Ngày 3.6, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức chương trình lãnh đạo gặp gỡ, lắng nghe thiếu nhi năm 2023.
Chương trình có sự tham gia của 150 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu đại diện cho hơn 1,9 triệu trẻ em thành phố. Đó là những học sinh giỏi tiêu biểu, tài năng trẻ, các thành viên tích cực của các câu lạc bộ, đội nhóm Nhà thiếu nhi. Các em còn là con công nhân lao động, con chiến sĩ lực lượng vũ trang, thiếu nhi tại các cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em...
Tại chương trình, các em thiếu nhi mong muốn TP cần có thêm các hoạt động nâng cao sức khỏe tinh thần cho học sinh, nâng cao chất lượng phòng tư vấn tâm lý học đường trong trường học; có chính sách hỗ trợ áp dụng bảo hiểm y tế cho học sinh và tuyên truyền về sự quan trọng của bảo hiểm y tế trong trường học.
Bên cạnh đó, cần có các hoạt động phát triển năng khiếu trong trường học như thanh nhạc, nhạc cụ dân tộc… Dù các hoạt động này đã được đưa vào trường học, tuy nhiên chưa được đầu tư, cung cấp các dụng cụ phù hợp với môn học. Nghiên cứu các phương pháp giảng dạy sáng tạo, hấp dẫn hơn để phù hợp với sự phát triển của trẻ em hiện nay.
Thiếu nhi cũng đề xuất TP mở rộng các môn học ngoại ngữ bên cạnh môn tiếng Anh; tổ chức các cuộc thi hùng biện tiếng Anh, ngày hội tiếng Anh để tạo môi trường giao lưu cho các bạn được giao lưu, học tập. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của nhà trường cần được đầu tư tốt hơn, phù hợp hơn, nhiều mảng xanh, thiết bị vui chơi để các em được vui chơi, học tập hiệu quả, giúp học sinh học tập trực quan hơn; cần thêm các buổi tham vấn tâm lý cho học sinh để có thể lắng nghe và giải quyết các vấn đề các bạn quan tâm.
Về cách dạy môn Lịch sử, hiện nay khá rập khuôn, dễ gây nhàm chán cho học sinh, nên thiết kế cho học sinh trải nghiệm, tìm hiểu đến các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử... khuyến khích các em tự tìm hiểu, qua việc tham quan thực tế còn giúp các em thêm tự hào về lịch sử nước nhà.
Các tiết học kỹ năng về kiểm soát cảm xúc, giao tiếp, thuyết trình không được áp dụng vào thực tiễn nên không được các bạn học tâm đắc và thực hành. Các phương pháp học như sơ đồ tư duy, làm video ngắn, thuyết trình không phù hợp với một số bạn nhưng vẫn bị ép buộc làm để có điểm. Các em cho rằng nên áp dụng nhiều phương pháp học khác nhau tùy vào khả năng tư duy của học sinh.
Một số ý kiến cũng mong muốn nhà trường cần có nhiều buổi trao đổi, sinh hoạt với phụ huynh về phương pháp đồng hành và dạy con phù hợp với giai đoạn hiện nay, không gây áp lực cho con trong học tập, giúp con phát triển toàn diện; công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh cần tiếp tục tăng cường hơn.
Bên cạnh đó, trong trường học cần mở thêm nhiều CLB, đội nhóm để học sinh có thể tự nguyện tham gia và rèn luyện; môn giáo dục địa phương là một môn học thiết thực, bổ ích tuy nhiên hiện chưa có sách giáo khoa nên gây cản trở trong học tập. Ngoài ra, cần lồng ghép các kỹ năng thực hành xã hội và tiết học. Cần thực hành nhiều hơn “học vẹt”.
Sau khi nghe các ý kiến đề xuất của các em thiếu nhi, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng nhìn nhận thành phố cần thêm những cơ chế, chính sách đặc thù để có điều kiện chăm lo, phát triển các em nhiều hơn để những cuộc gặp gỡ sau này sẽ bớt đi những khúc mắc đã nói. Ông Nên nói ở đây có đầy đủ các cơ quan, từ HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn thanh niên.
“Chúng tôi trân trọng lắng nghe bằng trái tim của mình, chứ không chỉ bằng đôi tai không, và sẽ biến đó thành hành động một cách tốt nhất để chăm lo các em”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh thiếu nhi chính là chủ tương lai của đất nước, của thành phố. Ông bày tỏ mong muốn các cháu thiếu nhi sẽ luôn tràn đầy ước mơ, niềm tin trong cuộc sống; sống nhân ái, nghĩa tình; không ngừng khát vọng, sáng tạo; trở thành công dân tốt, tài có đức để giúp ích cho xã hội, cho thành phố.
Ông Nên khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, các ngành, các cấp luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các em thiếu nhi. Lãnh đạo thành phố tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu để thực hiện trong thời gian tới.