Thời cuộc biến đổi, lịch sử chuẩn bị sang trang mới. Năm 1953, Ngô Đình Diệm, một người thuộc gia đình quan lại, phong kiến gốc Huế, đồng thời là con bài chính trị mới trên bàn cờ lịch sử của Mỹ đang sắp xếp. Lúc này ông Diệm chuẩn bị rời Mỹ, sang Bỉ rồi tới Pháp theo lộ trình vận động cho việc trở về Việt Nam nắm quyền thủ tướng theo chế độ Quân chủ lập hiến trên có Bảo Đại ngồi ghế Quốc trưởng làm… bù nhìn.

Bí ẩn bài hát Hoa trinh nữ: Kỳ 8

Một Thế Giới | 10/02/2015, 21:09

Thời cuộc biến đổi, lịch sử chuẩn bị sang trang mới. Năm 1953, Ngô Đình Diệm, một người thuộc gia đình quan lại, phong kiến gốc Huế, đồng thời là con bài chính trị mới trên bàn cờ lịch sử của Mỹ đang sắp xếp. Lúc này ông Diệm chuẩn bị rời Mỹ, sang Bỉ rồi tới Pháp theo lộ trình vận động cho việc trở về Việt Nam nắm quyền thủ tướng theo chế độ Quân chủ lập hiến trên có Bảo Đại ngồi ghế Quốc trưởng làm… bù nhìn.

Ngô Đình Diệm tới Pháp là có mục đích yết kiến Quốc trưởng Bảo Đại để ra mắt theo đúng đạo quân thần và bái lạy thề trung thành với triều đình nhà Nguyễn bởi Bảo Đại đang có mặt ở lâu đài Thorence (Cannes). Ngày 16-6-1954 Bảo Đại ký sắc lệnh số 38/QT bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng với toàn quyền quyết định việc nước thay mặt cho Quốc trưởng.
Gian nan đường tiến thân của anh lính hoàng tộc
Nhưng chỉ cần một thời gian rất ngắn, hơn một năm sau đó Ngô Đình Diệm đã dùng thủ đoạn chính trị bằng chiêu bài “trưng cầu ý dân” để truất phế Bảo Đại lên nắm giữ quyền lực tối cao. Với kết quả phiếu bầu chọn của dân: Ngô Đình Diệm 98,2% phiếu tín nhiệm, trong khi Quốc trưởng Bảo Đại chỉ có 1,1% phiếu, đương nhiên Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống của nền đệ nhất Cộng hòa miền Nam Việt Nam và ông ta đã tuyên bố nhậm chức vào ngày 26-10-1955.
Sau khi trở thành tổng thống, để củng cố quyền lực Ngô Đình Diệm đã tìm cách loại bỏ dần những người không ăn cánh với nhà Ngô, thân Pháp và còn trung thành với Bảo Đại mà Vĩnh Lộc là một cái tên được soi xét nhiều nhất và đứng đầu tiên trong danh sách “đen”. Diệm quyết loại bỏ Vĩnh Lộc vì ông ta vừa thân Pháp vừa là hoàng tộc, anh em cật ruột với Bảo Đại.
Tuy nhiên cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu đã khuyên ông anh không cần phải loại bỏ Vĩnh Lộc mà giữ ông ta lại để làm “cảnh” cho chế độ nhà Ngô vì nếu không sẽ mang tiếng cạn tàu ráo máng với Pháp và với cựu hoàng. Lý do Nhu đưa ra để thuyết phục Diệm không loại bỏ Vĩnh Lộc vì Nhu biết tõng ông ta là kẻ ham chơi, chỉ muốn vinh thân phì da, là kẻ phù thịnh chứ không phù suy. Một con người như thế thì chẳng có gì nguy hiểm. Nhưng giữ Vĩnh Lộc lại không phải để trọng dụng ông ta mà cho…đi học dài hạn rồi về giao cho giữ những chức vụ “khơi khơi” theo kiểu ngồi chơi xơi nước. Thế là năm 1955 Vĩnh Lộc được cử đi học khóa chỉ huy và tham mưu cao cấp tại Mỹ. Khi về nước Vĩnh Lộc được bổ nhiệm làm giảng viên Trường Đại học Quân sự, dạy học 4 năm ròng mới được thăng cấp thiếu tá và đeo lon này suốt 6 năm mới được thăng trung tá vào năm 1960 và làm Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp nơi huấn luyện tân binh quân dịch.
Gió đổi chiều Vĩnh Lộc lên như diều gặp gió
Thời thế lại đổi thay, sau 9 năm cai trị miền Nam việt Nam bằng chế độ độc tài, gia đình trị. Cuối năm 1963 nhà Ngô sụp đổ bằng một cuộc đảo chánh quân sự, anh em Diệm Nhu bị giết, phe tướng lãnh lên nắm quyền, rồi liên tiếp xảy ra những cuộc đảo chánh, chỉnh lý để tranh giành quyền lực. Cuối cùng Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống của nền đệ nhị cộng hòa. Do được lòng của Trung tướng Đặng Văn Quang phụ tá An ninh đồng thời là cậu vợ của Nguyễn Văn Thiệu nên đường công danh của Vĩnh Lộc lên như diều gặp gió. Đầu tiên Vĩnh Lộc được thăng cấp đại tá, ngoi lên chức Tham mưu phó hành quân Bộ Tổng tham mưu. Và rồi chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 3 năm, từ tháng 11-1963 đến tháng 10-1966, từ đại tá, Vĩnh Lộc phóng cái ào lên… trung tướng nắm luôn chức Tư lệnh quân khu 2 kiêm Tư lệnh vùng 2 chiến thuật.
Để bước vào con đường hoạn lộ rộng thênh thang này, trước tiên vào đầu năm 1964 Vĩnh Lộc được Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm làm Tư lệnh sư đoàn 9 Bộ binh, kiêm Tư lệnh Biệt khu 41 gồm các tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc, Kiến Phong (Đồng Tháp) và thăng hàm chuẩn tướng. Nắm binh quyền trong tay, Vĩnh Lộc thả sức… cua gái và lộ máu ghen hơn đàn bà. Bấy giờ, dưới quyền Vĩnh Lộc có một đại đội Tâm lý chiến trực thuộc sư đoàn, trong đó có mấy toán chỉnh huấn và một Ban văn nghệ. Quân số của Ban văn nghệ gồm các em ca sĩ trẻ đẹp làm việc theo hợp đồng dưới dạng công chức quốc phòng. Những em ca sĩ “nửa nạc nửa mỡ” này đảm nhiệm việc đi lưu diễn phục vụ văn nghệ cho lính sư đoàn đóng quân rải rác các nơi hoặc phụ vụ ở hậu cứ khi các đơn vị về dưỡng quân. Nhưng nhiệm vụ thường trực là biểu diễn giúp vui vào mỗi tối thứ bảy tại Câu lạc bộ Sĩ quan Sư đoàn tại Sa Đéc để các tướng, tá ăn chơi, nhảy nhót gọi là giải trí cuối tuần. Chuẩn tướng Vĩnh Lộc đã say mê một em ca sĩ trong Ban văn nghệ tên là Hoàng Yến, chỉ mới 18 tuổi.
Trước đó, vào hôm Hoàng Yến mới xin vào Ban văn nghệ sư đoàn và còn đang cho thử giọng tại hội trường, bất ngờ chuẩn tướng, Tư lệnh Sư đoàn đi ngang qua, trông thấy cô gái trẻ đẹp Vĩnh Lộc như bị hớp hồn vội tấp vào xem với mục đích “thả dê”. Để chứng tỏ uy quyền của một viên tư lệnh với người đẹp, không cần biết Hoàng Yến có hát được hay không, Vĩnh Lộc lệnh cho thuộc cấp nhận ngay Hoàng Yến vào Ban văn nghệ rồi từ hôm đó cô “ca sĩ” này chỉ “hát” riêng cho Tư lệnh nghe trong những lúc chỉ có hai người.
(còn tiếp)
Từ Kế Tường
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phát triển đồng bằng sông Hồng: Phải thoát tư duy cũ, chú trọng đổi mới sáng tạo
13 phút trước Nhịp đập khoa học
Phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của vùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí ẩn bài hát Hoa trinh nữ: Kỳ 8