Cậu thanh niên 20 tuổi lang thang, ngơ ngác, có khi không hạt cơm lót dạ, người dân nghe chuyện cảm thương, mua cho em cái bánh mì, quả chuối. Trời mấy hôm nay lạnh tê tái, cậu ngủ ở góc sân nhà thờ...

Bất hạnh thanh niên 20 tuổi lang thang tìm mẹ giữa mùa đông giá buốt

Một Thế Giới | 10/01/2015, 12:01

Cậu thanh niên 20 tuổi lang thang, ngơ ngác, có khi không hạt cơm lót dạ, người dân nghe chuyện cảm thương, mua cho em cái bánh mì, quả chuối. Trời mấy hôm nay lạnh tê tái, cậu ngủ ở góc sân nhà thờ...

Trong một lần công tác tại huyện Sa Pa (Lào Cai), tôi gặp một thanh niên trẻ, trên tay cầm bức ảnh của mẹ, gặp ai em cũng hỏi: “Cô ơi… bác ơi… có biết…”. Bao ánh mắt thương cảm đổ dồn về người thanh niên tật nguyền tội nghiệp.

Sa Pa mùa đông thật lạnh, cái lạnh như muốn xuyên thủng, xé nát mọi thứ và em như một cánh chim nhỏ lạc lõng giữa bầu trời giá buốt để tìm mẹ.

Đó là câu chuyện của Dương Văn Trung, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Năm nay đã tròn hai mươi tuổi, nhưng với vóc dáng, cách nói chuyện của Trung, người ta khó có thể đoán được người đứng trước mình là một cậu thanh niên.

Trung nói rất khó khăn, cố gắng lắm, nhưng những âm chữ vẫn không tròn tiếng. Hỏi đi hỏi lại, tôi mới biết cuộc đời đầy éo le và nghiệt ngã của em.

Tìm hình bóng thân thương của mẹ

Trong câu chuyện, không thấy em nhắc đến bố, mặc dù có hỏi nhiều lần, nên tôi tạm hiểu, cuộc sống của em từ nhỏ đến giờ chỉ biết có mình mẹ.

Trung sinh ra không được may mắn như bao đứa trẻ khác, em bị mắc chứng bệnh bẩm sinh, trí tuệ kém phát triển, nói năng rất khó, thường nghễnh ngãng, dễ quên.

Người mẹ tảo tần chăm sóc đứa con tật nguyền, làm đủ mọi nghề để mưu sinh, rồi khi con lớn, dành dụm được chút vốn liếng, cô chuyển sang nghề bán quần áo ở các phiên chợ.

Giờ Trung cũng đã lớn, mặc dù nhớ nhớ, quên quên nhưng được cái Trung rất thật thà và chịu khó.

Không ngờ, cuộc sống quá tàn nhẫn, hai tháng trước, vào một buổi chiều, sau khi kết thúc công việc trên thành phố, Trung bắt xe về với mẹ nhưng căn nhà nhỏ im lìm.

Cách đây một năm, cảm thương với gia cảnh của hai mẹ con, một hiệu rửa xe máy trên thành phố đã nhận Trung vào làm với lương tháng 1 triệu đồng và nuôi ăn.

Trung và mẹ mừng lắm, mừng đến bật khóc vì không ngờ đứa con tật nguyền của mình cũng “trưởng thành”, làm được việc có ích.

Hằng ngày, từ sáng sớm, Trung đi xe buýt lên thành phố làm việc, tối đến em lại bắt xe buýt về ăn bữa cơm chiều cùng mẹ. Với hai mảnh đời bất hạnh, ngần ấy thôi đã là hạnh phúc lắm rồi.

Không ngờ, cuộc sống quá tàn nhẫn, hai tháng trước, vào một buổi chiều, sau khi kết thúc công việc trên thành phố, Trung bắt xe về với mẹ.

Căn nhà nhỏ khác hẳn mọi hôm, im lìm, Trung tìm mẹ khắp nơi nhưng không thấy, chỉ thấy trên chiếc bàn nhỏ ở góc nhà có mẩu giấy: “Mẹ đi Sa Pa”.

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng nấc nghẹn của Trung.
Đường phố Sa Pa ngày cuối tuần thật tấp nập, ngồi với tôi nhưng thi thoảng em lại đưa mắt nhìn khắp nơi, có lẽ em đang kiếm tìm hình bóng thân thương của mẹ.
Thắt nghẹn con tim

Tôi hỏi: “Em đã làm mẹ giận à, mà mẹ lại bỏ đi?”. Nghe hỏi vậy Trung vội vàng: “Không… em… không làm… gì hết.”. Khi đã lấy lại bình tĩnh, em kể cho tôi về mẹ.

Cách đây ba năm mẹ em bị u não, nhưng vì không có tiền chữa trị, nên bệnh ngày càng nặng thêm. Mới đầu là những cơn đau ngắn, sau dần những cơn đau càng dài hơn, mẹ bắt đầu quên nhiều hơn, đôi khi việc vừa mới diễn ra mà mẹ không nhớ chút gì.

Mẹ Trung quê ở Sa Pa, Trung bảo em chỉ biết vậy thôi, còn ở xã nào em không biết vì từ bé em chưa được về Sa Pa lần nào.

“Em cũng sợ đi xa lắm, nhưng em vẫn phải tìm mẹ”, Trung khẳng định khi tôi hỏi về cảm giác khi một mình đến vùng đất chưa đến bao giờ. 
Để đi tìm mẹ, Trung dành dụm được 400.000 đồng, đi ô tô, tàu hỏa rồi lại ô tô từ thành phố Lào Cai lên đến Sa Pa, giờ trong túi em còn 80.000 đồng.
Cả trưa lang thang, không hạt cơm lót dạ, người dân nghe chuyện cảm thương, mua cho em cái bánh mì, quả chuối. Trung cũng rất khái tính, mới đầu không nhận sự trợ giúp của mọi người, nhưng nói mãi rồi em cũng nhận.
lang thang tim me
Sa Pa mùa đông thật lạnh, cái lạnh như muốn xuyên thủng, xé nát mọi thứ và em như một cánh chim nhỏ lạc lõng giữa bầu trời giá buốt để tìm mẹ.

Chia tay cậu thanh niên, trong lòng ngổn ngang tâm sự, tôi cũng đã kịp để lại số điện thoại của mình và dặn, nếu tìm được mẹ nhớ gọi điện cho chị mừng, hoặc không tìm thấy mẹ mà muốn về Thái Nguyên thì gọi cho chị, chị sẽ mua vé tàu cho.

Em cầm lấy mảnh giấy nhỏ đầy ngại ngần và tôi cũng không khỏi băn khoăn: “Em nhớ nhớ, quên quên, liệu có nhớ tôi và tờ giấy!”.

Sau đó hai hôm, có việc trở lại Sa Pa, đứng trước nhà thờ đá, tôi “lục tìm” khắp nơi mà không thấy em. Bỗng có một người phụ nữ vỗ vai tôi bảo: “Cô nhà báo, cố gắng viết bài để tìm mẹ cho đứa bé nhé!”.

Người phụ nữ ấy là chị Trần Thị Hương, quê ở Hà Nam, làm nghề chụp ảnh tại Sa Pa đã gần 20 năm nay. Như tìm được người quen, tôi vội vàng hỏi về cậu bé, chị Hương thở dài: 
“Thương lắm em ạ, mấy hôm nay, nó đều lang thang ở gần đây, chẳng có gì ăn cả, thỉnh thoảng có người cho bánh, cho kẹo. Trời mấy hôm nay rét thế mà nó cứ ngủ ở góc sân nhà thờ kia kìa.
Nếu ai biết thông tin về mẹ cậu bé Dương Văn Trung, xin gửi về địa chỉ: Dương Văn Trung, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Tối hôm qua, có người thương tình đưa về nhà ngủ. Sáng nay lại thấy nó ra đây sớm. Giờ không biết đâu rồi”.

Sương xuống, chiều Sa Pa lạnh buốt, nghe có gì thắt nghẹn con tim. Giữa dòng người nhộn nhịp, tôi vẫn mong tìm được “cánh chim” nhỏ lạc mẹ.

Giờ này, ở một quãng đường xa nào đó, em đang cầm ảnh trong tay, ngơ ngác tìm mẹ chỉ với một niềm tin: “Quê mẹ ở Sa Pa”.

Theo Tô Dung (LCĐT)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất hạnh thanh niên 20 tuổi lang thang tìm mẹ giữa mùa đông giá buốt