Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho gà mía Sơn Tây.
Khoa học - công nghệ

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý ‘Sơn Tây’ cho sản phẩm gà mía

Nhật Anh 20:54 03/09/2024

Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho gà mía Sơn Tây.

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã ban hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho gà mía Sơn Tây. UBND thị xã Sơn Tây là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, giống gà bản địa gắn với địa danh “Mía” đã trở thành tên gọi gà mía từ xa xưa. Viện Chăn nuôi quốc gia khẳng định giống gà mía là giống được thuần dưỡng từ lâu đời, có khả năng sinh trưởng nhanh, thịt và trứng thơm ngon.

ga-mia-1.png
Gà mía Sơn Tây - Ảnh: Cục SHTT

Gà mía trống Sơn Tây có lông màu đỏ tía, đầu và thân có màu nâu đỏ, cánh và đuôi có pha màu đen, chân có màu vàng, má ngoài da chân có một đường màu đỏ chạy từ trên đến ngón chân; phần đùi và lườn săn chắc.

Gà mía mái Sơn Tây có lông ngắn, ép sát thân, màu lá chuối khô, đuôi có pha đen; phần đùi và lườn săn chắc; thịt đùi chắc, mỡ mỏng; khi luộc chín có mùi thơm mạnh và vị ngọt.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, chất lượng đặc thù của gà mía Sơn Tây có được là do điều kiện đặc thù của khu vực địa lý mang lại. Theo đó, nơi đây có địa hình bán sơn địa, với lượng mưa 1.380mm/năm, độ ẩm 82%... Thổ nhưỡng bao gồm các loại đất có đặc điểm chung là giàu sắt và nhôm, có màu đỏ nâu do chứa các oxit sắt.

Khu vực địa lý cũng là nơi giàu tài nguyên nước ngầm, có trữ lượng và chất lượng tốt, được khai thác ở độ sâu 5 - 10m, lọc tự nhiên qua tầng đá ong có chất lượng sạch, giàu các khoáng chất.

Ngoài ra, người dân tại khu vực địa lý này thường xuyên bảo tồn, chọn lọc đàn gà mía ông/bà và bố/mẹ để sản xuất con giống nuôi thương phẩm theo tiêu chuẩn cách ly đàn ông/bà 1 con/chuồng, đàn bố/mẹ 1 - 2 con/chuồng. Con giống gà mía thuần lúc 1 ngày tuổi có lông màu trắng đục đồng nhất.

Thời gian chăn nuôi giống gà mía tại Sơn Tây tối thiểu 150 ngày/lứa, chia làm 2 giai đoạn, gồm giai đoạn nuôi nhốt dài 70 ngày; giai đoạn chăn thả trong môi trường tự nhiên, thời gian nuôi tối thiểu từ 80 ngày trở lên, sử dụng kết hợp thức ăn công nghiệp, nông phẩm và thức ăn tự nhiên.

Phối trộn khẩu phần và xử lý thức ăn từ các sản phẩm nông nghiệp trong giai đoạn chăn thả là bí quyết nuôi gà mía của người dân Sơn Tây.

Ở giai đoạn từ 70 - 120 ngày tuổi gà sẽ được ăn theo công thức sử dụng 1/3 thức ăn công nghiệp, 2/3 thức ăn từ các sản phẩm nông nghiệp (hạt ngô luộc/ngâm, hạt thóc ngâm, thóc/ngô không xử lý…) và thức ăn tự nhiên (cỏ, lá cây, côn trùng,... trong vườn).

Giai đoạn từ 120 - 150 ngày tuổi, gà mía Sơn Tây được ăn hoàn toàn thức ăn từ các sản phẩm nông nghiệp (hạt ngô luộc/ngâm, hạt thóc ngâm, thóc/ngô không xử lý, bỗng rượu) và thức ăn tự nhiên (cỏ, lá cây, côn trùng... trong vườn).

Bài liên quan
Quả thanh trà và hoa hoàng mai được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ‘Huế’
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã ban hành quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quả thanh trà và hoa hoàng mai Huế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý ‘Sơn Tây’ cho sản phẩm gà mía