“Làm sao có thể khác được” vì, theo Nguyễn Cao Kỳ, đem một đội quân quen “lệ thuộc phần lớn vào quân đội khác (Mỹ) về chỉ huy, vũ khí và ngay cả chiến lược” để nhào nặn thành “mới” và tách ra độc lập tác chiến như kiểu chiến dịch Lam Sơn 719 rất khó mà địch nổi đối phương.”.

Kỳ 39 – Một ngày cùng Tuyết Mai hạ cánh

Một Thế Giới | 04/01/2015, 04:49

“Làm sao có thể khác được” vì, theo Nguyễn Cao Kỳ, đem một đội quân quen “lệ thuộc phần lớn vào quân đội khác (Mỹ) về chỉ huy, vũ khí và ngay cả chiến lược” để nhào nặn thành “mới” và tách ra độc lập tác chiến như kiểu chiến dịch Lam Sơn 719 rất khó mà địch nổi đối phương.”.

Về mức sống cũng vậy, sự chung đụng lâu ngày với lính Mỹ tạo thói quen mong ngóng một số sinh hoạt ưu đãi không thể có được khi vắng mặt “người bạn” Mỹ bên cạnh, dẫn đến tâm lý so sánh, bứt rứt, thiếu hụt nơi lính Sài Gòn. Kỳ phân tích:

“Khi chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh chớm tiến hành, chúng tôi phải hướng dẫn lại cách suy nghĩ của những người lính đã từng sát cánh chiến đấu bên các bạn đồng minh nước ngoài có mức sinh hoạt quá cách biệt. Sự khác biệt đó đẻ ra vô số chuyện không mấy hay ho mà giờ đây chúng tôi phải “thừa hưởng”. Không ai lại đi trách người lính Mỹ ăn ngon, mua thả cửa các loại hàng hóa miễn thuế ở cửa hàng quân đội dành cho họ. Nhưng khi một đơn vị lính Nam Việt Nam hành quân sát bên một đơn vị lính Mỹ thì điều chắc chắn xảy ra là người Mỹ với tính hào phóng vốn có đem phân phát kem và thuốc lá không giới hạn cho các bạn đồng minh. Kết quả là mỗi đơn vị Việt Nam đều muốn tận lực hoạt động sát bên các đơn vị Mỹ và khi các đơn vị Việt Nam đột nhiên phải hoạt động độc lập thì họ cảm thấy thiếu nhớ những đồ xa xỉ của Mỹ”.

Đó chỉ mới lướt qua chung chung, sâu vào chi tiết ông Kỳ nêu trong hồi ký:

“Một lần tôi đã chứng kiến cảnh lính Mỹ tắm vòi nước gương sen tại một tiền đồn nằm chơ vơ giữa rừng rậm. Ít nhất trong vòng 20 dặm quanh đó không thể đặt buồng tắm bằng vòi nước gương sen nhưng với phương tiện sẵn có, Mỹ làm được chẳng khó nhọc mấy. Thoạt đầu, cả trăm lính Mỹ cởi hết quần áo đứng quây thành một nhóm dưới đất. Trên không, một chiếc máy bay lên thẳng lượn tới và phun nước xuống người họ. Tiếp đó, một chiếc máy bay lên thẳng thứ hai tới phun xà-phòng nước (để họ xoa người, kỳ gội) rồi chừng 5 phút sau khi tất cả kỳ cọ xong đâu đó thì chiếc máy bay thứ nhất quay trở lại phun nước lần nữa cho sạch”.

Đến cái ăn cũng được chăm sóc ngon lành hơn lính Việt một trời. Ngoài các loại thịt heo ba lát, thịt bằm, thịt xay hoặc nấu đậu với kỹ nghệ đóng hộp tân tiến, lính Mỹ còn có thể nếm các món tươi xào nấu tại chỗ như Kỳ thuật lại trong một chuyến cùng Tuyết Mai hạ cánh xuống một tiền đồn hẻo lánh:

“Lần khác, vợ tôi và tôi thăm một đồn sát biên giới Lào. Đó là căn cứ pháo binh Mỹ đóng tít tận đỉnh núi đá để yểm trợ cho lực lượng đồn trú phía bên dưới. Khi tôi vừa nhảy ra khỏi chiếc máy bay lên thẳng để bắt tay viên quan chỉ huy thì đã ngửi thấy mùi xào nấu thơm phức. Ở bất cứ nơi nào, dù xa xôi hẻo lánh cách mấy, vẫn có một người đầu bếp Mỹ mặc tạp dề trắng, đội mũ trắng, nấu nướng những miếng thịt bò chất từng đống, thơm ngon và đều đặn cứ như bữa ăn ở các nhà phú hộ.

Tất nhiên người Mỹ có quyền dùng máy bay lên thẳng để tiếp tế thịt bò tươi cho lính của họ, song hai quân đội Việt và Mỹ nằm sát bên nhau mà lại sống trong hai thế giới cách biệt nhau quá là điều đáng  nói”.

Còn khi họ cùng phối hợp chiến đấu thì “điều đáng nói” là lính Sài Gòn phải thích nghi với chiến thuật Mỹ. Mà bộ binh Mỹ cứ vừa tiến tới vừa ngửa mặt trông trời, chờ sự yểm trợ của không quân như “một phản xạ tự nhiên”. Do đó, so với đối phương (Việt Cộng), họ giảm tự tin khi chưa nghe thấy tiếng gầm rú của máy bay trên không trung nơi lâm trận.

Kỳ nêu rõ sự lệ thuộc vào không quân, vào phi pháo Mỹ đã " đưa các tướng lãnh của chúng tôi đến những thói quen xấu”. Vì không quân chỉ có thể phụ giúp thôi, chỉ đóng vai trò yểm trợ, chính lực lượng bộ binh “mới là người tiến chiếm đất đai” làm chủ trận địa. Kỳ viết: “Về sau người Mỹ thường chỉ trích kịch liệt bộ binh Việt Nam (quân Sài Gòn) không chịu tiến đánh nếu không có không quân yểm trợ. Nhưng họ có biết đâu rằng chính cách sử dụng lãng phí không quân của họ đã dạy cho binh sĩ chúng tôi ỷ lại vào sự yểm trợ đó”. Có ngày phải tiến hành đến 5.000 phi xuất yểm trợ cho bộ binh Nam Việt Nam, một con số không nhỏ đối với “một nước nghèo”, trong lúc như Kỳ bảo ‘‘không quân Mỹ với ngân sách lớn nên họ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đó” cứ phung phí vung vãi bom đạn. Các phụ tùng cũng thế. Khi Mỹ rút, linh kiện máy móc theo chủ trương ‘‘Việt Nam hóa” trút vào “chất cao như núi”, tha hồ sử dụng. Kỳ kể:

“Tôi còn nhớ mãi một anh chuyên viên Mỹ mang lon trung sĩ có hơi cố chấp nhưng tốt bụng, một bữa bước vào trong nhà để máy bay đã há hốc mồm khi thấy thợ máy bay Việt Nam đang dùng dao díp cạo một cái bu-ji cho sạch. Anh ta la lên nửa đùa nửa thật: Trời đất ơi! nếu ai cũng làm như anh thì còn gì là nền kinh tế nước Mỹ (người ta sản xuất đồ mới để bán cho ai?). Thôi, quăng nó quách đi, anh! Chúng tôi có cả triệu cái bu-ji mới ngoài kia kìa!”.

Những điều trông thấy trong căn cứ không quân và qua các chuyến hạ cánh cùng vợ là Tuyết Mai xuống thăm nhiều tiền đồn đã bổ sung thêm một số chi tiết về “nỗi đau” Việt Nam hóa trong hồi ký của Kỳ. Song đáng nhớ nhất sau chiến dịch Lam Sơn 719, đốỉ với Kỳ, có lẽ là chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của Thiệu vào giữa năm 1971, vì nó đẩy đường bay của Kỳ chệch khỏi quỹ đạo của chính trường Sài Gòn từ đó. Cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 10, nhưng từ lâu, Thiệu đã làm đủ điều ngăn cản các đối thủ, trong đó có tướng Dương Văn Minh. Ông ta nặn ra đạo luật mới với nhiều điểm lạ đời, mà Kỳ nhắc:

“Người muốn ứng cử phải đại diện cho một đảng lớn (tôi- Nguyễn Cao Kỳ - không phải là đảng viên của một đảng nào), hoặc phải được 40 nghị sĩ, dân biểu giới thiệu và bảo đảm. Nhưng Thiệu đã kiểm soát tất cả...”.

Đoạn chót của “cuộc đấu” là Thiệu tranh cử “một mình với nhau”; độc diễn! Nguyễn Cao Kỳ hạ bút:

- Thế là, sau hai năm làm thủ tướng(1965-1967) và bốn năm làm phó tổng thống (1967- 1971), tôi “ngồi chơi xơi nước”. Tôi vẫn giữ quân hàm thiếu tướng không quân, vẫn ở căn nhà trong căn cứ không quân...

Ông đi đi, về về đồn điền riêng ở Khánh Dương bằng máy bay lên thẳng của mình và tự lái lấy, dĩ nhiên, nhiều chuyến có cả Tuyết Mai ngồi bên. Họ còn có chỗ để “hạ cánh” an toàn!
Mai Nguyễn (còn nữa)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 39 – Một ngày cùng Tuyết Mai hạ cánh