Người dân Pháp đã tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1 vào 23.4. Theo kết quả ban đầu thì không có ứng cử viên nào giành phiếu quá bán để trở thành tổng thống mà không cần đợi đến vòng 2.

Bầu cử Pháp: Ứng viên cực hữu Le Pen vào 'chung kết'

Anh Tú | 24/04/2017, 05:43

Người dân Pháp đã tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1 vào 23.4. Theo kết quả ban đầu thì không có ứng cử viên nào giành phiếu quá bán để trở thành tổng thống mà không cần đợi đến vòng 2.

Cụ thể, Bộ Nội vụ Pháp nói ứng viên Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng Kinh Tế, 39 tuổi hiện dẫn đầu với 23,54%, tiếp theo là bà Le Pen với 22,33%. Nhóm cố vấn thân cận của ứng viên này coi đây là một thắng lợi lịch sử đối với "những người yêu nước và đề cao chủ quyền quốc gia".

Hai ứng viên, François Fillon, cánh hữu và Jean Luc Melenchon, cánh tả, có tỷ lệ phiếu sát sao ở vị trí thứ ba, khoảng từ 19 đến 20% .

Đúng như Một Thế Giới đã nhận định cách đây 1 tháng rằng bầu cử Tổng thống Pháp là cuộc đua song mã của 2 người theo chủ nghĩa thế tục. Về quan điểm chính trị, bà Le Pen cho rằng toàn cầu hóa là gốc rễ các vấn đề của Pháp. Bà ủng hộ việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Pháp trong EU, liên minh mà bà muốn rút khỏi và rút khỏi bộ chỉ huy quân sự hợp nhất NATO.

Ông Macron thì lại cho rằng các rắc rối của đất nước như là một triệu chứng của sự bất ổn chính trị và thể hiện một sự thiếu kiên nhẫn với giới cầm quyền. Ông Macron coi việc hợp tác với EU là một lợi thế quan trọng và là phương thức hiệu quả nhất để bảo vệ Pháp, cả về chính trị lẫn kinh tế. Ông mong muốn xây dựng một châu Âu hùng mạnh hơn về kinh tế, tạo ra việc làm và bảo vệ các khu vực kinh tế chiến lược.

Khác với bà Le Pen khai thác mạnh mẽ chủ đề nhập cư, ông không đả động gì đến vấn đề này, cho dù ông kêu gọi có quyết định nhanh chóng hơn về các yêu cầu xin tị nạn và những người bị từ chối tị nạn sẽ nhanh chóng bị trục xuất.

Mặc dù chỉ dẫn trước với tỷ lệ sát sao ở vòng 1 nhưng ông Macron có lợi thế lớn để trở thành Tổng thống Pháp trong cuộc bỏ phiếu vòng 2. Dù ông Macron là ứng cử viên cánh trung nhưng ông sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ của các đảng phái khác do đơn giản là họ vừa ghét, vừa sợ phong trào cực hữu của bà Le Pen.

Bà Marine Le Pen đã lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận quốc gia kể từ năm 2015. Kể từ đó, bà tập trung vào 2 vấn đề: phản đối nhập cư và Liên minh châu Âu (EU). Luận điệu này đã thu hút sự ủng hộ trung thành và gia tăng từ cử tri, nhưng lập trường cực đoan của đảng này cũng hạn chế khả năng thu hút cử tri từ các đảng chính trị khác.

Sau thất bại của ứng viên François Fillon, bản thân các chính trị gia cánh hữu nặng ký đã tuyên bố ủng hộ ứng viên cánh trung Macron. Ngay cả thủ tướng cánh tả thuộc Đảng Xã Hội Bernard Cazeneuve, cũng lên tiếng kêu gọi bỏ phiếu cho ông Macron.

Sẽ không ngạc nhiên là vào "ngày 7.5 lịch sử", Macron sẽ được bầu là Tổng thống Pháp.

A.T
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
19 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bầu cử Pháp: Ứng viên cực hữu Le Pen vào 'chung kết'