Chiều 16.3, sau gần 2 ngày làm việc với 10 phiên thảo luận chuyên sâu, Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 đã bế mạc.
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết diễn đàn đã diễn ra thành công với 1 phiên khai mạc và 10 phiên thảo luận về những vấn đề trọng yếu của báo chí Việt Nam. Thông qua những kết quả thảo luận của Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm nay, các cơ quan báo chí có thể hiện thực hóa và mang lại những thay đổi tích cực trong báo chí cách mạng Việt Nam.
Diễn đàn năm nay có quy mô khá lớn khi có 60 diễn giả trong nước và quốc tế tham gia, thu hút hàng ngàn người tham dự. Diễn đàn cũng có rất nhiều tham luận, thảo luận tâm huyết từ các nhà báo, nhà quản lý và nhà nghiên cứu tập trung vào những vấn đề quan trọng của báo chí như: nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; xây dựng môi trường văn hóa báo chí; báo chí dữ liệu với chiến lược vượt trội; nâng cao năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI; phát thanh năng động trong môi trường số; đầu tư ứng dụng công nghệ tại tòa soạn...
Đặc biệt, các chuyên gia cũng cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành nhân tố có thể làm thay đổi "cuộc chơi", không chỉ với báo chí mà còn trên bình diện rộng hơn. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí Việt Nam lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc thiếu hành lang pháp lý cho đến công nghệ lõi để bước vào "sân chơi" này.
Từ các vấn đề trên, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp phù hợp để các tòa soạn vừa và nhỏ cũng có thể lựa chọn và tìm ra cho mình những hướng đi đúng đắn, nhằm bắt kịp với xu hướng của báo chí thế giới.
Theo ông Lê Quốc Minh, các tham luận, ý kiến của diễn giả và tương tác tại các phiên thảo luận đã làm sáng tỏ hơn những chủ đề và gợi mở cho các nhà báo, nhà quản lý báo chí hướng ứng dụng và giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức, hiệu quả hoạt động của báo chí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ quan báo chí trong kỷ nguyên số.
Ở phiên thứ 10 - “Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số”, cuộc thảo luận đặt ra một số vấn đề: hệ thống văn bản pháp luật về tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan là cơ sở để cảnh báo, ngăn ngừa, phát hiện và xử phạt vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập và phân tán; ở góc độ chủ thể và người sáng tạo nội dung, các nhà báo và cơ quan báo chí cũng còn lúng túng và chưa thật sự quyết liệt trong bảo vệ quyền lợi của mình.
Các diễn giả đã cùng thảo luận về giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí trong môi trường số; nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí; đóng góp kinh nghiệm xử lý bảo vệ bản quyền báo chí. Đồng thời, đóng góp vào quá trình sửa đổi Luật Báo chí nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền báo chí và thúc đẩy hoạt động kinh tế báo chí phát triển.
Ngoài ra, các ý kiến cũng đã thống nhất cao những vấn đề mấu chốt cơ bản đó là vai trò quan trọng của báo chí cách mạng trong tuyên truyền, phổ biến, định hướng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối gắn bó mật thiết với nhân dân. Đối với hoạt động báo chí trong môi trường số, đại biểu cũng thống nhất chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc. Đây cũng là cơ hội và thách thức nên các đài phát thanh, truyền hình phải có chiến lược đầu tư phát triển phù hợp.
Hội Báo toàn quốc năm 2024 với chủ đề "Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân" lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM từ ngày 15 đến 17.3. Hội báo năm nay quy tụ hơn 600 cơ quan báo chí trung ương và địa phương, trong đó gần 300 cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trưng bày báo chí, giới thiệu sản phẩm...