Thành quả từ cuộc phản công của Ukraine hiện vẫn bị đánh giá khá khiêm tốn, và tiến độ phản công của Kyiv được cho là chậm hơn dự kiến. Vậy đâu là nguyên do?
Khi Ukraine phát động cuộc phản công lớn trong năm nay, giới chức quân sự phương Tây đã nhận thức được thực tế rằng lực lượng của Kyiv không thể đáp ứng được tất cả các khóa đào tạo vũ khí, từ đạn pháo đến máy bay chiến đấu, để hoàn thành mục tiêu “đánh bật lực lượng Nga”. Song họ vẫn khuyến khích Ukraine tiến hành chiến dịch của mình với hy vọng “lòng dũng cảm và sự tháo vát” sẽ bù đắp cho việc thiếu vũ khí và huấn luyện.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho rằng sức mạnh không quân Nga cùng các công sự phòng thủ kiên cố đã ngăn chặn phần lớn các bước tiến của quân đội Ukraine. Chiến dịch phản công này hiện có nguy cơ rơi vào bế tắc nếu không có sự thay đổi lớn về động lượng.
Khả năng có hạn của phương Tây
Trong bối cảnh chưa có bất kỳ đột phá quy mô lớn nào của Ukraine trong năm nay, Washington và các đồng minh có thể lo ngại về một cuộc chiến kéo dài. Đó có thể là một cuộc chiến đòi hỏi thêm lượng lớn vũ khí tinh vi mới cùng sự huấn luyện nhiều hơn để mang lại cho Kyiv cơ hội chiến thắng.
Thêm vào đó, tính toán chính trị tại Mỹ cũng đang rất phức tạp. Tổng thống Joe Biden sẽ tái tranh cử vào mùa thu năm 2024. Giới chức ở Washington tin rằng những lo ngại về tác động của cuộc chiến tại Ukraine đối với chiến dịch tranh cử tổng thống đang khiến chính quyền Biden ngày càng thận trọng về mức độ hỗ trợ dành cho Kyiv.
Sự do dự của Mỹ trái ngược với quan điểm đang thay đổi ở châu Âu, nơi mà nhiều nhà lãnh đạo trong những tháng gần đây đã tin rằng Ukraine phải thắng thế trong cuộc xung đột để đảm bảo an ninh cho lục địa.
Song quân đội châu Âu không đủ nguồn lực để cung cấp cho Ukraine mọi thứ cần thiết nhằm đẩy người Nga ra khỏi khoảng 20% diện tích mà Moscow đang kiểm soát. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng khó tăng cường hỗ trợ đáng kể cho Kyiv nếu họ cảm thấy sự miễn cưỡng của Mỹ, theo các nhà ngoại giao phương Tây.
Sự thay đổi luồng gió chính trị xuyên Đại Tây Dương thể hiện rõ qua căng thẳng giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần đây ở Lithuania.
Việc Kyiv không có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ của Nga đã thuyết phục nhiều nhà quan sát quân sự phương Tây rằng lực lượng Ukraine phải được huấn luyện nhiều hơn về các thao tác quân sự phức tạp, trang bị thêm thiết bị phòng không mạnh hơn và thiết giáp nhiều hơn.
Trong khi đó, dù Nga dường như không thể nắm bắt thế chủ động khi tấn công các vị trí của Ukraine do tình trạng bất ổn vừa qua, WSJ nhận định lực lượng của họ vẫn đủ mạnh để ngăn chặn thành công cuộc phản công của Kyiv.
Ukraine đang tấn công vào các vị trí của Nga, nơi quân đội nước này đã có nhiều tháng để xây dựng hệ thống phòng thủ rộng lớn bao gồm bãi mìn, hàng rào và boong ke. Học thuyết quân sự phương Tây cho rằng để tấn công bên cố thủ, lực lượng tấn công ít nhất phải gấp ba lần quân số và sử dụng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lực lượng không quân và bộ binh.
Quân đội Ukraine thiếu quân số và nguồn lực
“Ukraine thực sự cần có khả năng mở rộng quy mô và đồng bộ hóa các hoạt động quân sự nếu họ muốn xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga”, Franz-Stefan Gady, một nhà phân tích quân sự độc lập, người gần đây đã đi thăm các chiến tuyến của Ukraine cho WSJ biết.
Theo ông Gady, thay vì tập trung lực lượng vào các cuộc tấn công đồng thời kết hợp giữa lực lượng pháo binh và bộ binh, Ukraine đang tấn công một cách có tuần tự, với các cuộc pháo kích theo sau là các cuộc tiến công của bộ binh cấp đại đội. “Chiến thuật kiểu này đã gửi tín hiệu tới người Nga biết trước rằng Ukraine đang tấn công”, Gady nói.
Tuy nhiên, để tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn đồng bộ là điều khó khăn đối với bất kỳ lực lượng vũ trang nào - ngay cả những lực lượng phương Tây có trang bị tốt hơn Ukraine. Việc tích hợp một số lượng lớn binh lính trên bộ và trên không trong một cuộc tấn công trực diện nhanh và dữ dội là vô cùng khó khăn. Không một quân đội phương Tây nào cố gắng chọc thủng hệ thống phòng thủ đã được thiết lập mà không kiểm soát bầu trời.
“Mỹ sẽ không bao giờ cố gắng đánh bại một hệ thống phòng thủ đã được chuẩn bị sẵn mà không có ưu thế trên không. Nhưng người Ukraine hiện không có ưu thế trên không”, John Nagl, một trung tá quân đội đã nghỉ hưu, hiện là phó giáo sư nghiên cứu chiến tranh tại Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ, cho hay.
Bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với WSJ vào tháng 5 rằng Nga có ưu thế trên không ở mặt trận và việc thiếu sự bảo vệ cho quân đội Ukraine ở trên không đồng nghĩa với việc "một số lượng lớn binh sĩ sẽ thiệt mạng" trong cuộc chiến.
Gần đây nhất, trong cuộc phỏng vấn hôm 23.7, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết Kyiv muốn phản công từ đầu năm nhưng phải trì hoãn chiến dịch nhiều tháng vì thiếu vũ khí. Ông thừa nhận việc chiến dịch phản công lớn diễn ra muộn hơn nhiều so với dự kiến đã cho phép Nga có đủ thời gian chuẩn bị phòng tuyến đa tầng, trong đó có nhiều bãi mìn dày đặc và hệ thống hầm hào kiên cố.
Ưu thế trên không của Nga
Theo WSJ, máy bay không người lái (UAV) và trực thăng tấn công của Nga, đặc biệt là trực thăng Kamov Ka-52 “Alligator”, đã tỏ ra đặc biệt nguy hiểm trên chiến trường. Ka-52 là một trong những máy bay hiện đại nhất của Nga. Ngoài ra, tên lửa dẫn đường bằng laser Vikhr của họ có tầm bắn khoảng 8km, gấp đôi tầm bắn của bất kỳ tên lửa phòng không di động nào trong kho vũ khí của Ukraine.
Các nhà phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu năm nay đã dự đoán rằng lực lượng tiền tuyến của Ukraine sẽ phải vật lộn chống lại các cuộc không kích của Nga. Một đánh giá bí mật bị rò rỉ của Lầu Năm Góc từ tháng 2 đã thống kê “một số lượng nhỏ” vũ khí trong tay Ukraine có thể tấn công máy bay Nga và viện dẫn nguy cơ “không thể ngăn chặn ưu thế trên không của Moscow”.
Kyiv thiếu rất nhiều thiết bị phòng không - chẳng hạn như khẩu đội Patriot do Mỹ sản xuất hoặc các hệ thống Gepard cơ động hơn của Đức - để triển khai nhiều chiến tuyến gần. Patriot và các hệ thống lớn, kém cơ động khác cũng dễ bị tấn công bằng máy bay không người lái của Nga. Sự ít ỏi về hệ thống phòng không của Ukraine đã cho phép Nga thống trị bầu trời dọc theo phần lớn chiến tuyến.
“Người Nga hiện có thể sử dụng tốt hơn các vũ khí trên không của họ. Nga không có ưu thế trên không vượt trội hoàn toàn so với Ukraine song họ đang ở vị trí tốt hơn nhiều”, Douglas Barrie, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở ở London (Anh), nhận định.
Để chống lại hiệu quả máy bay Nga, Tổng thống Zelensky và nhóm của ông trong nhiều tháng đã vận động Washington và các đồng minh châu Âu cung cấp máy bay chiến đấu phản lực F-16 do Mỹ sản xuất.
Các phi công và thợ máy Ukraine được cho đang chuẩn bị được huấn luyện và bảo dưỡng các máy bay phản lực phức tạp, thông qua một liên minh gồm ít nhất 10 quốc gia châu Âu. Nhưng cho đến nay chính phủ Mỹ vẫn chưa cấp phép cần thiết cho những chiếc F-16 được chuyển đến Ukraine và việc thiết lập chuỗi cung ứng để hỗ trợ, sửa chữa những chiếc máy bay này sẽ mất hàng tháng. Theo các nhà phân tích, những chiếc F-16 sớm nhất xuất hiện trên chiến trường có lẽ là vào đầu năm sau.
Ngay cả khi Ukraine nhận được máy bay thì tác động của chúng trong việc thay đổi cục diện cuộc chiến sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm số lượng được cung cấp, mức độ tinh vi của thiết bị trên máy bay và hệ thống vũ khí được cung cấp để trang bị cho chúng. Việc kết hợp các máy bay chiến đấu phản lực tiên tiến vào các kế hoạch chiến đấu cũng cực kỳ phức tạp, đòi hỏi một mức độ đồng bộ hóa khác trong các hoạt động của lực lượng Ukraine.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley và Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall đều cho rằng tiêm kích F-16 sẽ “không phải nhân tố thay đổi cuộc chơi” đối với Ukraine, dù đó “là thứ có ý nghĩa với họ, sẽ giúp họ” trong dài hạn.