Sát ngày bầu cử Tổng thống Pháp 23.4, bà Marie LePen, thủ lĩnh đảng cực hữu Pháp tuyên chiến với bọn khủng bố IS, sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS nhận trách nhiệm vụ tấn công ngay trên đại lộ Champs- Elysées, khu trung tâm thủ đô Paris tối 20.4.

Thủ lĩnh cực hữu Pháp tuyên chiến với bọn khủng bố IS

Trần Trí | 22/04/2017, 14:22

Sát ngày bầu cử Tổng thống Pháp 23.4, bà Marie LePen, thủ lĩnh đảng cực hữu Pháp tuyên chiến với bọn khủng bố IS, sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS nhận trách nhiệm vụ tấn công ngay trên đại lộ Champs- Elysées, khu trung tâm thủ đô Paris tối 20.4.

Vụ tấn công do một nghi phạm dùng súng bắn vào xe cảnh sát, làm chết 1 cảnh sát và làm bị thương nặng 2 cảnh sát khác, trước khi hắn bị bắn hạ.

Thủ phạm là Karim Cheurfi, 39 tuổi, có tiền sự bạo lực với cảnh sát gồm hai lần toan giết người. Tên này bị bắn chết lúc toan chạy khỏi hiện trường. Tình báo Pháp từng theo dõi hắn nhưng không xếp hắn vào danh sách mối đe dọa khủng bố.

Bà Le Pen - thủ lĩnh đảng Mặt trận quốc gia (FN, cực hữu) nhận được sự ủng hộ đáng kể, vì chiến dịch tranh cử của bà chủ yếu là những luận điệu chống dân nhập cư và bài xích đạo Hồi.

Bà là ứng viên đầu tiên lên tiếng kêu gọi Pháp tuyên chiến với Hồi giáo cực đoan, tố cáo hai chính phủ của cựu Tổng thống Nicholas Sarkozy và đương kim Tổng thống Francois Hollande đều lơi lỏng vấn đề an ninh khiến Pháp thua trong cuộc chiến chống khủng bố.

Bà Le Pen tuyên bố hôm 21.4: “Chúng ta không thể chấp nhận thua cuộc chiến này, nhưng 10 năm qua, hai chính phủ cánh tả và cánh hữu đã làm tất cả để rồi thua chúng. Chúng ta cần có một tổng thống dám hành động và bảo vệ chúng ta”.

Bà Le Pen từng có quan điểm cứng rắn với Hồi giáo cực đoan, gọi họ là “tư tưởng độc tài dã man” và nhấn mạnh Pháp sẽ lập tức thu hồi quyền kiểm soát biên giới từ khối Liên hiệp châu Âu (EU).

Bà đòi lập tức trục xuất người nước ngoài dính líu Hồi giáo cực đoan và xếp các nghi can vào danh sách “mối họa tiềm năng cho an ninh quốc gia”.

Bà nói người có quốc tịch kép phải bị tước quốc tịch Pháp và trục xuất về quốc gia gốc của họ: “Đây là một cuộc chiến mà toàn dân tộc, toàn quốc gia bị xếp là mục tiêu. Rõ ràng là một cuộc chiến mà chúng ta không thể thua. Hồi giáo cực đoan không có quyền sống ở Pháp và phải bị cấm. Những giáo sĩ gieo rắc hận thù phải bị trục xuất và các giáo đường của họ phải bị đóng cửa”.

Nam ứng viên Emmanuel Macron - cựu chủ ngân hàng và giữ chức bộ trưởng kinh tế - kêu gọi nước Pháp đừng sa vào sự chia rẽ hoặc để bị đe dọa, và cáo buộc hai đối thủ của ônglợi dụng cái chết của viên cảnh sát Xavier Jugel, 37 tuổi, để ông ghi điểm chính trị.

Ông trịnh trọng tuyên bố “Vai trò chính của Tổng thống Cộng hòa Pháp là bảo vệ công dân Pháp. Tôi sẽ bảo vệ đồng bào không ngừng nghỉ”.

Ông hứa nếu trúng cử sẽ lập một đơn vị trực thuộc tổng thống, làm việc 24 /24 để xử lý IS: “Một cuộc tấn công mãnh liệt sẽ được tiến hành để đánh Hồi giáo cực đoan, nhất là trên Internet. Đấy là một thách thức về đạo đức và là một thử thách cho nền văn minh”.

Ông cáo buộc bà Le Pen “nói láo” vì bà tuyên bố nếu như là tổng thống, bà có thể ngăn chặn những cuộc tấn công khủng bố trước đây.

Ứng viên Francois Fillon - từng là Thủ tướng thời ông Sarkozy - cũng nói “Chúng ta đang trong một cuộc chiến. Kẻ thù của chúng ta là Hồi giáo cực đoan. Hắn có một bộ mặt hận thù và chỉ có một nỗi ám ảnh là gieo rắc khủng bố”.

Ông nói Pháp cần thể hiện tinh thần đoàn kết, không được sợ hãi: “Từ nhiều năm qua, tôi đã cảnh báo chúng ta đang đối đầu với Hồi giáo cực đoan có tổ chức và có khả năng bành trướng. Tôi đã không ngừng cảnh báo chính phủ và đồng bào về chiều sâu của bọn cực đoan có mục tiêu hủy diệt nền văn minh của chúng ta, bóp nghẹt các kẻ thù từ Đông Nam Á cho đến Tây Phi”.

Đương kim Thủ tướng Bernard Cazeneuve lập tức phản ứng, cáo buộc hai ứng viên Fillon và Le Pen “chọn cách thổi phồng sự việc và gây chia rẽ”.

Ông nói bà Le Pen “sau mỗi bi kịch đều tìm cách thao túng và chia rẽ nhằm khai thác nỗi sợ hãi và cảm xúc nhằm đạt mục đích chính trị mà không biết xấu hổ là gì”:

Ông khẳng định chính phủ đã kiểm tra công tác bảo vệ an ninh cuộc bầu cử, kêu gọi nước Pháp đoàn kết và mọi công dân chớ nên sợ hãi. Ông cho biết hơn 50.000 cảnh sát và hiến binh cùng 7.000 binh lính sẽ canh trực trong ngày bầu cử, để “không cho phép điều gì có thể cản trở khoảng khắc lịch sử này”.

Ông Fillon đứng hạng ba trong các thăm dò ai sẽ trúng cử tổng thống, đang vướng tai tiếng dùng công quỹ trả lương cho vợ ông ở vai trò trợ lý nghị sĩ dù bà Penelope chẳng làm gì.

Thăm dò của tuần báo Le Point (Pháp) nêu sự ủng hộ bà Le Pen tăng từ 22% lên 23%. Trong khi đó, hai ứng viên Macron (đảng trung hữu Tiến bước!)bị giảm sự ủng hộ xuống còn 24,5%. Còn ông Fillon (đảng Cộng hòa) cũng bị giảm, còn 19%.

Các thăm dò khác đều cho thấy bà Le Pen sẽ thắng ở vòng 2, trước bất kỳ đối thủ chính nào. Nếu từng ứng cử viên không giành được thế đa số sau ngày 23.4, hai ứng viên hàng đầu ở vòng 1 sẽ “đấu vớt” ngày 7.5 tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với hãng tin AP: bà Le Pen là “ứng viên mạnh nhất về vấn đề biên giớivà là người mạnh mẽ nhất về những gì đang diễn ra tại Pháp”, dù ông không công khai ủng hộ .

Thường thì tổng thống Mỹ tránh “dự đoán kết quả” những cuộc bầu cử ở các nước ngoài. Nhưng ông Trump nói quan điểm của ông giống những người khác: “Ai cũng dự đoán người nào sẽ trúng cử. Tôi cũng chẳng khác họ”.

Trước đó, ông Trump viết Twitter rằng vụ tấn công tác động mạnh vào cuộc bầu cử tổng thống Pháp.

Bà Le Pen từ lâu đã khen ông Trump, hồi tháng 11.2016 nói với CNN: việc ông Trump trúng cử là nguồn cảm hứng cho nỗ lực chính trị của bà ở Pháp. Bà nói: “Donald Trump đã biến chuyển điều hoàn toàn không thể thành điều có thể. Đấy là niềm hy vọng cho những ai không thể chịu đựng được sự toàn cầu hóa một cách hoang dã. Họ không thể chịu được đời sống chính trị do những người ưu tú lãnh đạo”.

Ông Trump không là chính khách Mỹ duy nhất đề cập cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Ngày 20.4, ứng viên Macron gọi điện thoại cho cựu Tổng thống Barack Obama. Nhưng người phát ngôn của ông Obama nói cuộc gọi này không có nghĩa ủng hộ ông Macron.

Đảng FN của bà Le Pen từ lâu là tổ chức cực hữu khét tiếng ở châu Âu. Năm 2015, đảng này từng khai trừ thủ lĩnh suốt 30 năm là ông Jean Marie Le Pen, cha của bà.

3 tuần sau vụ khủng bố tấn công Paris năm 2015, FN từng ngoi lên hàng đầu ở vòng 1 cuộc bầu cử địa phương ở Pháp. Nhưng rồi FN chẳng thể thắng ở vòng 2.

Bà Le Pen cũng có quan hệ thân cận với Nga, khen ngợi Tổng thống Vladimir Putin và tuyên bố Nga không hề xâm chiếm bán đảo Crimea.

+ FN có kinh phí hoạt động nhờ vay tiền của một ngân hàng Nga.

Kim Hương(theo Newsweek)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ lĩnh cực hữu Pháp tuyên chiến với bọn khủng bố IS