp xác định vị trí tâm bão, phạm vi vùng nguy hiểm của bão cũng như cường độ của bão.

Ngoài ra, thông tin từ vệ tinh cũng được đưa vào hệ thống các siêu máy tính để làm thông tin cho các mô hình mô phỏng và dự báo về cơn bão trong thời gian tới.

“Việt Nam đang sử dụng các bức ảnh chụp từ vệ tinh Himawari của Nhật với tần suất 10 phút 1 lần và quan trắc tới 16 kênh phổ một lần chụp. Như vậy, các bạn đã hiểu được tại sao chỉ ngồi ở tại trung tâm dự báo tại Hà Nội mà các dự báo viên luôn cập nhật được hàng giờ các thông tin về cơn bão”, dự báo viên Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bão Goni liên tục đổi hướng khi vào Biển Đông, ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao?