Facebook cho biết rằng sẽ chặn người dùng ở Úc chia sẻ tin tức trên Facebook và Instagram nếu một đạo luật gây tranh cãi buộc những gã khổng lồ công nghệ như họ và Google phải trả tiền cho các nhà xuất bản để phân phối một phần nội dung, được thông qua vào mùa thu này.
Đây là nỗ lực cuối cùng của Facebook để ngăn chặn việc ban hành luật, điều mà công ty này cho rằng sẽ gây hại cho các nhà xuất bản nhiều hơn chính họ.
Theo New York Times, những thay đổi được đề xuất ở Úc có thể góp phần vào việc lan truyền thông tin sai lệch trên Facebook vì tin tức từ các nguồn hợp pháp sẽ khó tìm thấy hơn.
Facebook cho rằng các điều khoản thanh toán rộng rãi của luật pháp Úc có khả năng kết thúc bằng việc yêu cầu họ phải trả quá nhiều tiền cho một lượng nội dung tương đối khiêm tốn và mạng xã hội này cũng cảnh giác với việc thiết lập một tiền lệ rộng rãi.
Các cơ quan quản lý ở Úc đã công bố dự thảo quy tắc ứng xử vào ngày 31.7, cho thời gian tham vấn kéo dài gần một tháng, kết thúc hôm 28.8. Luật cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra Quốc hội Úc ngay sau khi kết thúc quá trình tham vấn này, Ủy ban Cạnh tranh & Người tiêu dùng Úc cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang Axios, Giám đốc đối tác tin tức toàn cầu của Facebook, Campbell Brown nói rằng nhóm sản phẩm và kỹ thuật của công ty sẽ dành vài tháng tới để xây dựng các hệ thống cho phép họ tuân thủ luật bằng cách hạn chế chia sẻ nội dung tin tức trên nền tảng của mình.
“Chúng tôi đang xem xét một số thứ. Rất nhiều điều nằm trong mã. Chúng tôi đang cố gắng tuân thủ cách nó được viết. Trong một số trường hợp, nó đề cập cụ thể đến các nhà xuất bản. Vì vậy, chúng tôi có thể xem xét các nhà xuất bản được tham chiếu trong mã, nội dung của họ được chia sẻ và đi từ đó", Campbell Brown nói.
Trong một bài đăng trên blog hôm qua, Will Eason, Giám đốc điều hành của Facebook tại Úc và New Zealand, viết rằng luật này "hiểu sai về động lực của internet và sẽ gây thiệt hại cho các tổ chức tin tức mà chính phủ đang cố gắng bảo vệ”.
Will Eason nói: "Luật được đề xuất là chưa từng có và tìm cách điều chỉnh mọi khía cạnh về cách các công ty công nghệ kinh doanh với các nhà xuất bản tin tức”. Theo Will Eason, các cơ quan quản lý ở Úc buộc Facebook phải trả tiền cho các tổ chức tin tức về nội dung mà nhà xuất bản tự nguyện đặt trên nền tảng của họ.
Will Eason cho rằng giải pháp mà các cơ quan quản lý Úc giúp các nhà xuất bản xây dựng doanh nghiệp bền vững trực tuyến đã "phản tác dụng". Lý do vì các cơ quan quản lý cạnh tranh của Úc đã đoán sai rằng Facebook có lợi nhất trong mối quan hệ với các nhà xuất bản, trong khi đó "thực tế thì ngược lại".
"Tin tức đại diện cho một phần nhỏ những gì mọi người nhìn thấy trong News Feed của họ và không phải là nguồn thu đáng kể cho chúng tôi", Will Eason viết.
Will Eason cho rằng tin tức có sẵn trên Facebook sẽ giúp các nhà xuất bản mở rộng phạm vi tiếp cận quảng cáo và bán được nhiều quảng cáo, lượt đăng ký hơn.
"Trong năm tháng đầu năm 2020, chúng tôi đã gửi 2,3 tỉ lần nhấp từ News Feed của Facebook trở lại các trang web tin tức của Úc miễn phí - lưu lượng bổ sung trị giá khoảng 200 triệu USD cho các nhà xuất bản ở Úc", Will Eason chia sẻ.
Một nguồn tin đã xác nhận với Axios vào tuần trước rằng công ty mạng xã hội Mỹ có khả năng sẽ không tung ra thẻ Facebook News ở Úc trong tương lai gần vì cuộc chiến với các cơ quan quản lý nước này.
Thẻ News mà Facebook đang mở rộng trên toàn cầu là nơi trả tiền cho các nhà xuất bản được tuyển chọn. Các hợp đồng thanh toán khác nhau tùy thuộc vào quy mô, phạm vi của nhà xuất bản và không có gì ngăn được Facebook thay đổi cấu trúc thanh toán theo thời gian.
Nếu Úc thông qua luật và trở thành một hình mẫu cho những nước khác trên toàn thế giới, các nhà xuất bản hy vọng cách tiếp cận này sẽ tạo ra một sự thúc đẩy đáng kể cho ngành công nghiệp tin tức, đặc biệt là tin tức địa phương vì đang đối mặt với sự suy giảm tài chính.
Lịch sử cho thấy những gã khổng lồ công nghệ không tuân thủ tốt loại luật này và thà rút khỏi một quốc gia hoàn toàn hơn là buộc phải trả tiền cho các nhà xuất bản theo các điều khoản do các nhà lập pháp đặt ra.
Tây Ban Nha đã thông qua một biện pháp tương tự vào năm 2014 khiến Google News phải rời khỏi nước này.
Pháp đang xem xét một luật liên quan, yêu cầu Google trả tiền cho các nhà xuất bản để giới thiệu đoạn trích hoặc bản xem trước nhỏ về nội dung của họ trong tìm kiếm.
Giống như Úc, Pháp đã yêu cầu các công ty công nghệ đàm phán với các nhà xuất bản hoặc đối mặt với việc bị quản lý.
EU đã thông qua luật bản quyền sâu rộng vào năm 2019 yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các quy tắc buộc các gã khổng lồ công nghệ phải trả tiền cho các nhà xuất bản. Google đã đe dọa rút dịch vụ News khỏi EU nếu các quốc gia thành viên tuân thủ quy tắc này.
Đạo luật trên ở Úc là một phần của nỗ lực toàn cầu mang lại lợi ích cho người sáng tạo nội dung khi đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường quảng cáo, khiến hàng nghìn công ty truyền thông địa phương và quốc gia phải ngừng hoạt động. Thế nhưng, Campbell Brown nói rằng không thấy hành động này sẽ mở rộng ở những nơi khác.
“Úc là một nước ngoại lệ. Điều này không ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ về tin tức hoặc cam kết của chúng ta đối với tin tức", cô nói.
Nhân Hoàng