Trong dòng nhạc “sến” của miền Nam trước năm 1975 nổi lên 4 nam ca sĩ được thế giới giải trí thời đó xưng tụng là “tứ trụ”: Duy Khánh, Chế Linh, Hùng Cường, Nhật Trường. Cả 4 ca sĩ này đều phục vụ trong quân đội Sài Gòn thuộc ngành Tâm lý chiến. Duy Khánh gốc Huế, Chế Linh gốc dân tộc Chàm, Hùng Cường người Sài Gòn, Nhật Trường người Phan Thiết . Hai ca sĩ Duy Khánh, Chế Linh di tản sau biến cố lịch sử năm 1975 và định cư tại Mỹ vẫn tiếp tục họat động ca hát ở hải ngoại.
Hai ca sĩ Hùng Cường, Nhật Trường còn “vướng” lại ở Sài Gòn sau ngày giải phóng 30-4-1975. Rồi Hùng Cường ra nước ngoài trước, Nhật Trường đi năm 1993, định cư tại Mỹ. Hiện “tứ trụ” danh ca “nhạc sến” của Sài Gòn một thời đã mất hết 3 “trụ”: Duy Khánh, Hùng Cường, Nhật Trường chỉ còn lại mình Chế Linh. Vừa rồi, Chế Linh có về Việt Nam biểu diễn tại Hà Nội, chuyện biểu diễn của Chế Linh cũng khá lùm xùm nhưng rồi cũng trót lọt. Ở tuổi gần 70 nhưng giọng ca Chế Linh vẫn còn khá thu hút theo cách riêng của ông và đã được khán, thính giả Hà Nội thuộc giới trẻ sau năm 1975 tán thưởng nhiệt tình, có lẽ vì là giọng hát lạ, một “món ăn”mới đối với người Hà Nội.
Ẩn tình “Hoa trinh nữ”
Nhật Trường tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (tên thật của ông) SN 1941, quê quán Phan Thiết, xuất thân là giáo viên, ông vào Sài Gòn lập nghiệp năm 1960, đi hát với nghệ danh Nhật Trường và sáng tác nhạc với tên thật là Trần Thiện Thanh. Vì phục vụ trong quân đội Sài Gòn nên nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là “chuyên gia” sáng tác toàn những ca khúc về lính. Nào là: tình thư của lính, Tâm sự người lính trẻ,rừng lá thấp, Khi người yêu tôi khóc, Trên đỉnh mùa đông, Chiều trên phá Tam Giang, chuyện tình Mộng Thường, Không bao giờ ngăn cách, Chuyến đi về sáng, Bảy ngày đợi mong, Tuyết trắng, Người yêu của lính, Tạ từ trong đêm, Từ đó em buồn, góa phụ thơ ngây, Người ở lại Charlie, đám cưới đầu xuân, Biển mặn, Anh không chết đâu anh, Phút giao mùa, Đồn vắng chiều xuân, Hoa biển, Đám cưới đầu xuân, Anh về với em, Tình có như không, Hoa trinh nữ… Nói chung trong số lượng bài hát khổng lồ chủ đề về “lính”, ca ngợi “lính Việt Nam Công Hòa”, Trần Thiện Thanh họa hoằn lắm mới không đề cập tới “lính”, đó là bài “Hàn Mặc Tử” sáng tác trước giải phóng và bài “chiếc áo Bà Ba” sáng tác sau năm 1975 mang âm điệu dân ca và tình tự quê hương, dân tộc.
Riêng bài “Hoa trinh nữ” thì theo giới nghệ sĩ lúc bấy giờ Trần Thiện Thanh sáng tác nhằm có ý “than thân trách phận”, vì mình chỉ là một người bình thường, là “lính” nên mộng ước cũng thật bình thường không thể sánh được với “vua”, nên “em” tức giai nhân trong bài hát mới phụ tình, đi lấy người giàu sang, quyền quý, ám chỉ “vua”.
Trần thiện Thanh đã mượn sự tích “Hoa trinh nữ” tức “Hoa mắc cỡ”, một loài hoa dại mọc hoang bên đường, không hương thơm mà sắc thì nhạc phai, hèn mọn để lấy chuyện hoa mà nói chuyện mình. Ngụ ý của bài hát thì quá rõ, nhưng nhưng vật “vua” và “giai nhân” là ai? Nhiều người không hiểu chuyện thầm kín bên trong sẽ tưởng đó chỉ là “sự tích Hoa trinh nữ” mà nhạc sĩ cảm khái sáng tác thành bài hát. Còn một số người phong phanh nghe lời đồn đoán thì sẽ rất thắc mắc, khó giải nếu không biết được ẩn tình.
“Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa
Không ngọc ngà, không kiệu hoa, không nệm gấm, không
cung son
Tôi chỉ là người lính xa nhà
Thấy hoa nhớ người yêu rất xa…
Cho giai nhân ngóng đợi chỉ một cành trinh nữ thôi…”
Đây là một đoạn trong bài hát “Hoa trinh nữ” của Trần Thiện Thanh. Và “vua” ở đây là trung tướng Vĩnh Lộc tư lệnh quân đoàn 2 chế độ cũ, thời đó được ví như một “ông vua” một cõi, còn “giai nhân” phụ tình “lính” đi lấy “vua” chính là ca sĩ Minh Hiếu.
Bởi lẽ ca sĩ Nhật Trường và ca sĩ Minh Hiếu mộ thời là một “cặp đôi” nghệ sĩ từng đi hát chung, đứng chung trên sân khấu và họ từng là tình nhân, gắn bó với nhau cả giới nghệ sĩ đều biết. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng từng sáng tác nhiều ca khúc dành riêng cho Minh Hiếu hát đồng thời nói lên tình yêu sậu đậm của hai người. Ví dụ như bài “không bao giờ ngăn cách” do chính Minh Hiếu từng “khoe”, khi sáng tác xong bài này Trần Thiện Thanh đã chạy tìm cô để cùng nhau tập và một thời gian dài bài “Không bao giờ ngăn cách” gần như ca sĩ Minh Hiếu hát độc quyền.
Kẻ kình địch của Nhật Trường
Vĩnh Lộc tên họ đầy đủ là Nguyễn Phước Vĩnh Lộc SN 1926 tại Huế thuộc gia đình hoàng tộc vì Vĩnh Lộc là anh em họ của vua Bảo Đại tên tộc là Vĩnh Thụy. Từ nhỏ Vĩnh Lộc đã được giáo dục trong môi trường phong kiến nhưng lại hấp thụ nền văn hóa Pháp, nói tiếng Pháp như gió và do sinh ra trong gia đình hoàng tộc nên Vĩnh Lộc sống hoàn toàn trên nhung lụa với giai cấp của một lãnh chúa. Năm 1949 tới tuổi thanh niên Vĩnh Lộc nhập ngũ, đi lính cho Pháp và được đưa sang Pháp học ở Trường huấn luyện Thiết giáp Saint Saumur trong thời gian 1 năm. Khi quay về Việt Nam, Vĩnh Lộc tiếp tục thụ huấn Trường Sĩ quan Phú Bài. Ra trường Vĩnh Lộc được ông anh Vua Bảo Đại rút về làm cận vệ hầu cận ngai vàng. Vốn tính ham chơi, máu lãng tử sẵn trong người mà bắt làm cận vệ cho vua, hết ngày này qua tháng khác bị nhốt trong nội cung bên cạnh vua chẳng chơi bời, phóng đãng được nên sau 2 năm chịu trận Vĩnh Lộc liền xin thuyên chuyển ra một đơn vị tác chiến. Bảo Đại chuẩn y lời thỉnh nguyện này của ông em và phong cho Vĩnh Lộc lên đại úy nắm liền chức Chỉ huy trưởng Liên đội Thiết Giáp thuộc Sư đoàn Lộ quân số 2.
(còn tiếp)
Từ Kế Tường