Những cơn "sóng thần tàn phá" được cảnh báo sẽ gia tăng trong thời gian tới do biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu mới cho thấy việc mực nước biển dâng cao - do sự biến đổi khí hậu toàn cầu - làm gia tăng đáng kể mối đe doạ từ những cơn sóng thần khổng lồ.
Theo Metro, sóng thần là một trong những thảm hoạ thiên nhiên nguy hiểm nhất với con người, thế nhưng do biến đổi khí hậu thì mọi chuyện lại tồi tệ hơn.
Cụ thể, một nhóm nhà khoa học đã mô hình hóa các tác động của sóng thần với mức độ dâng cao của mực nước biển và phát hiện ra một kết quả hết sức đáng quan ngại. Nghiên cứu cho thấy nước biển dâng khiến các cơn sóng thần có thể tràn sâu hơn vào trong đất liền, tăng đáng kể nguy cơ lũ lụt.
Điều này có nghĩa là những cơn sóng thần nhỏ vốn không gây chết người hiện nay, có thể tàn phá mạnh trong tương lai.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mực nước biển dâng làm tăng đáng kể nguy cơ sóng thần, nghĩa là những cơn sóng thần nhỏ hiện nay trong tương lai có thể gây thiệt hại như những cơn sóng thần ngày nay", Robert Weiss, một giáo sư về khoa học địa lý tại Virginia Tech cho biết.
Ông Weiss cùng Đài quan sát Trái đất của Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang và Đại học Quốc gia Đài Loan đã nghiên cứu đề tài về sự nguy hiểm của sóng thần với nhân loại trong tương lai.
Theo ông Weiss, những trận động đất nhỏ thường xuyên xảy ra trên toàn thế giới sẽ nguy hiểm hơn với nhân loại trong những năm tới. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã mô phỏng rằng nếu mực nước biển dâng cao thêm 45cm, sức tàn phá của một cơn sóng thần tăng lên 2,4 lần. Nếu nước biển dâng cao lên hơn 90cm, thì sức tàn phá của một cơn sóng thần sẽ tăng 4,7 lần.
Để dễ hiểu, một cơn sóng thần hiện nay cao khoảng 5m sẽ thành cơn sóng thần cao 12m nếu nước biển dâng cao 45cm; và sẽ thành cơn sóng thần cao 23,5m nếu nước biển dâng cao 90 cm.
Thiên Hà (theo The Sun)