Thương chiến Mỹ - Trung Quốc khiến cho sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản chuyển hướng tới các quốc gia Đông Nam Á, trong đó nổi lên là thị trường công nghiệp Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh - Giám đốc cấp cao Thị trường vốn của JLL tại Việt Nam, các cuộc chiến thương mại gần đây đã khiến các chuyên gia tin rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi các nhà sản xuất đang tìm cách mở rộng dây chuyền cung cấp của họ sang Đông Nam Á.
Số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, vốn giải ngân cho đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nửa đầu năm 2019 đạt 9,1 tỉ USD, tăng 8% so với năm 2018, trong đó có 1.723 dự án mới đăng ký trị giá 7,41 tỉ USD, tăng 63% so cùng kỳ năm trước.
Bất ổn địa chính trị chỉ là một phần nguyên nhân của sự gia tăng đầu tư. Các hiệp định thương mại tự do như là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại.
Bà Khanh cho rằng, bất ổn địa chính trị chỉ là một phần nguyên nhân của sự gia tăng đầu tư. Còn các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EVFTA) chính là những động lực tích cực cho sự tăng trưởng.
“Việt Nam là quốc gia sở hữu những yếu tố vô cùng thuận lợi cho kinh tế tăng trưởng như tỷ lệ dân số trẻ và tầng lớp trung lưu rộng lớn, với tiềm năng tiêu thụ hàng tiêu dùng trong rất lớn. Ngành công nghiệp sản xuất được ghi nhận có sức hút đáng kể trong năm nay.
Theo báo cáo của JLL, các tài sản công nghiệp và tài sản hậu cần đang được nhiều nhà đầu tư chú ý khi các công ty này đang tìm cách mở rộng và dịch chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ. Hiện tại, mức giá thuê đất công nghiệp trung bình ở miền Nam và miền Bắc tại Việt Nam là 95 USD/m2/thời hạn thuê, tăng lần lượt 15,8% và 6,7% so với cùng kỳ năm trước đó”, bà Khanh nói.
Giám đốc của JLL cũng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp nội địa, hoặc thâu tóm quỹ đất và các tài sản công nghiệp đang hoạt động. Nhu cầu đối với các tài sản công nghiệp Việt Nam là chưa bao giờ giảm nhiệt. Từ lâu, các nhà đầu tư đã để mắt đến phân khúc này bởi năng suất làm việc cao và chi phí lao động thấp. Những căng thẳng thương mại gần đây góp phần đẩy nhanh quá trình quyết định di dời của các tập đoàn.
“Tập đoàn Sharp vừa công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam, trong khi công ty sản xuất giày Brooks Running của Mỹ cũng đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang nước lân cận.
Foxconn, nhà cung cấp linh kiện cho tập đoàn Apple đã mở rộng dấu chân tại Việt Nam bằng việc mua lại một nhà máy sản xuất linh kiện nội địa vào tháng 7 vừa qua, sau khi được cấp giấy phép vào tháng 2. Thậm chí, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang để mắt đến Việt Nam. Theo nghiên cứu từ Nikkei Asian Review, gần 70% trong số 33 công ty Trung Quốc được khảo sát đang có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài và cân nhắc chọn Việt Nam làm điểm đến”, bà Khanh thông tin.
Mặc dù vậy, các công ty đã có mặt tại Việt Nam đưa ra những mối lo ngại trong việc tìm kiếm nguồn lao động tay nghề cao và hàng loạt những yêu cầu trong chuỗi cung ứng có chất lượng tương ứng với nguồn hàng mà họ đã sử dụng ở Trung Quốc.
Bà Khanh cũng cảnh báo rằng cơ sở hạ tầng sẽ gặp nhiều thử thách để bắt kịp đà tăng trưởng các doanh nghiệp sản xuất chuyển hướng sang Việt Nam. Nhiều dự án hạ tầng tại Việt Nam đang phải đối mặt với sự chậm trễ do quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và dòng vốn.
Để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, đón đầu những lợi ích của các công ty di chuyển đến đây, Việt Nam sẽ cần cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng và quá trình thực hiện các giao dịch xuyên biên giới.
Phan Diệu