Nếu như SAM-3 và khí tài ngày ấy về kịp thì có lẽ cục diện chiến dịch Điện Biên Phủ trên không đã khác. Với SAM-3, cuộc đánh trả và chiến thắng B-52 sẽ còn ngoạn mục hơn. Và có lẽ, những đồng đội tôi dẫu phải hy sinh nhưng sẽ ở một tư thế khác!
Góc khuất cuộc chiến
Những ngày ác liệt Hà Nội đánh B-52, nhiều người sau này đều biết chúng ta chỉ có tên lửa SAM-2 mà tới những ngày cuối chiến dịch Linebacker II (cứu nguy khung thành) cơ số đạn cũng gần cạn!
Thời điểm đó ta đã có tên lửa SAM-3 với tính năng vượt trội hiệu suất tiêu diệt B-52 rất cao không?
Câu trả lời là: dở không, dở có!
Câu chuyện sau đây là một bi kịch chiến tranh!
Tôi đã gặp cựu binh Hoàng Tích Lạc.
Có thể nói ông Lạc, Hoàng Tích Lạc, được may mắn vây bọc trong một gia đình danh giá. Cụ thân sinh và cả nhạc phụ ông nữa ta đều có thể tìm thấy nhiều dòng trong Wikipedia. Hoàng Tích Lạc là con trai thứ 3 của cụ Hoàng Tích Trí, Giáo sư bác sĩ, đại biểu QH khóa I, một chuyên gia hàng đầu về ngành vi trùng học, từng học ở Paris, sau đó là Bộ trưởng Bộ Y tế nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ năm 1946 đến năm 1958 (năm giáo sư qua đời) Cả 4 người con của cụ Hoàng Tích Trí đều theo ngạch y dược. Người chú và một người anh ruột của ông Lạc đều được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông Lạc nhiều năm là Tổng giám đốc Tổng công ty thiết bị Bộ Y tế. Nhạc phụ ông Lạc là Giáo sư bác sĩ, thiếu tướng Vũ Văn Cẩn, nguyên Cục trưởng Cục Quân y rồi Bộ trưởng Bộ Y tế. Tấm giấy khai sinh của ông Hoàng Tích Lạc cũng khá lạ, bởi hai người làm cái việc chứng sinh và ký vào giấy là hai danh nhân nước Nam ta, bác sĩ Vũ Đình Tụng và bác sĩ Vũ Văn Cẩn.
Được bao bọc một cách may mắn như thế, nhưng như bao chàng trai Hà Nội khác, anh sinh viên Trường đại học Bách khoa HN, ở tuổi 20, Hoàng Tích Lạc năm 1968 nhập ngũ. Lo xa tính chắc, có thể nói cơ chế nước mình đã ưu ái cung đốn cho Quân chủng Phòng không – Không quân non trẻ thời điểm những năm giữa 60 ấy những thanh niên ưu tú cả về học vấn lẫn sức khỏe, sớm làm chủ được các loại vũ khí, khí tài hiện đại để đương đầu đối chọi với một kẻ thù được trang bị vũ khítối tân. Nhiều đợt bổ sung quân cho Quân chủng là những kỹ sư, sinh viên ưu tú của nhiều trường đại học trong nước và ở nước ngoài về.
Qua ông Lạc, tôi gặp được một vị cựu binh, đại tá Nguyễn Ngọc Quý nhập ngũ năm 1965 (học cùng lớp ở Đại học Bách khoa với anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều). Thêm chi tiết, ông Quý quê Thái Bình, gọi nhà văn Chu Văn là chú ruột.
Mùa xuân năm 1972 (ông Quý đến lúc ấy đã có nhiều năm là cán bộ giảng dạy khoa Tên lửa, Học viện Kỹ thuật quân sự) thiếu úy Nguyễn Ngọc Quý đang giảng cho khóa 2 đào tạo chuyên ngành tên lửa phòng không cho một đơn vị bộ đội đóng ở gần thị xã Vĩnh Yên thì có chiếc xe con từ Hà Nội lên đón, đi nhận nhiệm vụ đột xuất. Thày trò trong trường đều nghĩ thiếu úy Quý đi B. Nhưng về Hà Nội, ông Quý mới được biết Ban Giám hiệu Học viện cử một số giáo viên thạo tiếng Nga và am hiểu kỹ thuật tên lửa nhập vào 2 trung đoàn lên lửa của Quân chủng PK-KQ sang Liên Xô học chuyển loại khí tài mới và trực tiếp nhận khí tài về Hà Nội. Nhiệm vụ ấy được coi là tuyệt mật. Cán bộ chiến sĩ cả 2 trung đoàn không được phép viết thư cho người thân kể cả người nhà, không cho biết đi đâu, làm gì… Hoàng Trong Lạc (khi đó là kỹ sư đang công tác tại Viện Y học hàng không cũng được điều động gấp về trung đoàn, chủ yếu làm nhiệm vụ phiên dịch), cùng đơn vị với Nguyễn Ngọc Quý.
Đêm ấy, 2 trung đoàn lèn chặt trên các xe tải quân sự bí mật hành quân ngược bắc. Vượt biên giới Việt-Trung, đến ga Bằng Tường toàn bộ quân phục bỏ lại thay bằng đồ com lê cà vạt. Tất cả lên tàu hỏa trực chỉ hướng Bắc Kinh. Rồi từ Bắc Kinh tàu chạy xuyên ngày xuyên đêm thẳng tới Trung tâm huấn luyện tên lửa Sitenchai gần thủ phủ Bacu của Azecbaizan.
Làm chủ “Át” để trị át chủ bài
Đại tá Quý kể lại rành rọt buổi sáng ấy trung đoàn được diện kiến vị đại tá trưởng trung tâm Sitenchai cao to có chất giọng sang sảng. Đại tá nói thẳng băng, đại ý xin chào các chiến sĩ quân đội NDVN bé nhỏ nhưng anh hùng! Tôi xin nói trước, để làm chủ vũ khí khí tài hiện đại này, các bạn phải mất ít nhất 18 tháng. Nhưng các bạn chỉ yêu cầu có 8 tháng thì thật tình, tôi rất ái ngại. Vậy để hoàn thành nhiệm vụ, các đồng chí phải cố gắng thật cật lực!
Vị thiếu tá, chính ủy phụ trách quân ta khi đó đã đứng lên dõng dạc ngắn gọn dứt khoát rằng vì Tổ quốc, vì miền Nam ruột thịt, không chỉ 8 tháng mà chúng tôi xin quyết tâm hoàn thành trong thời gian ngắn nhất có thể.
Và thế là khởi đầu cho một cuộc đua nước rút. Học ngày học đêm. Học và thực tập mọi nơi, mọi lúc. Tiếng là được sang học nước ngoài nhưng cán bộ chiến sĩ trung đoàn không được đi tham qua ngắm ngó đâu cả. Vì thế cánh phiên dịch như Hoàng Trọng Lạc cứ bở cả hơi tai, trừ mỗi khi ngủ, chứ kể cả lúc ăn, ngày đêm theo sát giảng viên và đồng đội.
...Ông Lạc bảo, vâng, mãi đến khi ấy, chúng tôi mới được tận mắt tận tay tiếp cận với loại vũ khí khí tài đặc biệt có tên là SAM-3 này.
Qua đại tá Quý, tôi được biết thêm, ngày 1.5.1960 tên lửa SAM-2 được sử dụng trong tác chiến lần đầu tiên tại Liên Xô. Tại tỉnh Sverdlovsk của Liên Xô, đơn vị tên lửa SAM-2 đó bắn rơi một chiếc U-2 trinh thám của Mỹ, bắt sống phi công Francis Gary Powers. Năm 1958, hệ thống SAM-2 được Liên Xô viện trợ cho Trung Quốc. Ngày 7.10.1961, đơn vị tên lửa SAM-2 của Trung Quốc tại vùng Hạ Môn bắn rơi một máy bay trinh sát RB-57 của không quân Đài Loan. Ngại SAM-2, trong những năm tiếp theo, Đài Loan đã phải chấm dứt các chuyến bay trinh sát vào vùng trời Trung Quốc.
Tháng 10.1962, xảy ra vụ khủng hoảng tên lửa tại Cuba, các đơn vị SAM-2 do chuyên gia Liên Xô điều khiển cũng bắn rơi một máy bay U-2 của Mỹ.
Tên lửa SAM-2 có mặt tại các trận địa phòng không miền Bắc vào ngày 27.3.1965 do Liên Xô và Việt Nam ký hiệp nghị viện trợ quân sự, trong đó Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 4,5 cơ số tên lửa SAM-2 (54 quả) cùng toàn bộ khí tài, trang bị kỹ thuật kèm theo để thành lập 2 trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Trong chiến tranh, tên lửa SAM-2 là một trong những vũ khí phòng không chủ lực để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và một số trọng điểm khác. Ngày 24.7.1965, hai tiểu đoàn tên lửa 63, 64 của trung đoàn tên lửa 236 (Đoàn Sông Đà) trong trận đầu xuất quân có sự tham gia của chuyên gia Liên Xô do các thiếu tá Boris Mojayev và Ivan Ylinysh hướng dẫn điều khiển đã bắn rơi tại chỗ một chiếc F-4C trên vùng trời Hà Tây - Hòa Bình.
Bộ đội tên lửa Việt Nam thời chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc - Ảnh: Tư liệu/Internet
Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc 1964-1968 và 1972, các đơn vị tên lửa SAM-2 đã đánh 3.542 trận, có 588 trận ban đêm, phóng 5.885 quả đạn, bắn rơi 788 máy bay Mỹ, 366 chiếc rơi tại chỗ, trong đó có 43 máy bay B-52, bình quân 7,1 quả đạn diệt được 1 máy bay.
Cũng cần nói thêm, sở dĩ Mỹ có những cải tiến đối phó với SAM-2 gây rất nhiều khó khăn và tổn thất cho bộ đội phòng không của ta, duyên do khoảng năm 1967, quân đội Ai Cập không chịu nổi cuộc tấn công của các binh đoàn thiết giáp Israel đã tháo chạy khỏi sa mạc Sinai bỏ lại hơn 20 bộ khí tài SAM-2 (còn gọi là C-75) do Liên Xô viện trợ. Từ những thứ chiến lợi phẩm đó, rất thính nhạy, guồng máy kỹ thuật quân sự của Lầu Năm Góc đã hoạt động tối đa. Chỉ mấy tháng sau, ngày 15.12.1967, có 44 phi vụ máy bay cường kích Mỹ đánh phá cầu Đuống. Các tiểu đoàn tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội phóng lên 8 quả đạn nhưng đều không điều khiển được, hoặc rơi xuống đất, hoặc vượt mục tiêu tự hủy. Sở dĩ có hiện tượng trên là do không quân Mỹ đã chế ra máy phát nhiễu ALQ-71 gây nhiễu toàn bộ rãnh sóng điều khiển đạn tên lửa và rãnh sóng xung trả lời của đạn (gọi chung là nhiễu rãnh đạn). Nhưng vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn, bộ đội phòng không Việt Nam phối hợp với các chuyên gia Liên Xô phát hiện ra dải tần số và cường độ của loại nhiễu này. Ta đã khắc phục bằng phương pháp át nhiễu, nâng công suất sóng trả lời của đạn và sóng điều khiển đạn lên gấp 3 lần, đủ sức vượt qua cường độ nhiễu.
Tiên liệu Mỹ chỉ thua trên bầu trời Hà Nội khi chỉ dùng át chủ bài B-52 đánh Hà Nội của cụ Hồ đã khiến Quân chủng Phòng không - Không quân có thời gian chuẩn bị. Để đối phó hữu hiệu với B-52, ngoài SAM-2, liệu có muộn không khi 2 trung đoàn của quân chủng sang Liên Xô thời điểm đó? Có lẽ chả nên đặt câu hỏi đại loại như thế vào thời điểm nhạy cảm ấy. Dù sao hai trung đoàn của Quân chủng đã có mặt ở Sitencha học SAM-3...
Tiếc nuối
Chuyện với hai vị cựu binh tên lửa, biết thêm một điều thú vị. Bên phương Tây trần thùi lụi gọi thứ vũ khí không đối đất này là SAM (Surface to Air Missle) Nhưng người Nga đặt cho thứ tên lửa do Liên Xô sản xuất bắt đầu bằng những cái tên hơi bị thơ mộng, tên những dòng sông. Chẳng hạn như SAM-2 là Đơvina- 75 (Đơvina là tên một dòng sông), tương tự SAM-3 là C-175 (Neva 175)…
Cũng theo đại tá Nguyễn Ngọc Quý, SAM-3 là hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô nhằm bổ sung cho SAM-2. Nếu chép ra những thông số kỹ thuật e mất thời giờ của bạn đọc. Tóm lại SAM-3 có nhiều tính năng vượt trội so với SAM-2. Tầm bắn hiệu quả hơn, cơ động dễ dàng hơn, có hiệu quả hơn khi chống lại các mục tiêu di động. Nó cũng có khả năng tấn công các mục tiêu bay thấp hơn. Đặc biệt nó có khả năng chống lại hệ thống đánh lạc hướng điện tử tốt hơn so với thế hệ SAM-2, v.v... SAM-3 được triển khai lần đầu vào khoảng thời gian 1961-1964 xung quanh thủ đô Moskva nhằm bổ sung vào hệ thống phòng không.
SAM-3 được liên tục cải tạo. Sau đó một phiên bản nâng cấp của hệ thống có tên là S-125M (Neva-M) và sau này là S-125M1 (Neva-M1) đã được chế tạo.
Vẫn câu chuyện của ông Lạc, ông Quý. Qua những tháng miệt mài ngày đêm khổ luyện, các học viên đã ra trường bắn để thực tập bắn đạn thật, tập bắn mục tiêu giả. Tin vui loang nhanh, sau khi nghiệm thu khí tài và kỹ thuật, bạn đã đồng ý cho ký kết việc tiếp nhận trang bị. Một cảm giác bồi hồi sung sướng khi thiếu úy Quý được sĩ quan điều khiển của bạn mời ký vào một vị trí dễ nhận trên mặt một thiết bị. Các giáo viên bắt tay, vỗ vai Quý nói rằng chữ ký trên khí tài này sẽ theo Quý và các sĩ quan về trận địa tên lửa phòng không SAM-3 ở Bắc Việt Nam!
Đường về như ngắn hơn. Khi đó ai cũng nghĩ, chỉ khoảng nửa tháng nữa thôi là những quả tên lửa SAM-3 và toàn bộ khí tài theo đường sắt liên vận về đến ga Đông Anh. Đêm 8.12.1972, trong đội hình của 2 trung đoàn tên lửa SAM-3, tiểu đội của Quý, Lạc được chuyển về đóng quân ở huyện Đông Anh, xã Vân Nội - Uy Nỗ. Lệnh trên cấm trại để đảm bảo bí mật. Không khí trận mạc đã phảng phất đâu đây. Nóng ruột nhất có lẽ là thiếu úy Trần Quốc Dung. Dung từng tốt nghiệp xuất sắc khoa Vật lý lý thuyết, Trường ĐH Lomonosov (Liên Xô), về nước mới nhập ngũ. Biết những quả đạn SAM-3 chả thể có cánh mà bay về nhưng Dung cứ nóng ruột đòi cấp trên phải đưa tiểu đội anh về một đơn vị chiến đấu. Thêm một tin làm cả tiểu đội vui mừng: Dung vừa nhận được tin vợ đẻ con trai. Một cuộc liên hoan nhẹ của cả tiểu đội chiều 18.12 vừa kết thúc thì cả một vùng ngoại thành như trời long đất lở khởi đầu cho cuộc tập kích của B-52.
Ngồi trong căn hầm chữ A, cả tiểu đội sục sôi những bàn luận cùng tâm trạng. Có những lúc họ nhoài lên nóc hầm. Ngó những vệt SAM-2 đỏ khé vút lên, Quý rên lên “trời ơi, giá như lúc này có bộ khí tài PK và tổ hợp tên lửa SAM-3 mà về kịp thì bọn B-52 chúng mày còn khốn”. Tiếng Sơn, Oanh bảo nhau “chúng mày tính xem, trần bay trên dưới 10km, xác suất tiêu diệt 2 quả đã tới trên 0,82 thì B-52 cứ gọi là rụng như sung”. Tiếng Huỳnh “tao cho là cấp trên đã tính trước nên trên mới điều chúng mình về gấp như thế này”... Ai đó thở dài “đã quá hạn nửa tháng thế mà tàu hỏa chở SAM-3 qua đất Tàu không biết trục trặc chuyện gì? Chắc là do Thông cáo chung Thượng Hải đây mà”…
Day dứt bực bội... Tâm trạng ấy đeo bám những người lính SAM-3 những ngày kế tiếp, trời Hà Nội vẫn ầm vang, mịt mù khói đạn. Ra trận mà, hỡi ôi, không có súng!
Ông Quý kể, đêm gần sáng 21.12 đột nhiên có tiếng nổ dữ dội cùng những vầng sáng chói lòa kế tiếp. “Đang nằm ôm thằng cu con chủ nhà, tôi bật dậy chạy ra sân kho nơi gần căn hầm chữ A mà tiểu đội tôi ẩn. Căn hầm đã sập. Lạc đang bế Dung nhoài ra, máu me đẫm cả người. Lại thấy hai bàn chân thò ra cửa hầm. Hối hả moi được ra thì là Sơn. Nhưng Sơn đã tắt thở từ bao giờ. Cả bọn thi nhau hô hấp nhưng hoàn toàn vô vọng”.
5 giờ chiều 21.21.1972 ảm đạm đó, anh em tiểu đội gồm Huynh, Lạc, Hiển, Từ, và Quý lê những bước nặng nề tiễn đưa 7 anh em, những Trần Quốc Dung, Oanh, Sơn, Tuyển, Lâm, Mai... đi an táng tại nghĩa trang xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh.
Ông Lạc thở dài, bảo tôi gọi điện cho anh không phải là việc nói lại cho đúng, không phải 2 tiểu đoàn mà là 2 trung đoàn đã về nước thời điểm đó, mà là để sẻ chia cảm giác ân hận, nuối tiếc đã đeo bám chúng tôi suốt 40 năm nay. Nếu như SAM-3 và khí tài ngày ấy về kịp thì có lẽ cục diện chiến dịch Linebacker II đã khác. Với SAM-3, cuộc đánh trả và chiến thắng B-52 sẽ còn ngoạn mục hơn. Và có lẽ, những đồng đội tôi dẫu phải hy sinh nhưng sẽ ở một tư thế khác!
Và như thế, từ năm 1972 về sau, trong các cuộc chiến tranh vệ quốc tiếp theo, chưa có một quả đạn SAM-3 nào được phóng lên! Cơ số hơn 200 quả tên lửa SAM-3 về trễ ngày ấy, đã hơn 40 năm nay vẫn nằm trong kho với chế độ… bảo dưỡng.
Chia tay các ông Quý, Lạc, tôi biết thêm, sáng mai 21.12, mấy anh em còn lại trong tiểu đội sẽ đến nghĩa trang Uy Nỗ thắp cho Trần Quốc Dung và các anh em nằm đó những nén hương tưởng nhớ. Nghĩa trang giờ chỉ còn phần mộ của Trần Quốc Dung. Những phần mộ còn lại trước đó đã được gia đình đưa về quê.
Lệ thắp hương ấy, 40 năm rồi, năm nào cũng vậy, vào đúng ngày 21.12.
Xuân Ba