Phẫu thuật thay khớp háng ở người cao tuổi trên thế giới và tại Việt Nam đều có tỉ lệ rủi ro và tử vong nhất định do bản thân cơ thể người bệnh đã bị lão suy các cơ quan trong cơ thể như tim, phổi, thận, mạch máu… Đồng thời người lớn tuổi cũng thường mắc nhiều bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim... Nói là vậy nhưng không có nghĩa người lớn tuổi là không thể phẫu thuật.

Bệnh nhân U90 có vấn đề về tim vẫn có thể thay khớp háng

14/05/2020, 15:41

Phẫu thuật thay khớp háng ở người cao tuổi trên thế giới và tại Việt Nam đều có tỉ lệ rủi ro và tử vong nhất định do bản thân cơ thể người bệnh đã bị lão suy các cơ quan trong cơ thể như tim, phổi, thận, mạch máu… Đồng thời người lớn tuổi cũng thường mắc nhiều bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim... Nói là vậy nhưng không có nghĩa người lớn tuổi là không thể phẫu thuật.

Các bác sĩ phẫu thuật thay khớp háng cho 1 bệnh nhân - Ảnh: Phong Phạm

Sáng 14.5, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc chuyên môn của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa phẫu thuật thay khớp háng thành công 2 trường hợp bệnh nhân lớn tuổi bị gãy liên mấu chuyển xương đùi có nhịp tim rất chậm.

Bệnh nhân đầu tiên là bà Lê Thị H. (77 tuổi, ngụ H.Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) được tuyến dưới chuyển đến vào ngày 22.4 trong tình trạng đau nhiều vùng mông trái, cử động bị hạn chế sau khi té ngã do tai nạn sinh hoạt. Kết quả X quang khung chậu: gãy mấu chuyển xương đùi, bị hội chứng suy nút xoang - ngưng xoang nhịp thoát bộ nối 40 lần/phút.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời trước khi phẫu thuật thay khớp háng bán phần. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn vào ngày 9.5. Đến ngày 13.5, sức khỏe bệnh nhân ổn định và đã xuất viện.

Bệnh nhân Lê Thị H. được khám lại trước khi xuất viện - Ảnh: Phong Phạm

Bệnh nhân còn lại là bà Nguyễn Thị Đ. (84 tuổi, ngụ TX.Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ vào ngày 26.4 trong tình trạng đau nhiều ở hông sau khi ngã, bàn chân đổ ngoài. Chụp X quang khung chậu, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi, nhịp tim rất chậm 40 lần/phút.

Bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời trước khi phẫu thuật chỉnh hình. Ngày 6.5, các bác sĩ thực hiện đặt máy tạo nhịp tạm thời, giúp nhịp tim bệnh nhân tăng lên 60 lần/phút, đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật. Ngày 12.5, các bác sĩ thực hiện thay khớp háng bán phần cho bệnh nhân.

Tình trạng hiện tại vào ngày 14.5, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, khám vận động khớp háng tốt, nhịp tim 60 lần/phút. Dự kiến ngày 16.5.2020 sẽ đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân.

BS.CK2 Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện cho biết: “Gãy cổ xương đùi và gãy xương vùng liên mấu chuyển xương đùi là 1 gãy xương do tai nạn té ngã rất hay gặp ở người cao tuổi. Do gãy cổ xương đùi xương khó lành, còn các gãy xương vùng liên mấu chuyển ở bệnh nhân cao tuổi có kèm bệnh nội khoa thì việc phẫu thuật thay khớp nhằm giúp cho người bệnh mau phục hồi vận động đi lại.

Điều này cũng nhằm tránh các biến chứng do phải nằm tại chỗ, bất động như: chăm sóc vệ sinh cá nhân khó khăn; khó xoay trở, thay đổi tư thế người bệnh trên giường; đau đớn kéo dài do các đầu xương gãy chạm vào nhau; do nằm lâu nên các cơ quan như đại tràng, bàng quang không hoạt động sinh lý, dẫn đến đại tiểu tiện khó khăn... Để giải quyết và hạn chế những biến chứng này, phẫu thuật thay khớp háng là một lựa chọn ưu tiên cho người cao tuổi. Người bệnh được phục hồi vận động và tập đi 1-2 ngày sau mổ”.

BS.CK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện thông tin rằng, trước đây gãy khớp háng ở người lớn tuổi là thách thức đối với các phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê vì người lớn tuổi sức yếu, có nhiều bệnh lý đi kèm nhất là bệnh tim mạch. Block nhĩ thất độ 3 là mức độ cao nhất trong rối loạn dẫn truyền nhịp tim, làm cho tim không thể bóp đủ tần số nhằm cung cấp đủ máu đến các cơ quan khác, dễ dẫn đến ngất và tử vong. Nếu không xử lý rối loạn nhịp thì nguy cơ đột tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tình trạng nhịp tim quá chậm như vậy nếu tiến hành phẫu thuật thì nguy cơ trụy mạch và ngưng tim trên bàn mổ rất cao. Với tiến bộ y học hiện nay, các bác sĩ sẽ cho đặt máy tạo nhịp tạm thời trước và sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật thay khớp háng.

Nếu được đánh giá kỹ càng và chuẩn bị đầy đủ trước cuộc mổ, thể trạng người bệnh cho phép, trình độ chuyên môn tốt của đội ngũ nhân viên y tế và sự phối hợp đồng bộ nhiều chuyên khoa thì người lớn tuổi hoàn toàn có thể trải qua một cuộc phẫu thuật an toàn, ngay cả khi họ mắc bệnh tim mạch nặng.

Phong Phạm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh nhân U90 có vấn đề về tim vẫn có thể thay khớp háng