Báo Washington Post nhận định các quốc gia NATO đang bế tắc trong việc đàm phán nhằm xác định những bước tiếp theo để Ukraine tham gia liên minh quân sự này.

Báo Mỹ: Ukraine khó ‘danh chính ngôn thuận’ gia nhập NATO

Hoàng Vũ | 15/05/2023, 08:18

Báo Washington Post nhận định các quốc gia NATO đang bế tắc trong việc đàm phán nhằm xác định những bước tiếp theo để Ukraine tham gia liên minh quân sự này.

Theo Washington Post, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo NATO khác dự kiến gặp nhau tại thủ đô Vilnius (Lithuania) hôm 11 và 12.7 tới để họp bàn nhằm củng cố các kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine. Giới chức NATO cho biết liên minh sẽ không đưa ra lời mời chính thức cho Ukraine tham gia cuộc họp.

nato-ukraine-2.png
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo tại Kyiv hôm 20.4 - Ảnh: AFP

Nỗ lực của Đông Âu

Hiện chỉ có các quốc gia Đông Âu đang thúc đẩy bước cụ thể hướng tới mục tiêu cam kết thời gian gia nhập NATO của Ukraine, trong khi Mỹ và một số quốc gia Tây Âu lại thận trọng trong việc đưa ra mốc cụ thể. Washington mong muốn mở rộng hơn nữa hỗ trợ kỹ thuật của NATO cho lĩnh vực quốc phòng của Ukraine.

“Hội nghị thượng đỉnh Vilnius sẽ không mang tính lịch sử nếu không có quyết định về tương lai của Ukraine trong liên minh. Bất chấp những khó khăn liên quan đến việc kết nạp một quốc gia đang trong một cuộc chiến lớn, Ukraine tin rằng NATO nên xác định lộ trình trở thành thành viên của chúng tôi thay vì lặp lại các tuyên bố về sự cởi mở. Điều đó là không đủ”, bà Nataliia Galibarenko, người đứng đầu phái đoàn Ukraine tại NATO cho biết.

Theo bà Galibarenko, Ukraine đang thúc đẩy hợp tác thiết thực hơn. Bà cho biết các ưu tiên của Kyiv bao gồm việc tạo ra một cấu trúc phòng thủ tên lửa và không quân hiện đại tương thích với NATO, thiết lập một hệ thống phục hồi y tế cho các quân nhân bị thương và phát triển một hệ thống quốc gia về rà phá bom mìn nhân đạo.

“Tư cách thành viên của Ukraine sẽ mang lại lợi ích cho liên minh. Không có Ukraine, không thể đảm bảo sức mạnh cho sườn phía đông của NATO. Giống như Phần Lan và Thụy Điển sẽ củng cố sườn phía bắc của NATO, Ukraine sẽ đảm bảo an ninh cho Đông Âu và khu vực Biển Đen”, bà nói.

Ông Tuuli Duneton, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Estonia, cho biết hội nghị thượng đỉnh Vilnius mang đến cơ hội gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Ukraine: “Rằng sau tất cả những đau khổ mà họ đã phải chịu đựng, vị trí của họ thuộc về NATO, và họ rất được hoan nghênh”.

Nhiều quan chức ở quốc gia vùng Baltic đã đề xuất ngoài việc nhắc lại tuyên bố năm 2008 rằng Ukraine sẽ được gia nhập liên minh vào một thời điểm trong tương lai, NATO nên gửi cho Ukraine lời mời chính thức tham gia hội nghị tại Vilnius, hoặc khởi động một quy trình thiết lập thời gian biểu và các điều kiện cụ thể cho việc gia nhập của Kyiv.

Ngoại trưởng Cộng hòa Czech Jan Lipavsky cho biết ông mong muốn NATO "cung cấp một con đường phù hợp" cho Ukraine gia nhập khối.

Trong một bài viết gần đây cho tạp chí Foreign Affairs, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi hành động nhanh chóng và cho biết Ukraine đã chứng tỏ sự sẵn sàng của mình trong 18 tháng qua. “Đã đến lúc liên minh ngừng nêu lý do và bắt đầu quá trình dẫn đến việc gia nhập cuối cùng cho Ukraine”, ông viết.

Mỹ và các đồng minh ở Tây Âu chưa “gật đầu”

Nhiều thành viên chủ chốt của liên minh quân sự lớn nhất thế giới như Mỹ và Đức gần đây đã tỏ rõ quan điểm rằng họ không muốn đưa ra thêm cam kết về chuyện gia nhập NATO của Ukraine.

Các quốc gia chỉ ra rằng việc thừa nhận Ukraine trong khi nước này đang có chiến tranh với Nga có thể tự động kích hoạt điều V - điều khoản phòng thủ chung của NATO - đẩy liên minh vào một cuộc xung đột lớn với Nga. Các bước nhanh chóng hướng tới việc gia nhập của Kyiv cũng có thể khiến Moscow leo thang chiến dịch của mình ở Ukraine.

Giới chức Mỹ cho biết chính quyền Biden muốn các quốc gia NATO ưu tiên cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ liên tục trên chiến trường khi nước này chuẩn bị cho một cuộc phản công đã được chờ đợi từ lâu. Washington coi tư cách thành viên và các đảm bảo an ninh tiềm năng là những vấn đề cần được giải quyết như một phần của “giải pháp cuối cùng”.

“Trọng tâm vào thời điểm này phải là những hành động thiết thực nhằm duy trì tốt nhất hỗ trợ an ninh mà chúng tôi đang cung cấp cho Ukraine”, một quan chức cấp cao Mỹ nói với các phóng viên tại Brussels tháng trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng khẳng định đây không phải là lúc để quyết định vị trí của Ukraine ở NATO. “Các thành viên của liên minh nên xem xét vấn đề này với cái đầu lạnh và trái tim nóng, chứ không phải ngược lại”, ông Pistorius nhấn mạnh.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nausea hồi đầu tháng nhận định sẽ rất khó để Ukraine chính thức trở thành thành viên của khối khi xung đột với Nga vẫn tiếp diễn. Ông cho rằng chính quyền Kyiv cũng nên nhận thức rõ điều này.

Ukraine trông cậy vào Đức, Pháp

Trong chuyến thăm Đức hôm 14.5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mô tả Đức là "người bạn đích thực" khi Berlin công bố gói viện trợ quân sự khổng lồ cho Kyiv.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Đức hôm 13.5 công bố khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 2,9 tỉ USD cho Ukraine, gói viện trợ lớn nhất từ trước đến nay của Đức, đồng thời cam kết hỗ trợ thêm cho “Kyiv chừng nào còn cần thiết”.

Đức trước đó đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì sự miễn cưỡng trong việc hỗ trợ Ukraine vào những tháng đầu của cuộc xung đột. Berlin sau đó đã nhanh chóng trở thành nguồn cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự lớn nhất cho Ukraine, vượt qua các cường quốc châu Âu khác như Pháp và chỉ đứng sau Mỹ.

Sau chuyến thăm Đức, ông Zelensky tiếp tục tới Paris để hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Văn phòng của ông Macron cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ hội đàm trong bữa tối và ông Macron sẽ “tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Pháp và châu Âu nhằm tái lập các quyền hợp pháp của Ukraine và bảo vệ các lợi ích cơ bản của nước này”.

Pháp đã cung cấp cho Ukraine một loạt vũ khí, bao gồm các hệ thống phòng không, xe tăng hạng nhẹ, lựu pháo và các loại vũ khí và nhiên liệu khác.

Động thái của lãnh đạo NATO

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thường xuyên viện dẫn sự ủng hộ của khối đối với tư cách thành viên của Ukraine nhưng đã không đưa ra thông tin cụ thể về thời điểm hoặc cách thức điều đó có thể xảy ra.

Trong chuyến thăm Kyiv vào tháng trước, ông Stoltenberg đã nhắc lại rằng vị trí xứng đáng của Ukraine là ở NATO. Ông kêu gọi các quốc gia thành viên nên tập trung vào việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine, “bởi vì nếu không có một Ukraine độc lập, có chủ quyền thì thảo luận về tư cách thành viên cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Ông Stoltenberg dự đoán rằng theo thời gian, sự hỗ trợ của liên minh sẽ giúp biến điều này thành hiện thực, nhưng ông không cho biết chính xác thời điểm Ukraine trở thành thành viên NATO.

Về phần mình, Nga từ lâu coi việc mở rộng về phía đông của NATO là mối đe dọa an ninh lớn. Moscow chỉ ra việc Ukraine thúc đẩy gia nhập khối là một trong những lý do chính để phát động cuộc xâm lược chống lại Kyiv hơn 1 năm trước.

"NATO đang tự đặt ra mục tiêu đánh bại Nga ở Ukraine và để tạo động lực cho Kyiv, liên minh này thậm chí còn cam kết rằng sau khi xung đột kết thúc, Ukraine có thể được chấp nhận để tham gia vào khối quân sự phương Tây. Những tuyên bố như vậy vô cùng nguy hiểm và có thể dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của hệ thống an ninh châu Âu", Bộ Ngoại giao Nga cho biết vào tháng trước.

Bài liên quan
Hòa bình tại Ukraine: Ông Trump đối mặt với sự quyết liệt từ Moscow và Kyiv
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa hẹn sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm ở Ukraine, thậm chí khẳng định có thể giải quyết vấn đề trong vòng 24 giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
9 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ: Ukraine khó ‘danh chính ngôn thuận’ gia nhập NATO