Cả tuần qua, cư dân mạng đang share nhau những hình ảnh cập nhật mới nhất về cây thông làm bằng mấy ngàn chiếc nồi đất. Quả là ý tưởng lạ và không đụng hàng. Cây thông Noel độc đáo này là sản phẩm sáng tạo của người dân giáo xứ Lưu Mỹ, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Cây Noel bằng nồi đất – không chỉ là độc đáo

Nguyễn Văn Mỹ | 22/12/2017, 14:24

Cả tuần qua, cư dân mạng đang share nhau những hình ảnh cập nhật mới nhất về cây thông làm bằng mấy ngàn chiếc nồi đất. Quả là ý tưởng lạ và không đụng hàng. Cây thông Noel độc đáo này là sản phẩm sáng tạo của người dân giáo xứ Lưu Mỹ, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

          

Quá độc đáo

Nhiều người bất ngờ vì ý tưởng độc, lạ, lãng mạn và ý nghĩa này là của cộng đồng giáo dân nghèo xứ Nghệ, từ linh mục cho đến Hội đồng giáo xứ và giáo dân. Linh mục Anton Hoàng Trung Hoa vừa gợi ý, là giáo dân đã bàn luận sôi nổi và tích cực hưởng ứng. Bản vẽ thiết kế được phác thảo bởi những “kiến trúc sư” tay ngang và ngoan đạo.

Hơn tháng nay, giáo xứ Lưu Mỹ nhộn nhịp như ngày hội. Giáo dân tấp nập quyên góp nồi đất và chia nhau mỗi người một việc. Nhóm đi chở sắt, cắt ráp và thi công theo bản vẽ. Nhóm xếp loại nồi, làm chốt bên trong và néo dây kẽm để vít vào khung. Nhóm lo hậu cần, nước nôi ăn uống. Ngày nào cũng hàng chục thợ không chuyên làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối mịt, chạy đua với thời gian. Ngày ít cũng 10 - 15 công, ngày nhiều có khi tới ba chục. Càng lên cao càng vất vả vì chưa có kinh nghiệm. Phải dùng  loa tay để chỉ huy thi công. Thời tiết năm nay rất lạ. Trời lạnh, gió mạnh và rét như cố tình thử thách lòng người. Lên càng cao, gió càng lạnh.

Thi công tới đâu là giăng đèn chiếu sáng để giáo dân selfie và cổ vũ. 11g42 phút ngày 22.12, công trinh cây thông Noel mừng Giáng sinh 2017 của giáo dân Lưu Mỹ căn bản hoàn tất. So với tính toán ban đầu, các số liệu có lệch chút đỉnh nhưng rất đẹp. Cả quá trình thi công không gặp sự cố nào. Cây thông có khung thép vững chắc, cách mặt đất 2m7, đường kính dưới là 8m1, đường kính đỉnh là 0m8. Chiều cao cây thông là 25m8. Phía gần chóp, một bên có dòng chữ NOEL 2017, bên kia là LƯU MỸ, xếp từ đỉnh xuống, mỗi chữ cái và dãy số cao 0m3. Đỉnh là ngôi sao giáng sinh cao 1m2. Chiều cao cây Noel tính từ mặt đất đến đỉnh ngôi sao là 28m7, có thể nhìn thấy từ xa hàng ngàn mét. Buổi tối cây được chăng đèn ngũ sắc nhấp nháy cầu vồng, sáng đẹp hư ảo giữa trời khuya. Những chiếc nồi hồng nâu màu đất, nhẵn thín, thấm đẫm mồ hôi làng nghề, hình như cũng biết tự hào nên rạng rỡ, sát cánh bên nhau, tựa những hạt ngọc khổng lồ, lấp lánh.

Khung cây được kết bởi 5,2 tấn thép; bao quanh bởi 6.039 nồi đất, loại nồi để nấu cơm và kho cá, sản phẩm đặc trưng của làng nghề Trù Sơn. Có gần 200 nồi bị bể trong quá trình thi công. Chưa kể 448 ngày công và chi phí ăn uống, chỉ tính riêng vật tư đã hết 62 triệu tiền thép, 41 triệu tiền nồi, 7 triệu tiền đèn trang trí. Từng giáo dân đã dồn hết tâm trí vào việc làm nên công trình như có hồn, sống động đến kinh ngạc. Theo dõi và chia sẻ, động viên công sức lao động của giáo dân qua báo chí và mạng xã hội, tổ chức Kỷ lục Guiness Việt Nam đã công nhận “Cây thông Noel bằng nồi đất” của giáo xứ Lưu Mỹ lập kỷ lục về cây thông lạ và độc đáo của Việt Nam ngay trong ngày 22.12.2017.

Thông điệp của cây Noel bằng nồi đất

Nhờ cây Noel bằng nồi đất, người Việt cả trong lẫn ngoài nước và người nước ngoài biết đến làng nồi đất Trù Sơn. Một làng nghề độc đáo, có lịch sử lâu đời đang dần mai một. Tương truyền, vào đầu thế kỷ XIII, một công chúa nhà Trần đi qua vùng đất này đã truyền nghề lại. Những nghệ nhân lão làng cho biết, nghề “vắt đất thành nồi” ở Trù Sơn có nguồn gốc từ huyện Nghi Lộc, cách Trù Sơn hơn 10 km, nơi có đất nguyên liệu. Theo luật tục, nghề chỉ truyền cho con dâu. Xưa có cô gái đẹp ở Nghi Xuân về làm dâu Trù Sơn. Một lần đến thăm con, thấy cuộc sống con quá khó nhọc, người mẹ phá lệ, truyền nghề cho con gái. Dần dà, nghề nồi ở Nghi Xuân chuyển qua Trù Sơn.

Thời hưng thịnh, Trù Sơn có hơn 90% dân hành nghề, giờ chỉ còn chừng 1/5 lây lất. Sản phẩm nồi Trù Sơn có hơn 30 loại. Từ nồi thường nấu cơm, nồi to nấu nước, nồi nhỏ kho thịt cá đến nồi đinh gánh nước, hông xôi, nấu rượu…Từ các chảo rang, siêu thuốc Bắc, đến chén bát, các loại ống nhổ, bầu đựng nước mát, áo chai đựng rượu, quách đựng hài cốt. Từ giò treo phong lan, ống đựng tiền, heo đất, chén khè kim loại trang sức. Hễ ai yêu cầu và có mẫu là làm. Sản phẩm Trù Sơn từng có mặt khắp Việt Nam, vào từng hộ gia đinh đến các nhà hàng cơm niêu, kho tộ. Trước xe đạp thồ như dân công Điện Biên Phủ, đẩy đi tứ xứ, có khi nửa tháng, bán hết mới về. Nay có xe tải xe đò thay thế.

Sản phẩm Trù Sơn đơn giản, thô mộc, không tráng men, không hoa lá cành, không dùng các phụ gia. Tất cả đều từ đất tự nhiên, qua nhào nặn, nung đủ, mỏng nhẹ, nhẵn bóng, màu hồng nâu ngọt, không thấm nước, gõ kêu boong boong…nên rất khó làm giả. Nghề không cần nhiều vốn, chỉ cần chữ Tâm và cả nhà đồng lòng. Người khỏe nhất đi lấy đất ở Nghi Văn (Nghi Lộc). Phải đào hết lớp đất màu, qua lớp sỏi đá ong mới có đất sét. Việc thử đất được làm bằng tay, rồi xúc đổ lên xe, chở về góc nhà, nhồi bằng tay, đạp bằng chân, giã bằng chày. Màu vàng tạp, chuyển thành đỏ hồng, tươi rói hạnh phúc, dẻo quẹo như cá thác lác.

Đất nhuyễn vắt thành “rói” to bằng ngón tay và dài chừng 2 tấc. Các “nghệ nhân” ngồi vào bàn xoay, điều khiển bằng các ngón chân thay vì đi vòng quanh như làng gốm Mỹ Nghiệp (Phan Rang, Ninh Thuận), dùng “khót” - miếng nứa mỏng để làm nhẵn hoặc tạo dáng. Thêm miếng khăn vải và một ít tro rơm. Những “bàn tay phù phép” sẽ biến đất thành hàng chục sản phẩm. Làm thủ công nên nhìn giống nhau mà đều khác biệt, cái nào cũng có hồn vì đẫm mồ hôi của bao người. Sản phẩm làm xong đem phơi nắng cho khô rồi nung bằng rơm rạ hay lá khô chứ không thể đốt bằng củi. Nếu chọn đất không đúng chuẩn, khi nung, nồi “ăn vạ” phản kháng, nứt mẻ lung tung. Lò nung là mấy viên gạch kiểu bếp ông táo, xếp chồng nồi lên nhau, hẫng khỏi mặt đất, phủ rơm và đốt, chừng một buổi. Năm 2005, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời 5 nghệ nhân làng nghề ra thủ đô biểu diễn cho du khách chiêm ngắm.

Con gái Trù Sơn biết làm nồi cũng như biết nấu ăn giặt giũ. Chẳng ai dạy, cứ nhìn rồi làm theo. Hình như họ biết làm từ trong bụng mẹ nên có năng khiếu bẩm sinh, cứ như làm vợ, làm mẹ. Trước làn sóng của những nồi nhôm, inox, gang, sứ cao cấp; những nồi đất dần bị quên lãng. Sự tiện lợi đã lấn át, cộng thêm sự vô tâm của các cấp quản lý, của truyền thông đang tấn công vào làng nghề hơn 700 tuổi. Thật xót xa khi biết nồi kho cá chỉ 5.000 đồng mỗi cái. Nồi cơm thì được 8.000 đồng, chén khè vàng 2.000 đồng… Sản phẩm tồn kho, nhiều mặt hàng không bán được, nghệ nhân nuốt nước mắt, bất lực bỏ nghề vì miếng cơm manh áo. Lớp trẻ bỏ làng, bỏ nghề đi làm thuê xứ lạ, gọi văn vẻ là hợp tác lao động. Càng khấm khá thì những ngôi nhà cổ càng bị thay bởi nhà lầu mới đặt nhầm chỗ. Lớp phiêu bạt đi các tỉnh mưu sinh. Số ít dũng cảm nhận đất, nhận rừng khoán mạo hiểm khai phá, đầy rủi ro. Làng nghề kêu cứu lặng lẽ và vô vọng.

Gần 500 hộ gia đình, chỉ còn 59 hộ thủy chung và hết lòng với nghề, với đất vì “Đó là nghiệp tổ. Đói khổ cũng cố giữ vì nghề đã cưu mang người dân Trù Sơn bao đời nay. Giúp dân vượt qua bĩ cực, nuôi con cái ăn học thành ngườì, dù vất vả. Người phụ đất, chứ đất không phụ người”. Trò chuyện với linh mục quản xứ và những nghệ nhân, tôi càng hiểu khát vọng mãnh liệt hồi sinh làng nghề bằng con đường du lịch.  Làng còn một số nhà cổ với tường đá ong, ụ rơm, chuồng trâu… Đặc biệt có rất nhiều trâu trắng, có nơi gọi là trâu bạc, trâu he. Cạnh làng có hồ nước đẹp, trong rừng (địa phương gọi là rú) có núi và hang. Cỡi trâu trắng dạo chơi, tìm hiểu và học nghề làm nồi đất, tự làm cho mình những sản phẩm riêng…

Từ Vinh về Trù Sơn, đường mới, đẹp, chỉ 25 km. Tại ngã ba đường N5 mới mở vào làng nghề 2km, có bảng hiệu không đụng hàng. Đó là biểu tượng nồi đất, thay bảng chỉ dẫn và lời muốn nói. Nồi cao 2m7, đường kính 2m5, đặt trên trụ cao 2m6; cũng đang được giáo dân Lưu Mỹ hối hả cho kịp hoàn thành đón năm mới 2018. Trò chuyện với họ, tôi như được tiếp thêm lửa nhiệt huyết và lòng yêu nghề. Càng tin tưởng làng nghề nồi đất Trù sơn sẽ hồi sinh mạnh mẽ, thành điểm đến hấp dẫn. Năm sau sẽ có cây Noel bằng siêu sắc thuộc, khung bằng tre, còn hang đá Giáng sinh bằng “kính thưa các loại nồi đất”.

Rời Trù Sơn, tôi cứ mãi ám ảnh bởi những “con mắt – nồi đất” chân mộc, bình dị như người dân làng nghề lam lũ, chất chứa bao nỗi niềm sâu nặng. Đứng riêng lẻ, những nồi đất quá đỗi bình thường nhưng biết nối kết chặt chẽ thì tạo thành dấu ấn đặc thù và giá trị. Được người thổi hồn, đất cũng có bạn tri âm và biết buồn vui thế cuộc.

Nguyễn Văn Mỹ 

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cây Noel bằng nồi đất – không chỉ là độc đáo