Các nhà sinh học Đức đề xuất với các kiến trúc sư một giải pháp kỹ thuật độc đáo - xây dựng những công trình chống được động đất bằng cách học theo kết cấu vỏ dừa, một loại quả phổ biến ở các nước Đông Nam Á.
Ý tưởng này nảy sinh sau khi các nhà khoa học của các trường đại học ở Freiburg, Tübingen và Stuttgart tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng cấu tạo của vỏ dừa. Họ đã phát hiện rằng quả dừa có được lớp trong cứng nhất - endocarp là nhờ hoa văn các mạch dẫn các chất dinh dưỡng. Các nhà nghiên cứu cho rằng chính cơ cấu của hệ mạch giúp các quả dừa không nứt vỡ khi rơi từ trên cao xuống đất, thậm chí dù đó là độ cao 30m.
Nhà cơ sinh học Stephanie Shmier, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu nhấn mạnh rằng “vỏ trong endocarp hình như phân tán năng lượng gây nứt vỡ”.
Việc phát hiện ra thuộc tính độc đáo của vỏ dừa thúc đẩy những ý tưởng mới trong kiến trúc. Các nhà khoa học Đức cho rằng bằng cách bắt chước thiên nhiên, các nhà xây dựng có thể tạo ra những bức tường theo nguyên tắc vỏ dừa để ngôi nhà vững chắc hơn. Ý tưởng này đặc biệt hữu ích đối với những vùng phải hứng chịu nhiều động đất.
Bình luận về sáng kiến trên, các kỹ sư của Viện kiến trúc Moskva, Nga, cho rằng hiện khó thực hiện ý tưởng này, nhưng về mặt kỹ thuật là khả thi. Có thể hình dung về mặt lý thuyết bức tường của ngôi nhà chịu được động đất như sau: trộn bê tông cho kết cấu mềm bằng sợi polyme phỏng theo hoa văn hệ thống mạch của vỏ dừa.
Tuy nhiên do chưa thử nghiệm nên chưa biết hệ thống này trên thực tế bền đến đâu. Ngoài ra cũng cần tính đến đô dãn nở của bê tông khi chịu tác động của nhiệt độ có thể làm biến dạng. Theo các nhà khoa học, hệ thống này sẽ không rẻ và có thể đội giá thành xây dựng thêm 20% so với phương pháp xây dựng thông thường.
Vũ Trung Hương