“3 bạn hùng hổ xông vào túm tóc em, cấu véo, đấm đá liên tiếp. Bạn N. còn lấy kéo sở ngang mái tóc của em, rồi nhổ nước bọt bắt em phải liếm sạch mới chịu buông tha, kèm theo đó là câu dọa: “mách ai thì mày sẽ còn bị đánh dài dài…”, em Nguyễn Ngọc Bảo Trân (15 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) thất thần khi nhớ lại trận đòn từ những người bạn học cùng lớp.
Đầu gấu tuổi teen
Ban đầu, chị Trần Ngọc Lan, mẹ bé Trân, kiên quyết từ chối phỏng vấn, bởi chị không muốn nhắc lại ký ức kinh hoàng gần một năm trước xảy ra với con gái mình.
Nhưng khi xem clip phát tán trên mạng về hình ảnh một nữ sinh lớp 7 ở tỉnh Trà Vinh bị nhóm bạn học cùng lớp đánh đập một cách không thương tiếc, chị thốt lên: "Kinh hoàng quá. Bọn trẻ con mặt mũi còn "búng ra sữa" sao mà hành xử côn đồ, chẳng khác gì xã hội đen”.
Rồi chị mời tôi: “Em vào nhà đi, chị có chuyện muốn kể”.
Ôm con gái vào lòng, chị Lan nghẹn ngào: “Làm cha, làm mẹ, muỗi đốt con thôi, mình đã thắt lòng rồi, huống chi con phải chịu trận đòn đau, tàn nhẫn của đám bạn cùng lớp. Để xảy ra vụ việc này, tôi thấy mình có lỗi vì thiếu quan tâm đến con. Giá như...”.
Chị Lan bỏ lửng câu nói trong tâm trạng nặng nề, đau xót.
Năm ngoái, bé Trân học lớp 8. Suốt 1 tháng liền, đêm nào Trân cũng thức khuya để “làm bài”. Điều đặc biệt là cuốn vở không phải của Trân mà là của bạn N.
Chị Lan hỏi chuyện thì con nói: “Bạn N. bị đau tay nên con chép bài hộ". Chị nghĩ tụi nhỏ chắc là bạn thân, giúp đỡ nhau học là bình thường.
Thế nhưng, chị Lan không hề biết rằng, ở lớp, N. không phải “bạn thân” của Trân mà rất nổi tiếng với kiểu cách “đàn chị”, ai động đến là N. “dằn mặt” ngay bằng nhũng lời lẽ "đầu gấu", thậm chí “đấu võ” cũng chẳng ngán.
Vì ngồi cùng bàn nên Trân bị N. giao nhiệm vụ chép bài, làm bài tập hộ. Trân đành lẳng lặng nghe theo.
Đã vậy, mỗi tuần cô bé còn phải “tự nguyện” đóng 20.000 đồng vào “quỹ chung” của nhóm N.
“Nếu không "tuân lệnh”, em sẽ phải chịu những đòn đánh của N., nhẹ thì bị túm tóc giựt ngược, nặng thì bị tát, húc cùi trỏ vào bụng”, Trân hãi hùng kể.
Do bận rộn với công việc làm ăn, chị Lan không tìm hiểu kỹ nguyên nhân con thường xuyên hoảng loạn, sợ hãi, người đầy vết bầm tím, mà chỉ nghe những lý do “tự bịa’’ của Trân đưa ra như “trượt chân, ngã cầu thang”.
Đỉnh điểm của sự việc xảy ra vào cuối tháng 4.2014, khi Trân phải nghỉ học 4 ngày vì sốt cao. Cùng lúc đó, N. bị thầy giáo phạt vì không chép bài đầy đủ.
Do bị “quê độ” nên N. đã tìm cách “trút giận” lên Trân. Chỉ 1 tuần sau, khi đang trên đường đi học về, Trân bị N. cùng 2 “đàn em” chặn đường.
Trân hoảng hốt kể lại: "Em chưa kịp hiểu nguyên nhân thì cả 3 bạn hùng hổ xông vào túm tóc, cấu véo, đấm đá liên tiếp khiến mặt mũi em sưng vù, bê bết máu”.
Thấy bộ dạng con gái quá “thê thảm”, chị Lan mới biết Trân đã bị bạn đánh trong suốt mấy tháng qua.
Khoảng tối
Thực ra, N. có hoàn cảnh rất đáng thương. Chị Lan kể: “Cha nó nhận án tù chung thân vì tội buôn bán ma túy. 1 năm sau thì mẹ nó qua đời vì căn bệnh ung thư. N. được giao cho người cậu ruột, là “đầu gấu”, chuyên bảo kê tại các tụ điểm cờ bạc, vũ trường. Thế nên, nó không bị “nhiễm” cách hành xử côn đồ mới là lạ”.
Năm lớp 7, N. đã bị vào “sổ đen” của trường khi dùng guốc gõ thẳng vào đầu bạn, khiến “đối phương" phải nhập viện khâu 2 mũi.
Tuy nhiên, N. chỉ phải nhận hình thức kỷ luật là hạ hạnh kiểm.
Sau khi vụ việc xảy ra, chị Lan đã có buổi làm việc với nhà trường và phụ huynh của N. Vị hiệu trưỏng ngoài cách bào chữa “đáng tiếc”, thì chẳng biết làm gì hơn là hạ hạnh kiểm và đuổi học N.
Chị Lan bộc bạch: ‘Vụ việc xảy ra đều do lỗi của người lớn. Giá như tôi chú ý đến biểu hiện tâm lý của con gái hơn; giá như giáo viên, nhà trưòng quan tâm sâu sát đến học sinh; giá như gia đình của N. không “thả lỏng” con em mình như vậy, thì...".
Vừa ôm con, chị vừa xót xa: “Tính cháu rất hiền, không bao giờ gây gổ với ai. Từ hôm bị đánh về, cháu luôn rên đau đầu, đau cổ, mất ngủ.
Ngoài ra, tinh thần của cháu vô cùng hoảng loạn, sợ tiếp xúc với người lạ, suốt ngày đóng cửa thui thủi một mình. Nhìn con mà tôi đau lòng lắm!”.
Sau hơn 3 tháng điều trị hỗ trợ tâm lý, cùng sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của gia đình, dần dần Trân đã không còn “mang” những sợ hãi vào trong giấc ngủ nữa và có suy nghĩ tích cực hơn trong cuộc sống.
Hiện nay, Trân đã được gia đình chuyển sang học tại một trường khác.
Bà Nguyễn Thị Bích, chuyên gia tư vấn tâm lý, chia sẻ: “Những vụ bạo lực học đường là “khoảng tối” rất đáng sợ mà các phụ huynh, thầy cô giáo không dễ nhận biết.
Bởi vậy, giữa lúc các vụ bạo lực học đường ngày càng xảy ra nghiêm trọng, phụ huynh nên theo dõi sát sao, đặc biệt chú ý những biểu hiện tâm lý bất thường của con; đừng “khoán” cho nhà trường.
Nếu bị bạo hành, trẻ dần hình thành một nhân cách nhút nhát, tự ti, có khuynh hướng thu mình lại; hoặc các em sẽ trở nên hung dữ, ác độc hơn để trả thù sự tàn ác”.
Hoàng Minh (Thế giới Phụ nữ)
Những vụ việc đau lòng
-Cuối tháng 2.2014, tại trường THCS ờ Đức Thọ (Hà Tĩnh), 2 nữ sinh đã liên tục túm tóc, tát vào mặt, đá vào bụng bạn, kèm với hành động đó là những lời chửi rủa khó nghe. Sự việc chỉ chấm dứt khi có giám thị xuất hiện.
-Tháng 10.2014, tại trường THCS M.K (Thanh Hóa), vào lúc giải lao giữa buổi học, nam sinh tên T.Q.A (lóp 8) đã bị bạn L.A.T rút dao nhọn bất ngờ đâm 1 nhát vào bụng. A. may mắn thoát chết, còn T. bỏ trốn khỏi địa phương.
- Ngày 3.11.2014, tại trường THCS Võ Thị Sáu (xã Hòa An, Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) xảy ra vụ mâu thuẫn, đánh nhau giữa 2 học sinh lớp 9. Kết cục là 1 học sinh thiệt mạng.
- Ngày 10.3.2015, clip nữ sinh P. (trưòng THCS Lý Tự Trọng, tỉnh Trà Vinh) bị 7 bạn cùng lớp đánh hội đồng dã man ngay trong lớp học lan truyền trên mạng xã hội.
Sự việc xảy ra trước giờ học buổi chiều 13.1, thế nhưng 2 tháng sau, nhà trường và gia đình mới biết chuyện.
Liên quan đến vụ việc này, mới đây Hiệu trưởng THCS Lý Tự Trọng đã xin từ chức.
-Ngày 13.3.2015, VTV đưa tin về nữ sinh Quyền Thị Phương H. (lóp 11, trường THPT Tử Đà, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) do bị 4 bạn cùng lớp đánh hội đồng từ khoảng 6 tháng trước, nên H.bị chấn thương tâm lý, giờ em không thể nói được, phải giao tiếp với mẹ qua ám hiệu hoặc viết giấy.