“Hồi độc thân bạn có thể tiêu tiền theo cách riêng của bạn nhưng khi đã lập gia đình, mọi quyết định chi tiêu của bạn phải phù hợp với mục tiêu chung của hai vợ chồng”, chuyên gia tài chính đưa ra lời khuyên.
Khi bạn kết hôn, việc xây dựng một cuộc hôn nhân hoàn hảo không thể thiếu yếu tố tài chính. Dù bạn kiếm được nhiều hay ít tiền thì việc lên kế hoạch chi tiêu cụ thể và tính toán linh hoạt vẫn giúp gia đình bạn an toàn "thoát hiểm" qua những cơn bão giá và có một tương lai ổn định hơn.
Công khai tài chính với bạn đời
Ngay khi bạn kết hôn hay có ý định kết hôn, trước đó, các cặp đôi hạnh phúc thường công khai nguồn thu nhập và tài sản đang sở hữu với nhau. Điều đó có nghĩa là họ không giấu giếm bạn đời của mình bất cứ điều gì, từ lương thưởng, đến các khoản nợ, các khoản đầu tư, và các vấn đề tài chính khác sẽ tác động đến cả hai vợ chồng trong tương lai.
“Cả hai vợ chồng nên ngồi xuống để thảo luận cởi mở, thành thật với nhau về tiền bạc và những gì mà họ đang sở hữu. Cuộc thảo luận này sẽ là nền tảng cho cách quản lý tiền của hai vợ chồng sau này vì vậy cả hai phải hiểu rõ tình trạng tài chính của nhau và lên kế hoạch cùng chi tiêu, tiết kiệm cho tương lai”, chuyên gia tài chính Pam Horack chia sẻ.
Để riêng một khoản dùng khi cần thiết
Dù tình hình tài chính của vợ chồng bạn có tốt đến đâu thì vẫn cần phải để ra một khoản tiết kiệm nhất định vào mỗi tháng và để riêng, phòng trường hợp cần thiết. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và chưa có dấu hiệu chấm dứt, điều bạn cần làm là chuẩn bị sẵn một lượng tiền mặt nhất định để chi trả khi xảy ra biến cố.
Theo lời khuyên của chuyên gia tài chính Hải Hà, dù thu nhập của mỗi gia đình là bao nhiêu, cũng nên để dành tiết kiệm ít nhất là 10%. Để đảm bảo chi tiêu trong gia đình, nên chia tổng thu nhập của hai vợ chồng thành 4 quỹ: chi tiêu chung cả nhà, chi tiêu cho riêng vợ và chồng, chi tiêu cho con và phần còn lại tích lũy.
Có thể chia theo tỷ lệ lần lượt là 4-3-2-1 hay 3-3-3-1…, tùy điều kiện thực tế của gia đình và bỏ riêng từng quỹ vào các phong bì để chi dùng. Tuyệt đối tránh tình trạng kẹt quá, lấy quỹ này xài đỡ cho quỹ kia, hay đến ngày đóng học cho con phải chạy đôn chạy đáo đi vay mượn.
Cũng để tránh tình trạng chật vật chi tiêu, những khoản cố định bắt buộc phải chi như tiền sữa, tiền học cho con, tiền đi chợ, điện, nước, gas… đều phải chia nhỏ, bỏ vào từng phong bì riêng và cương quyết không dùng đến. Đi chợ bao nhiêu tiền và dù có thế nào cũng đừng mua nhiều hơn số tiền đã định.
Không phán xét nhau
“Mỗi người đều có các khoản ưu tiên riêng vì vậy bạn cần phải tôn trọng quyết định của bạn đời. Điều này bao gồm tôn trọng thói quen chi tiêu của bạn đời dù nó khác với thói quen chi tiêu của bạn.
Nếu bạn chỉ khó chịu vì họ chi tiền vào việc gì đó mà bạn không thích thì hãy lùi lại, hít một hơi thật sâu và thông cảm với họ”, chuyên gia tài chính Capalad đưa ra lời khuyên.
Chuyên gia Horack cũng đồng tình với quan điểm này. Thông cảm và tin tưởng vào việc chi tiêu của bạn đời giúp các cặp đôi hạnh phúc hơn, đồng thuận hơn trong việc quản lý tài chính.
Chi tiêu dưới khả năng có thể chi trả
Bạn có đủ tiền mua một ngôi nhà 500 ngàn đô, điều đó không có nghĩa ngôi nhà 500 ngàn đô là lựa chọn phù hợp với gia đình bạn. Tuy nhiên, việc dùng hết số tiền có được để mua một ngôi nhà sẽ khiến bạn thiếu tiền cho các việc khác như đi du lịch, tiền cho các con đi học và tiền tiết kiệm cho tuổi già.
“Hãy chi tiêu ít hơn khả năng mà bạn có thể”, Horack đưa ra lời khuyên.
Bà nhấn mạnh rằng tất cả những gì chúng ta đang có chỉ là tạm thời. Liệu thu nhập của bạn có bị giảm khi con cái đi học đại học, liệu chiếc xe bạn đang chạy “trụ” được bao lâu, bao lâu nữa bạn sẽ phải mua xe mới, các khoản chi tiêu không cố định như chúng ta vẫn tưởng.
Mở một tài khoản riêng hoặc chung
Nếu bạn giỏi quản lý tài chính cá nhân, nên mở các tài khoản tiết kiệm riêng biệt. Việc mở chung một tài khoản tiết kiệm với số tiền lớn bạn sẽ kiểm soát đơn giản hơn nhưng cũng sẽ có ít tiền lãi hơn.
Sẵn sàng cho các bất đồng
Chuyện tiền nong giữa vợ chồng nhiều khi làm nảy sinh bất đồng. Khi chồng dùng tiền mua những món đồ đắt tiền mà không hỏi ý kiến vợ, hoặc vợ mua sắm quá đà, không kiểm soát được cũng khiến người kiakhó chịu. Nên đặt ra các quy định từ đầu, các khoản chi tiêu quá lớn cần phải có sự thống nhất giữa cả hai người. Ngoài ra, các khoản chi tiêu cho thời trang, làm đẹp của vợ nên có một mức cố định.
Thoải mái với nhau
Vấn đề tài chính một lúc nào đó sẽ khiến cả hai vợ chồng căng thẳng. Tiền bạc có thể là nguyên nhân khiến hai vợ chồng tranh cãi nhưng các cặp đôi hạnh phúc không để tiền phá hoại mối quan hệ của họ. Tiền không phải mục tiêu khi họ kết hôn mà tiền chỉ là phương tiện để học thực hiện các mục tiêu khác.
“Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng mục đích ban đầu kết hôn của bạn là gì, lúc đó tiền sẽ không còn là vấn đề quan trọng nhất”, Capalad nói.
Lam Khuê (t/h)