Bị cáo Nguyễn Đức Chung khẳng định chưa bao giờ bàn bạc với bất cứ ai, không có một xu nào sở hữu trong Công ty Arktic.
Chiều 20.6, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục tiến hành phiên tòa phúc thẩm, xét đơn kháng cáo kêu oan của cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C.
HĐXX đã làm rõ mối quan hệ giữa bị cáo Nguyễn Đức Chung và Công ty Arktic. Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty Arktic), những nội dung liên quan đến Công ty Arktic đều do bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo.
Phán bác lời khai này, bị cáo Chung cho rằng bản thân ông được biết các lần chuyển nhượng của Công ty Arktic chỉ khi làm việc với CQĐT, còn lại trước đó ông không biết.
Bị cáo Chung khẳng định không chỉ đạo bị cáo Giang phải mua sản phẩm của Công ty Watch Water (Đức). Theo lời khai của bị cáo Chung, khi ông Chopra (Tổng giám đốc Công ty Watch Water) sang Việt Nam có đặt vấn đề chuyển giao toàn bộ công nghệ lọc nước, việc liên quan đến Redoxy-3C là do ông Chopra đặt vấn đề với bị cáo.
Cụ thể, theo lời khai của bị cáo Chung tại tòa, liên quan đến công nghệ xử lý nước thải, ông Chopra có nói là có thể xử lý được cả chất thải rắn, vì vậy muốn đầu tư… Tuy nhiên, việc này phải hoãn lại vì lý do khách quan. Sau này, bị cáo có giao cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư Hà Nội làm việc. Ông Chopra chọn lựa giữa 2 hình thức: đầu tư trực tiếp 100%, hoặc liên danh với Nguyễn Trường Giang. Toàn bộ thủ tục mua bán, bị cáo Chung nói “không biết”.
Theo giải trình của bị cáo Chung, Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm là dưới hình thức đặt hàng, điều này hoàn toàn đúng theo quy định. Việc tập thể UBND TP đồng ý sử dụng chế phẩm này phục vụ cho xử lý nước thải là hoàn toàn đúng thẩm quyền của ủy ban.
“Không bao giờ hỏi công việc của vợ”
Liên quan đến Công ty Arktic (đang bị cáo buộc là công ty của gia đình bị cáo Chung), cựu Chủ tịch Hà Nội khẳng định: “Tôi không bao giờ hỏi công việc của vợ. Tháng 7.2016, tôi có rất nhiều công việc, đi công tác nước ngoài, họp hành triền miên, trong khoảng thời gian này, tôi chắc chắn con trai tôi không về nước. Con trai và vợ không hề bàn bạc với tôi về việc thành lập Công ty Arktic”.
Cùng với đó, bị cáo Chung cũng nhấn mạnh việc không nhờ ai đứng tên trong Công ty Arktic; chưa bao giờ bàn bạc với Nguyễn Trường Giang về việc chuyển nhượng cổ phần.
Trong phần thẩm vấn đối với bị cáo Chung, HĐXX cũng cho biết HĐXX đã đọc đơn giải trình của bị cáo nhưng HĐXX thấy có nhiều nội dung không liên quan đến nội dung vụ án này. Với lời khai của bị cáo Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng đã thấy được sự chỉ đạo của bị cáo.
Liên quan đến thiệt hại của vụ án đang bị quy kết là 36 tỉ đồng, theo bị cáo Nguyễn Đức Chung, trong bản giải trình và theo quan điểm hôm nay, bị cáo chưa chấp nhận, không chấp nhận giá trị thiệt hại.
“Tôi không bao giờ chấp nhận giá trị thiệt hại mà HĐXX sơ thẩm đã định ra một cách sai trái. Tôi cho rằng thẩm phán đã tự định ra thiệt hại là 36 tỉ đồng là trái pháp luật. Tôi đề nghị HĐXX phúc thẩm cho trưng cầu giám định định giá tài sản, xác định thiệt hại vụ án; nếu có thiệt hại, tôi xin khắc phục ngay”, cựu chủ tịch nói trước tòa.
Lúc này, HĐXX nêu rõ theo quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp cần xác định, thì không cần giám định. Tuy nhiên, HĐXX sẽ xem xét.
Cuối phần thẩm vấn, bị cáo Chung khẳng định chưa bao giờ bàn bạc với bất cứ ai, không có một xu nào sở hữu trong Công ty Arktic nên mong HĐXX xem xét công tâm.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic (công ty trung gian do Nguyễn Trường Giang làm giám đốc) là công ty gia đình, với động cơ vụ lợi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là hơn 36 tỉ đồng.