Đằng đẵng 15 năm không đứng sân khấu, ngày trở lại nghệ sĩ Lê Thiện như cá gặp được nước, vùng vẫy không mỏi mệt với vai trò diễn viên kịch nói. Bà bảo, nhân vật ấy, bà khoái làm sao!
Ngày trở lại sân khấu
Nhân vật mà bà nhắc đến là một vai diễn nặng kí trong vở Đêm vượn hú của Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần. Đêm vượn hú biến bà thành một người phụ nữ khó hiểu, thương con nhưng lại mù quáng đến nỗi khi con chết mới nhận ra tình thương ấy đã muộn màng.
Chồng bà là dân đào vàng, sau khi chồng chết, bà giữ trong người số vàng rất lớn. Nhưng nhất định không chia hay để lại cho con trai mình (vì sợ con bà chơi bời, hư hỏng). Bà đã giữ nó bằng cách buộc vào xe lăn rồi giả mình là người tật nguyền và cứ ngồi trên chiếc xe lăn như thế đằng đẳng xuốt mấy mươi năm trôi qua...
Một ngày, người ta phát hiện số vàng ấy và đi tìm. Tất cả những con người xung quanh bà ai cũng tham lam và muốn tranh giành để có được số vàng ấy- trong đó có con trai của bà. Rồi bà mướn một người thám tử để theo dõi, nhưng thám tử ấy lại cũng là một kẻ xấu nên trong lúc tranh giành đã giết chết con bà.
Sau khi con chết, bà mới đứng bật dậy trong sự ngỡ ngàng của những con người còn lại ở đây. Và bà bắt đầu hối hận trong sự muộn màng vì tất cả những người trong nhà bà đều đã ra đi...
Nghệ sĩ Lê Thiện cho biết vai diễn này của bà có hai giai đoạn, lúc đầu người ta không biết bà là ai vì bà rất khó hiểu... Cho đến lúc con bà mất, khán giả mới kịp nhói lên bởi một câu nói lay động của bà: “Số vàng này mẹ giấu là để dành cho con, chứ nếu ngày đó mẹ đưa ra thì bây giờ đã không còn, mẹ luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với con...” thì lúc này người ta mới biết, trong cái vỏ bọc khó hiểu kia là một trái tim nhân hậu. Nhưng cuối cùng tất cả đã chết, bà cũng ra đi... duy chỉ có “thằng gù” là còn sống và cũng là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện cũng như cuộc đời bà.
Bà chia sẻ, đây là cái vai mà bà khoái và thích lắm, vì lâu nay cứ đóng hiền hiền, chưa có vai nào đặc biệt. Chưa có vai diễn nào lại khiến bà nôn nao đến giờ diễn, đến ngày diễn cũng như được lên sân khấu như thế này.
Chưa có vai diễn nào khó như vai diễn ấy, bởi khó ở lứa tuổi của bà, cái thể loại kịch mà bà chưa từng chạm đến và khó vì phải thoại mộc. Mà, khó thì khó, dù mỗi lần đến ngày diễn, bà bước từng bước chân yếu ớt lên đến tầng 3 của nhà hát kịch – một nhà hát kịch mà với bà thì ai phải yêu nghề lắm mới có thể làm ở đây, rồi khi diễn xong bước xuống cầu thang với đôi chân run rẩy vì đuối, vì mệt... Thế nhưng, có cái gì đó cứ rạo rực trong bà, khiến bà yêu nó lắm!
Một lẽ nữa để bà mong, bà háo hức, đó là vì khán giả yêu cái sân khấu cũ kỹ này và tôn trọng nghệ sĩ ở đây, bởi chưa có vở diễn nào kết thúc mà để khán giả ngồi ngẩn ngơ chẳng muốn đứng lên ra về như thế. Họ muốn nán lại để được nghe tâm tình của anh em nghệ sĩ, nghe những lời cảm ơn chân thành đến đội ngũ diễn viên, âm thanh, ánh sáng, hậu đài và cả họ nữa... Đã 5 đêm diễn rồi, cứ kết thúc vỡ diễn là NSƯT Mỹ Uyên lại giới thiệu bà với danh hiệu “Diễn viên trẻ nhất của vở kịch” khiến bà cảm thấy sung sướng vì mình được trân trọng, yêu kính...
Cái tên Lê Thiện giờ đây đã không còn xa lạ với khán giả, bởi hình ảnh cô đào xinh đẹp và tài năng trong các vở cải lương một thời như Dệt gấm, Khuất Nguyên, Tiếng sấm Tây Nguyên, Hòn đảo thần Vệ Nữ, Rạng ngọc Côn Sơn... đã in trong tiềm thức những người yêu môn nghệ thuật truyền thống này hay bởi những vai diễn đầy tình cảm trên màn ảnh nhỏ, và giờ đây là sự trở lại với vai trò diễn viên kịch nói của sân khấu 5B.
Người ta nhớ bà không chỉ trong những vai diễn đa màu sắc mà vai nào bà nhận là tròn trịa vai nấy. Xem phim bà, người ta sẽ thấy ngưỡng mộ người phụ nữ tuy được sinh ra trên mãnh đất võ – Bình Định nhưng lại giỏi nói tiếng Bắc trong phim Dù gió có thổi, sẽ mê mẫn bà bởi giọng nói rặt tiếng Quãng Nam ở Cú hích trên không, hay sẽ thương bà trong Vừa đi vừa khóc với chất giọng ngọt ngào của xứ sở miền tây nam bộ.
Thao thức với nghề
Nói sao cho hết cái niềm đam mê nghệ thuật của bà, cái sự cống hiến và những trăn trở, thao thức về một thế hệ nghệ sĩ vừa mới chập chững bước đi...
Bà trăn trở vì nghệ thuật cải lương bây giờ khó đi lên được nữa... Bà giải thích rằng “Nói về tác giả, tác phẩm và nghệ sĩ thì bây giờ không còn như ngày xưa nữa. Ngày đó, những cái tên như Phượng Liên, Ngọc Giàu, Lệ Thủy... chỉ cần nhắc đến là người ta lại nhớ và gắn với mỗi nhân vật trong một tác phẩm nào đó. Nhưng nghệ sĩ cải lương bây giờ, rủi cho họ là không có một tác phẩm nào định hình để gắn cái tài năng của họ vào cái nhân vật đó. Nên trong thời buổi này, những người thích cải lương dù rất muốn xem nhưng vẫn mong tìm lại cái hình ảnh của ngày xưa như nàng Hến trong Ngao Sò Ốc Hến phải nhất định là nghệ sĩ Phượng Liên... mà họ không nhớ ra những diễn viên mới bây giờ, mặc cho những diễn viên mới cũng đi thi, cũng đạt giải này giải nọ...”.
Một điều khiến bà trăn trở nữa là, thời đại bây giờ là thời đại thông tin, mọi thứ cứ ồ ạt và không theo một quy luật nhất định như ngày xưa nữa. Bà nói ngày xưa, được phong danh nghệ sĩ không phải đơn giản, họ phải lao động cật lực, hết mình và cống hiến thật nhiều cho nghệ thuật thì mới được công nhận.
Có nhiều nghệ sĩ mãi đến già mới dám nhận mình là nghệ sĩ. Trong khi bây giờ, điều đáng buồn là họ chỉ nhìn thấy hào quang chói lọi mà quên mất vị trí của mình đang ở đâu, nhằm người mới bước chân vào trường học đã tự nhận mình là nghệ sĩ... Thế nên từ những câu chuyện này khiến bà thao thức liệu rằng họ có dần đánh mất cái đam mê thật sự để rồi họ chỉ biết dựa dẫm, bước đi bằng những scandal do chính họ tạo ra với mục đích chủ yếu là được nổi tiếng hay không?.
Với bà, để một vở diễn thành công, không chỉ có diễn viên, mà còn phải nghĩ, nhớ và cảm ơn luôn cả những người đang âm thầm ở đằng sau cánh gà. Đó là ai? Là những người làm âm thanh, ánh sáng, hậu kì, những người đã nâng đỡ diễn viên khi đứng trên bục cao và đảm bảo cho sự an toàn tuyệt đối của họ.
Bà bảo cái tâm nghề là ở chổ mình phải biết chú ý đến những điều nhỏ nhất, chứ đừng nghĩ rằng mình lên sân khấu rồi, ánh đèn rọi thẳng vào mặt mình rồi thì mình là duy nhất, là nổi tiếng và thành công... Bà cũng không quên nhắc nhở những thế hệ trẻ bây giờ, làm sao để cái tâm luôn vững vàng và trọn vẹn bằng những hành động thiết thực, nên tôn trọng và yêu thương sự lao động thầm lặng cống hiến hết mình.
Bà còn cho biết thêm rằng, để diễn thành công ở một sân khấu kịch, đòi hỏi nghệ sĩ phải tập trung hết mức. Nếu so với sân khấu cải lương, diễn sân khấu kịch khó hơn gấp trăm lần. Ở sân khấu cải lương còn có nhạc, làn điệu này kia để diễn viên có khoảng thở... đằng này mọi người phải tập trung cao độ, diễn phải theo logic, nếu để “sai một li là đi luôn một...vở kịch”.
Bởi thế “Diễn viên trẻ nhất của vở kịch” đã luôn khiến khán giả phải nể phục cái tài năng diễn xuất lẫn nhiệt huyết của mình bằng sự tinh tế trong cách diễn, vững vàng trong tâm thế và nhạy bén trong cách xử lí tình huống...
Nỗi buồn vương mang
Người con gái đất võ tài năng, xinh đẹp như bà luôn thu hút ánh nhìn từ người đối diện. Khuôn mặt hiền, nụ cười thân thiện là những gì mà người ta nhớ mỗi khi nhắc về bà. Gặp đồng hương, bà như bắt được nhịp, chẳng còn ngần ngại, bà lại kể chuyện ngày xưa... Những câu chuyện có cả nụ cười lẫn nước mắt...
Đó là câu chuyện về cuộc đời, về những khó khăn, gian khổ, về thời bom rơi bão đạn, hay những kỉ niệm thời bé thơ cũng từ đây được bật dậy. Có nhiều người thắc mắc, không biết Lê Thiện là người xứ nào, sinh ra ở đâu mà mỗi giọng nói của bà ở mỗi miền khác nhau đều “thật như thật”.
Thì ra, bà có biệt tài giả giọng. Một chút thông minh, một chút tinh tế, nhạy bén... đi đến đâu bà nhìn một chút, tìm hiểu một chút, học hỏi một chút để có được một Lê Thiện như ngày hôm nay.
Sinh ra ở Bồng Sơn - Bình Định, mười mấy tuổi bà một mình tập kết ra Bắc rồi trở thành diễn viên ngoài ấy một thời gian, sau đó vài năm bà trở về nhà và vào Sài Gòn sinh sống cho đến tận bây giờ.
Thế nhưng bà chưa một lúc nào thôi nghĩ về quê cha đất tổ. Bà bảo bao nhiêu năm sống nơi đất khách bà thèm món rau luộc, cá kho, thèm những món bánh truyền thống của quê nhà mà ở nơi này hiếm một lần nào bắt gặp.
Người ta bảo, nghệ sĩ ăn ngon, mặt đẹp, sống giàu sang... nhưng khi đối diện với bà, cái hình ảnh mộc mạc, giản dị từ con người đến không gian sống đúng chất “xứ nẫu” lại làm người ta thôi ý nghĩ ngại ngần hay xa cách bởi 2 chữ “nghệ sĩ”.
Trong mấy năm gần đây và cả bây giờ, bà bảo chưa bao giờ có khái niệm về ngày Tết. Vì với bà, ngày tết không có gì đặc biệt ngoài việc làm cơm cúng ông bà. Các con thì ngày Tết vẫn phải làm việc, bà thì vẫn phải đi diễn... Tết với bà phải là những ngày sau mùng 10 trở đi.
Nhưng ở cái đất Sài Gòn này, Tết chẳng còn hương vị gì nữa. Thế nên bà thèm được về lại quê hương, về với “xứ nẫu” để một lần nữa được cảm nhận cái mùi hương hoa thọ vàng trước hiên, nhìn màu bình yên trên những tán cây, ngọn cỏ... và thênh thang bước trên bãi cát vàng, bên hàng dừa xanh...
Về lại, để một lần nữa được ăn cái món “nghèo khổ” của ngày xưa mà nhớ, mà thương... Nhắc đến, bà lại ngồi nuốt nước miếng vào trong... Ngộ nhỉ?!
Oanh Thủy - Ảnh: Tư liệu