Việc nhà ở riêng lẻ kết hợp cho nhiều người thuê, kinh doanh hàng hóa - dịch vụ ngay tại nhà... đang không được quản lý chặt chẽ, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Theo dòng thời sự

Bất an từ nhà trọ kết hợp kinh doanh: Giải pháp?

Lam Thanh 30/05/2024 11:29

Việc nhà ở riêng lẻ kết hợp cho nhiều người thuê, kinh doanh hàng hóa - dịch vụ ngay tại nhà... đang không được quản lý chặt chẽ, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Quá nhiều bất an

Theo số liệu từ Công an Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 3.103 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) hoạt động với tổng số 9.466 lỗi tồn tại, vi phạm từ sau khi Luật PCCC có hiệu lực.

Ngoài ra, toàn thành phố còn 6.644 công trình xây dựng tạm, cơ sở thu mua phế liệu, cơ sở xây dựng trái phép, không phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, đất đang bị thu hồi, trong hành lang bảo vệ đường sắt… vi phạm về PCCC. Lực lượng chức năng đã kiểm tra 6.644 cơ sở, phát hiện 12.779 tồn tại vi phạm; xử phạt 265 hành vi với số tiền gần 1,7 tỉ đồng; đình chỉ và tạm đình chỉ 610 cơ sở.

an-2.jpeg
Vụ hỏa hoạn thương tâm tại Trung Kính, Hà Nội

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay: Nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của các vụ cháy đến từ hệ thống hạ tầng, xây dựng, giao thông khi cấp phép xây dựng không tuân thủ quy định về PCCC; nhà trong ngõ ngách đi lại di chuyển khó khăn nhưng vẫn được cấp phép xây dựng rất cao, không có hệ thống PCCC; những hoạt động kinh doanh tại nhà ở phải bắt buộc đảm bảo PCCC nhưng không được kiểm soát tốt…

“Đây là những hệ lụy lâu dài, có nguyên nhân gốc rễ sâu xa mà không phải một sớm một chiều có thể khắc phục được, và khi chưa kịp khắc phục sửa sai thì lại xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng như vụ cháy nửa đêm về sáng 24.5.2024 ở Hà Nội khiến 15 người thiệt mạng, vụ này xảy sau gần 8 tháng vụ cháy 56 người chết hồi tháng 9.2023”, ông Đồng nói.

Tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý cư trú tại các nhà cho thuê trọ vừa diễn ra, trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, tình hình an ninh, trật tự tại các khu nhà trọ, nhà cho thuê trong bối cảnh hiện tại diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn công dân thực hiện đăng ký tạm trú, lưu trú vẫn còn nhiều khó khăn.

“Tình trạng cư trú tại các chung cư mini, căn hộ có nhiều phòng cho thuê, phòng trọ còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế do đa số các nhân khẩu thuê trọ là sinh viên, người lao động, tạm trú không cố định và thuê nhà ở trong thời gian ngắn… gây ảnh hưởng đến công tác nắm tình hình và quản lý cư trú”, ông Lâm nêu.

an-3.jpeg
Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH phát biểu

Cũng theo ông Lâm, các hộ kinh doanh cho thuê trọ phần lớn chuyển đổi công năng từ nhà ở sang cho thuê trọ, hoặc vừa ở, vừa kinh doanh cho thuê trọ. Cá biệt có trường hợp cho thuê trọ không có hợp đồng bằng văn bản giữa các bên, gây khó khăn cho công an cơ sở trong công tác quản lý.

Rà soát, xử lý các sai phạm

Đặt ra những giải pháp căn cơ trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Lâm đề nghị tăng cường triển khai sâu sát công tác quản lý cư trú của Bộ Công an, Công an thành phố. Lực lượng công an cấp xã thu thập, cập nhật thông tin dân cư trên Hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư và các phần mềm như tình hình dân cư, phần mềm quản lý đối tượng, phần mềm tin báo tố giác tội phạm đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.

Ngoài ra, các đơn vị cơ sở triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch tổng rà soát, khảo sát về thực trạng cho thuê nhà hiện nay như: hộ khẩu - nhân khẩu cư trú tại các chung cư mini, căn hộ có nhiều phòng cho thuê, khu nhà trọ cho sinh viên và người lao động thu nhập thấp thuê... để phát hiện kịp thời, xử lý các vi phạm, từ đó có biện pháp chủ động quản lý cư trú cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trung tá Nguyễn Thành Lâm nhấn mạnh: “Sau khi kết thúc rà soát, công an cơ sở cần tập trung duy trì công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm, từ đó tham mưu giải pháp để quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của chủ cơ sở, đại diện pháp luật, người cho thuê, đồng thời đưa ra các giải pháp để “đón đầu” những tình huống phát sinh sau ngày 15.6; khi đợt tổng kiểm tra, rà soát đã hoàn thành, sẽ không để phát sinh những vi phạm mới, nhất là đối với những hành vi cố ý lách luật, vi phạm các quy định của pháp luật”, ông Lâm nhấn mạnh.

an.jpeg
Đại biểu quốc hội Trịnh Xuân An

Trả lời báo chí bên hành lang quốc hội, đại biểu quốc hội Trịnh Xuân An cũng cho biết ông từng đề nghị rà soát quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh.

Theo ông An, rủi ro và khả năng xảy ra cháy đối với nhà ở, nhất là nhà kinh doanh rất hiện hữu, bất kể khi nào cũng có thể xảy ra, nhất là tại các thành phố lớn có khu nhà trọ, nhà cho người lao động, học sinh, sinh viên thuê. Loại hình này nếu xảy ra cháy, khả năng thiệt hại lớn về người và tài sản.

“Người dân, người lao động, học sinh, sinh viên có nhu cầu thuê trọ lớn. Điều này lại đặt ra thách thức đối với công tác chữa cháy nếu hỏa hoạn xảy ra tại các ngõ ngách và nơi tập trung đông dân cư. Trong khi đó, tính đồng bộ trong quản lý dân cư và cơ sở hạ tầng (đầu tư nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp) chưa được triển khai nên người dân không có sự lựa chọn khác”, ông An nhấn mạnh.

Vì vậy, đại biểu An cho rằng giải pháp thời gian tới vẫn là ưu tiên công tác phòng cháy, trong đó tăng cường ý thức của người dân, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý và cấp các cấp chính quyền; rà soát chặt chẽ và kỹ lưỡng tất cả những nhà ở kết hợp kinh doanh; phải trang bị bình cứu hỏa, sắp xếp, bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm.

Chia sẻ sau chuyến thị sát hiện trường vụ cháy ở phố Trung Kính, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nêu rõ đây là nhà ở 3 tầng kết hợp kinh doanh và cơi nới ra để cho thuê phòng trọ. Thậm chí chủ nhà đã tận dụng toàn bộ khoảng trống của đường vào nhà, dùng mái tôn che làm nơi sửa chữa xe máy, xe đạp, xe điện.

Trước bài học từ vụ việc thương tâm trên, ông Phương đề nghị thời gian tới cần quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh trong các ki ốt, hàng sửa xe hay những nơi vừa là nhà ở, vừa kinh doanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
14 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất an từ nhà trọ kết hợp kinh doanh: Giải pháp?