Chân phải không đi được, bệnh nhân phải đi xe lăn nhưng do bị rối loạn đông máu (máu khó đông) nên không bệnh viện nào dám mổ thay khớp gối, và tái tạo dây chằng cho bệnh nhân. Tưởng chừng người bệnh phải chấp nhận cảnh ngồi xe lăn suốt đời thì điều bất ngờ đã đến…
Chiều 13.7, Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM) cho hay các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thay khớp gối và tái tạo lại dây chằng cho bệnh nhân V.V.C.( 23 tuổi,quê tỉnh Thái Bình) trong tình trạng bệnh nhân này mắc chứng bệnh Hemophilia (rối loạn đông máu).
“Sau 3 tiếng đồng hồ phẫu thuật, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công. Hiện giờ bệnh nhân đã được rút ống dẫn lưu, rút ống sinh tiểu và tập trị liệu.Nếu không có gì thay đổi, sau 1 tuần nữa bệnh nhân này sẽ được xuất viện, và sau 6 đến 8 tuần bệnh nhân có thể xuất viện”, bác sĩ Nguyễn Minh Quân – Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM)hồ hởi cho biết.
Theo người nhà của bệnh nhân C., thì anh mắc chứng bệnh Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu) từ lúc 4 tháng tuổi, khiến nhiều bộ phận trong cơ thể bị xuất huyết, nhất là nơi khớp gối, nên mới 18 tuổi, C. đã phát hiện chân phải bị thoái hóa khớp gối.
Sau đó, C. đã tìm đến các bệnh viện để điều trị, nhưng không bệnh viện nào dám phẫu thuật. Thời gian trôi qua, khớp gối của nam thanh niên này ngày càng lỏng lẻo, hư khớp gối, dây chằng bị giãn, chân phải không thể đi được, anh phải ngồi xe lăn di chuyển.
Chị Lê Thị Đào (mẹ C.) cho biết khoảng 5 năm qua, C. phải đi nạng, ngồi xe lăn dù đã đến nhiều bệnh viện từ địa phương đến trung ương điều trị nhưng chưa thể can thiệp dứt điểm.
Thời gian gần đây, C. không thể tự đi lại được, mỗi lần cố đứng lên là bị ngã, mọi sinh hoạt đều phải nhờ sự giúp đỡ của người thân. Người nhà mới đưa C. đến Bệnh viện quận Thủ Đứcđể kiểm tra.
Tại đây, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân C.bị thoái hóa khớp gối nặng, đứt dây chằng bên trong và giãn dây chằng bên ngoài gối phải. Đặc biệt, bệnh nhân này mắc chứng bệnh rối loạn đông máu ở thể nặng.
Hiện sau khi phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân V.V.C ( 23 tuổi) đã ổn định. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 1 tuần
Trước tình hình trên, bác sĩ Lê Hoàng Văn Hải – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết muốn chữa trị dứt điểm tình trạng trên của bệnh nhân chỉ có phẫu thuật thay khớp gối và tái tạo lại dây chằng.
Tuy nhiên, theo nhận định của bác sĩ Hải, việc phẫu thuật cho bệnh nhân C. lúc này là rất nguy hiểm. Bệnh nhân không chỉ bị thoái hóa khớp gối mà còn bị giãn dây chằng, nên ngoài phẫu thuật thay khớp gối, còn phải tái tạo lại dây chằng, sẽmất rất nhiều thời gian, bệnh nhân có thể mất mạng vì máu không cầm được trong quá trình phẫu thuật.
“Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đến phương án hàn khớp gối, nhưng nếu hàn thì bệnh nhân sẽ không co duỗiđược chân. Trong khi đó, bệnh nhân còn rất trẻ, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống sau này, nên chúng tôi quyết định thực hiện phẫu thay khớp gối và tái tạo dây chằng cho bệnh nhân”, bác sĩ cho biết.
Bác sĩ Hải cũng cho biết để thực hiện ca phẫu thuật này, ê kíp phải truyền yếu tố không đông nhằm hạn chế tình trạng chảy máu. Ê kíp phẫu thuật phải nghĩ ra phương pháp phẫu thuật nào nhanh nhất và hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
“Thay vì bệnh nhân phải trải qua 2 lần phẫu thuật, một lần thay khớp háng và một lần tái tạo dây chằng thì ê kíp quyết định chỉ phẫu thuật 1 lần nhằm hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng vì máu không cầm được. Tuy khó khăn và nguy hiểm nhưng nhờ sự chuẩn bị chu đáo và tăng cường kiểm soát tất cả các tình huống có thể xảy ra cho cuộc mổ, đặc biệt là đảm bảo đầy đủ các yếu tố đông máu đã quyết định sự thành công của ca mổ này”, bác sĩ Hải chia sẻ.
Theo bác sĩ Hải, bệnh Hemophilia là bệnh dễ chảy máu (máu khó đông) do thiếu các yếu tố đông máu VIII, IX. Bệnh Hemophilia là một bệnh suốt đời. Nhưng nếu điều trị và chăm sóc thích hợp, hầu hết bệnh nhân hemophilia có thể duy trì lối sống và hoạt động bình thường.
Bệnh nhân mắc phải căn bệnh này là bệnh đột biến gen tổng hợp các yếu tố đông máu VIII, IX. Mọi người đều có hai nhiễm sắc thể giới tính: XX ở nữ và XY ở nam. Nữ kế thừa một nhiễm sắc thể X từ mẹ và một nhiễm sắc thể X từ cha. Nam kế thừa một nhiễm sắc thể X từ mẹ và một nhiễm sắc thể Y từ cha. Các gen gây bệnh Hemophilia A (thiếu yếu tố VIII) hoặc bệnh Hemophilia B (thiếu yếu tố IX) nằm trên nhiễm sắc thể X. Vì vậy nó truyền từ mẹ sang con gái, và con trai. Do con gái còn 1 nhiễm sắc thể từ cha nên không biểu hiện bệnh, còn con trai chỉ có 1 nhiễm sắc thể X bị bệnh nên biểu hiện bệnh. Cũng có thể bệnh Hemophilia A hoặc B xảy ra thông qua các đột biến gen tự phát (Hemophilia mắc phải).
Hồ Quang