Bài viết “China Losing South East Asia” trên trang The National Interest ngày 13.10 đề cập việc Trung Quốc đang đánh mất Đông Nam Á, cả với những nước mà Bắc Kinh có quan hệ tương đối ấm nồng như Thái Lan, Myanmar, Malaysia…
Một Thế Giới lược dịch bài viết:
Vào những năm 2000, TQ còn tích cực theo đuổi quan hệ nồng ấm với nhiều nước Đông Nam Á (ĐNA) sử dụng kết hợp ngoại giao, quyền lực mềm để lấy lòng các láng giềng.
Nhưng 5 năm qua, quan hệ TQ - ĐNA trở nên lạnh lẽo đáng kể. Trước tiên vì TQ hung hăng đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, khiến Việt Nam và các nước lo lắng.
Thái Lan và Malaysia duy trì quan hệ thân cận với TQ từ hàng chục năm nay. Tại Myanmar, nguồn đầu tư và giúp đỡ của TQ trở nên quan trọng đến độ dù Myanmar nỗ lực tăng cường quan hệ với các nền dân chủ hàng đầu thế giới, lãnh đạo nước này hiếm khi công khai chỉ trích Bắc Kinh.
Tại Thái Lan, sau cuộc đảo chính tháng 5.2014, lãnh đạo quân sự nước này xem ra nhận định quan hệ với Bắc Kinh thậm chí còn quan trọng hơn trước. Không như các nền dân chủ rút viện trợ hoặc công khai chỉ trích chế độ quân sự Thái Lan, các quan chức TQ ủng hộ chính quyền này, tiếp tục cùng thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Nhưng ngay cả ở những nước này, lãnh đạo - quan chức ngày càng trở nên sẵn sàng công khai chỉ trích chính sách đối ngoại của TQ.
Tại Myanmar có những cuộc đàm phán để có thỏa thuận hòa bình thường trực giữa chính phủ với nhiều nhóm nổi dậy - nhưng chỉ đạt một thỏa thuận với khoảng một nửa nhóm nổi dậy - các quan chức chính phủ công khai chỉ trích Bắc Kinh can thiệp vào tiến trình hòa bình.
Theo Reuters, một trong những nhà thương thuyết hòa bình hàng đầu của chính phủ Myanmar đã tuyên bố: các quan chức TQ đã cố thuyết phục nhiều người của Tổ chức Kachin độc lập và Quân đội nhà nước Wa (UWSA) đừng ký thỏa thuận hòa bình.
Không thể biết chính xác vì sao Bắc Kinh làm thế, nhưng quan hệ giữa Bắc Kinh với UWSA và các nhóm khác cho TQ một mức độ ảnh hưởng ở vùng biên giới hai nước. Có lẽ lãnh đạo TQ sợ một thỏa thuận hòa bình sẽ làm hỏng tầm ảnh hưởng này. Trong khi một thỏa thuận hòa bình thường trực sẽ giúp ổn định vùng biên giới, kéo giảm nguy cơ người tị nạn chạy qua TQ.
Bảo Vĩnh (lược dịch từ National Interest)