Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, khi dân số tăng thì sẽ là áp lực cho đội ngũ giáo viên, vậy nên cần có kế hoạch dài hạn để phát triển đội ngũ này.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Cần có kế hoạch dài hạn để phát triển đội ngũ giáo viên

Tú Viên | 27/03/2023, 18:00

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, khi dân số tăng thì sẽ là áp lực cho đội ngũ giáo viên, vậy nên cần có kế hoạch dài hạn để phát triển đội ngũ này.

Ngày 27.3, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã có buổi giám sát, làm việc với TP.HCM về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH 14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tiếp đoàn giám sát, lãnh đạo TP.HCM có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM và các đại diện lãnh đạo HĐND, Ủy ban MTTQ; lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, đổi mới trong giáo dục cần chú ý đến yếu tố tăng dân số. Mỗi năm, TP.HCM tăng thêm 200.000 dân và trên 40.000 học sinh. Khi dân số tăng sẽ là áp lực cho đội ngũ giáo viên, vậy nên cần có kế hoạch dài hạn để phát triển đội ngũ này.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng nhất; phải có chính sách thu hút nguồn lực theo yêu cầu, theo vị trí, việc làm; phải tính đến việc bồi dưỡng chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên bám nghề, phát triển nghề.

nnn.jpeg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi giám sát

Ông Nguyễn Văn Nên cũng thừa nhận, TP.HCM còn nhiều trường, nhiều cơ sở giáo dục với phương tiện, thiết bị rất cũ kỹ, chưa đáp ứng việc dạy và học. Ông đề xuất ngành giáo dục phải đổi mới và đa dạng sách giáo khoa; làm sao để giảm giá, giảm áp lực cho học sinh nghèo.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31 cho phép TP.HCM thí điểm các chính sách, cơ chế vượt trội, vì vậy, ông Nên bày tỏ mong Quốc hội ủng hộ TP thí điểm các cơ chế này trong lĩnh vực giáo dục để phát triển ngành giáo dục căn bản và toàn diện hơn, làm cơ sở nhân rộng ra cả nước.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ, đối với mảng văn hóa - giáo dục, TP gặp rất nhiều khó khăn. Dân số của TP trên hệ thống quản lý là 10 triệu người nhưng thực tế có tới hơn 13 triệu người.

Ông Mãi cho hay, nếu xét theo tiêu chuẩn của ngành GD-ĐT thì TP.HCM thiếu khoảng 5.000 phòng học và chiếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI với 300 phòng học/1 vạn dân thì TP thiếu 6.000 phòng học. Ông lấy ví dụ, huyện như Bình Chánh từng có thời điểm có những trường trên 90 lớp, học đến 3 ca và có những lớp sĩ số trên 50 học sinh.

Người đứng đầu chính quyền TP cho biết thêm, TP.HCM đã chỉ đạo xây dựng đề án tự chủ trong y tế, giáo dục, văn hóa. Trước khi dịch COVID-19 diễn ra thì nhiệm vụ này có khả năng thực hiện được nhưng sau đại dịch thì các đơn vị gặp nhiều khó khăn, không có nguồn thu, khó thực hiện tự chủ.

Ngoài ra, TP đã yêu cầu ngành giáo dục chủ trì phối hợp với các sở, ngành rà soát lại quy hoạch phát triển giáo dục TP. Đến thời điểm này, Sở GD-ĐT đã cơ bản xong phần rà soát và đang lấy ý kiến các sở, ngành. Sau đó, TP sẽ đưa quy hoạch phát triển giáo dục vào quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch chung, từ đó bố trí lại đất đai, nguồn lực để phát triển cơ sở vật chất và bố trí nguồn lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.

Trong quý 2 năm nay, TP.HCM cũng sẽ thảo luận để thông qua Đề án về tự chủ văn hóa, giáo dục, thể thao, từ đó huy động thêm nguồn lực cho phát triển giáo dục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Nguyễn Văn Nên: Cần có kế hoạch dài hạn để phát triển đội ngũ giáo viên