Nhiều người thắc mắc một cô bé lớn lên trong gia đình có hai bà mẹ thì sẽ thế nào? Câu trả lời của cặp đôi Yến - Hương đã làm người ta bị thuyết phục.

Bí quyết nuôi con của một cặp đôi đồng tính nữ tại Sài Gòn

Một Thế Giới | 24/02/2014, 06:00

Nhiều người thắc mắc một cô bé lớn lên trong gia đình có hai bà mẹ thì sẽ thế nào? Câu trả lời của cặp đôi Yến - Hương đã làm người ta bị thuyết phục.

Nuôi con không khác gia đình dị tính 
Người đồng tính nuôi con vẫn là câu chuyện chưa được công khai nhiều ở Việt Nam. Với họ, rào cản lớn nhất đến từ phía gia đình và ánh mắt chưa mấy thiện cảm của những người xung quanh. Khi chưa có một cuộc hôn nhân được pháp luật thừa nhận thì nuôi con là cách để hai người có thể xây dựng một gia đình bền vững và trách nhiệm hơn với nhau. 
Cặp đôi đồng tính nữ Yến - Hương (TP.HCM) đã có một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc bên bé Xuân Nhi (con gái ruột của chị Hương). Cuộc sống của hai chị và bé không khác nhiều so với các gia đình dị tính, bài học sống trung thực và thành thật với chính mình là điều mà cặp đôi này dạy con. 
Bi quyet nuoi con cua mot cap doi dong tinh nu tai Sai Gon
Điều gì khiến hai chị quyết định nuôi con, phải chăng đó là sợi dây để giúp cả hai có trách nhiệm hơn? 
Yến đã sống chung với người bạn đời là Hương đến nay được hơn 2 năm. Tình yêu giữa 2 người đồng tính không khác so với các cặp dị tính. Có chăng chỉ là việc gắn bó, sống chung của các đôi đồng tính bị ngăn cản từ gia đình, sự khắt khe của dư luận xã hội. Cho nên, tôi nghĩ khi 2 người đồng tính cùng sống với nhau, bên cạnh nhu cầu gắn bó, chăm sóc nhau, chúng tôi luôn khát khao có một tổ ấm để cùng vun đắp. Điều đó là nguyên nhân để cách đây 1 năm rưỡi, chúng tôi quyết định sẽ bên nhau nuôi dạy con.
Việc nuôi con của hai người đồng tính hẳn là một quyết định khó khăn, liệu có sự phản đối nào từ phía gia đình? 
Em bé chính là con gái ruột của Hương. Đó là kết quả tình yêu của cô ấy với người chồng trong cuộc hôn nhân trước. Việc bé sống với chúng tôi nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình của người cha, gia đình Hương và cả gia đình của tôi nữa. Điều quan trọng nhất với tất cả mọi người là em bé được sự chăm sóc của người mẹ. 
Mọi người đang tưởng tượng cuộc sống trong một tổ ấm đồng tính có một đứa con liệu có khác nhiều so với các gia đình dị tính? Theo quan sát của tôi, trong nhiều gia đình dị tính thì ngay cả khi có việc làm ở bên ngoài, phụ nữ vẫn nghiễm nhiên phải gánh toàn bộ trách nhiệm chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Khi đi làm về, người phụ nữ còn phải lo chuẩn bị bữa cơm. Nếu con còn nhỏ thì người mẹ phải lo cho con ăn, khi bữa ăn của con kết thúc thì cơm của mẹ cũng nguội rồi. 
Còn với gia đình đồng tính, chúng tôi cùng chia sẻ công việc trong nhà và bình đẳng trong vai trò chăm sóc con cái, không biết điều đó có khác nhiều so với các gia đình dị tính không nhỉ? 
Bi quyet nuoi con cua mot cap doi dong tinh nu tai Sai Gon
 
Đứa con giúp cả hai người sống có trách nhiệm hơn 
Thực tế vẫn có ý kiến bày tỏ rằng, những đứa trẻ sống trong những gia đình đồng tính sẽ bị ảnh hưởng và có thể lâu dần sẽ trở thành đồng tính, chị chia sẻ như thế nào về quan điểm này? 
Theo tôi, điều tác động lớn nhất tới một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình đồng tính chính là thái độ từ những người xung quanh. Với riêng em bé nhà tôi, cháu đang học ở trường mầm non, nơi mà các cô giáo và những phụ huynh khác rất tôn trọng cuộc sống riêng của chúng tôi, không bao giờ nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dò xét hoặc hỏi bé những câu mang hơi hướng tò mò thái quá như là ba con đâu, tại sao gia đình con có 2 người mẹ… Bé được các cô giáo đánh giá là thông minh, khả năng ngôn ngữ tốt và còn rất tình cảm nữa. Tuy nhiên, nhiều bạn bè tôi từng chia sẻ rằng họ và con cái họ gặp phải những ánh mắt đàm tiếu và dị nghị, gây áp lực đối với đứa trẻ. Bản thân tôi và Hương luôn hướng con đến những điều tốt đẹp, mở rộng lòng mình với mọi người. 
Nói như vậy có nghĩa là không thể có điều đó xảy ra? 
Câu trả lời đơn giản là những người đồng tính hầu hết đều sinh ra và lớn lên từ những gia đình dị tính. Như vậy, người nuôi dưỡng không quyết định việc một người là dị tính hay đồng tính. Tình cảm, những rung động từ trái tim của mỗi cá nhân mới là yếu tố quyết định. Luôn dạy con bài học sống thật với chính mình 
Cuộc sống nhiều sóng gió lắm, đôi khi cũng cần sự can trường nhưng gia đình chỉ có hai mẹ, liệu chị có lo rằng thiếu bàn tay người đàn ông bé sẽ quá yếu đuối? 
Tôi thì nghĩ yếu đuối đâu phải là điều gì xấu và tại sao chúng ta cứ luôn định khuôn phụ nữ nghĩa là yếu đuối, đàn ông là phải can trường. Trong ngôi nhà của chúng tôi, không có sự phân chia việc này nặng, việc kia nhẹ. Bạn đời của tôi có thể thay được bóng đèn, tôi có thể sửa được vòi nước hư. Quan trọng là dạy con sống ngay thẳng và không hại đến ai.  
Bi quyet nuoi con cua mot cap doi dong tinh nu tai Sai Gon
 Cặp đôi đồng tính nữ Yến - Hương trong một cuộc hội thảo (Ảnh Gia Đình Xã Hội) 
Chị nói là bạn bè, phụ huynh ở trường mầm non không kỳ thị nhưng biết đâu lớn hơn một chút, học ở trường khác, bé lại phải đối diện với những ánh mắt dè bỉu, hai chị có chuẩn bị cho bé điều gì để đề phòng tình huống đó? 
Tôi và người bạn đời đã dự đoán được khả năng đó và luôn chia sẻ để bé biết rằng mối quan hệ cũng như sự chăm sóc của hai mẹ dành cho bé đều xuất phát từ tình yêu; rằng bé luôn có bố, có mẹ, bố và mẹ là bạn của nhau và đều yêu bé. Chúng tôi tin rằng việc bé hiểu cặn kẽ và tôn trọng tình cảm của hai mẹ sẽ giúp bé vững vàng và có cách ứng xử phù hợp nếu có tình huống xảy ra như bạn nói. 
Với những người đồng tính, rào cản lớn nhất là gia đình và ánh mắt dò xét của nhiều người xung quanh, phải chăng từ điều này mà hai chị sẽ tôn trọng mọi quyết định của con? 
Đúng như bạn nói, rào cản đầu tiên và lớn nhất với đa số người đồng tính, đặc biệt là những bạn trẻ đồng tính, đến từ phía gia đình. Nhiều bi kịch trong gia đình đã xảy ra vì bố mẹ không thừa nhận con cái là đồng tính và tìm mọi cách để thay đổi điều đó, xuất phát từ tình yêu với con cái và nghĩ rằng như vậy thì mới tốt cho con. Thực tế thì chỉ có chính mình mới biết rõ nhất điều gì là tốt cho mình. Chúng tôi rút ra bài học từ đó để có thể là những người đưa ra cho con mình lời khuyên hay hướng dẫn với con và luôn khuyến khích để con tự ra quyết định vì suy cho cùng, chúng tôi không thể sống thay cuộc đời của con.  
Việc có hai mẹ hẳn khiến bé tự hào nhưng chắc các chị đã phải trải qua một quá trình để bé quen với điều này? 
Trước khi sống cùng hai mẹ, bé được đưa vào TP.HCM chơi một thời gian ngắn. Hồi mới vào, bé không thích tôi do trước đó những người xung quanhước đó đã nói với bé rằng mối quan hệ giữa mẹ bé và tôi không tốt. Thậm chí, bé còn bảo tôi là “mình không thích bạn” (lúc đầu tôi và bé xưng hô như những người bạn). Sau một thời gian chứng kiến cách chúng tôi chăm sóc bé, chăm sóc nhau, vào buổi tối trước khi ra lại Hà Nội, bé bảo tôi: “Ngày mai tớ về Hà Nội, bạn ở đây chăm sóc mẹ tớ nhé”. Điều đó đánh dấu sự tin tưởng từ phía bé dành cho tôi. 
Có lẽ không cần giải thích nhiều, bé từng ngày từng ngày đã hiểu được tình cảm thực sự của chúng tôi. Về quan hệ với bố của bé, người bạn đời của tôi giải thích rõ ràng rằng "bố và mẹ không còn yêu nhau nữa nên bây giờ bố và mẹ coi nhau là bạn bè thôi". Đối với những gia đình dị tính, có thể khi đối mặt với những câu hỏi của con trẻ như vậy sẽ ngại ngùng. 
Bi quyet nuoi con cua mot cap doi dong tinh nu tai Sai Gon
Có lẽ vì người đồng tính thường phải sống dưới một vỏ bọc với bên ngoài, vì vậy mà các chị sẽ dạy con nhiều về bài học thành thật? 
Từ những kinh nghiệm cá nhân và chứng kiến nhiều câu chuyện của các bạn là người đồng tính, tôi hiểu rằng việc xây dựng sự tin cậy và thành thật giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng. Tôi biết mình là người đồng tính cách đây 10 năm, cách đây 3 năm tôi mới đủ can đảm nói với bố mẹ điều đó - thay vì chọn cách im lặng và thoái chuyện, vì tôi muốn thành thật với những người thân yêu của mình. Lúc đầu bố mẹ rất sốc và suy sụp nhiều tuần liền. Nhưng sau đó, bố mẹ bình tĩnh hơn và tôn trọng cuộc sống riêng của tôi. Tôi từ lúc đó cũng mở lòng với gia đình nhiều hơn. Giờ đây nhìn thấy những nụ cười của bố mẹ khi chứng kiến tổ ấm của tôi, nhiều lúc tôi ước mình đã nói với bố mẹ sớm hơn. 
Chúng tôi luôn trò chuyện với bé như những người bạn, từ những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày ở trường học, mối quan hệ với các thầy cô và bạn bè… Chúng tôi luôn nói với cháu rằng dù con có chuyện gì, hãy nói với hai mẹ chứ đừng giấu trong lòng hoặc nói dối, vì hai mẹ rất yêu con và muốn được chia sẻ với con. Bé cũng được khuyến khích tập tính tự lập giống như bé là một người trưởng thành còn nhỏ tuổi. Chúng tôi để bé tự làm các việc trong khả năng cho phép; bé đóng góp ý kiến vào các quyết định của cả nhà như khi mua sắm một món đồ dùng gia đình nào đó; bé được khuyến khích tôn trọng những sở thích cá nhân hoặc đặc điểm khác biệt của người khác và ngược lại chúng tôi luôn tôn trọng đối với các sở thích cá nhân của bé. 
Theo chị, làm sao để con cái có được sự thành thật? Phải chăng trước hết bố mẹ cần thành thật? 
Sự thành thật luôn có ở trong mỗi người và gia đình nên luôn là nơi chân thành và an toàn nhất để bắt đầu sự thành thật trong mỗi đứa trẻ. 
 Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!
Theo Khám Phá
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí quyết nuôi con của một cặp đôi đồng tính nữ tại Sài Gòn