Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiệt độ nước cao hơn do biến đổi khí hậu có thể tác động đến số lượng và chủng loại cá bị đánh bắt.
Kiến thức - Học thuật

Biến đổi khí hậu sẽ khiến bữa ăn người nghèo ngày càng ít cá ngon

Anh Tú18/12/2023 10:06

Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiệt độ nước cao hơn do biến đổi khí hậu có thể tác động đến số lượng và chủng loại cá bị đánh bắt.

Lợi ích cho sức khỏe từ việc ăn hải sản được thừa nhận ở nhiều nền văn hóa ẩm thực trên thế giới. Hải sản rõ ràng đã cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của con người. Ăn cá và động vật có vỏ rất có lợi cho sự phát triển và hoạt động của hệ thần kinh, đồng thời giúp con người chống lại nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và tiểu đường thể 2.

Ngày nay, hơn 3 tỉ người trên thế giới hấp thụ ít nhất 20% lượng protein động vật hằng ngày từ cá. Ở các quốc gia, từ Sri Lanka, Bangladesh, Campuchia, Indonesia đến Gambia, Ghana, Sierra Leone, lượng calo từ cá chiếm từ 50% trở lên trong lượng thức ăn tiêu thụ hằng ngày.

Tuy nhiên, việc dân số trên toàn cầu tăng trưởng ngày càng nhanh đã gây áp lực to lớn lên nguồn cá tự nhiên. Sản lượng đánh bắt cá đạt đỉnh điểm vào năm 1996 và 1/3 trong đó bị coi là khai thác quá mức. Với lượng cá ít hơn dành cho nhiều người hơn, cá vốn là nguồn thực phẩm bổ dưỡng dễ tiếp cận của chúng ta, đang gặp nguy hiểm, đặc biệt là ở các nước có thu nhập đầu người thấp.

Thất thoát dinh dưỡng hải sản

Các mối đe dọa đối với việc tiếp cận hải sản không chỉ do khai thác quá mức. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy nhiệt độ nước cao hơn do biến đổi khí hậu có thể tác động đến số lượng và chủng loại bị đánh bắt. Những tác động này thông qua sự thay đổi trong phân bố loài dẫn đến những thay đổi về loài đánh bắt được. Điều này ảnh hưởng đến số lượng có thể thu hoạch cũng như giá trị dinh dưỡng của thủy-hải sản.

Một nghiên cứu mới (của Stefanie Colombo - Trưởng nhóm nghiên cứu về dinh dưỡng nuôi trồng thủy sản Canada, Đại học Dalhousie, và Giáo sư Aaron MacNeil từ Khoa Sinh học, Đại học Dalhousie) đã định lượng lượng chất dinh dưỡng từ thủy-hải sản theo thời gian. Họ đã xem xét tác động kép của việc đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu.

Tập trung vào 4 chất dinh dưỡng quan trọng từ cá đối với sức khỏe con người là canxi, sắt, axit béo omega-3 và protein, hai tác giả cho rằng lượng chất dinh dưỡng có trong hải sản đã giảm kể từ đầu thập niên 1990. Nguy hiểm hơn, nếu nhiệt độ nóng lên 4 độ C (so với thời tiền công nghiệp) vào năm 2100, lượng dinh dưỡng sẽ tiếp tục giảm khoảng 30% ở các nước vùng nhiệt đới, có thu nhập thấp.

Những tổn thất được dự đoán này rất nghiêm trọng. Nạn đói toàn cầu hiện nay được cho là tương đối ít, chỉ khoảng 50 triệu người phải chịu đựng “nạn đói tiềm ẩn”. Thế nhưng chất lượng bữa ăn không đảm bảo khi chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng được che đậy bằng số lượng calo nạp vào cơ thể.

Đối với các chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ động vật như vitamin B12 và axit béo omega-3, gần 20% dân số toàn cầu có nguy cơ bị thiếu chất dinh dưỡng trong những thập niên tới do biến động từ nguồn cá đánh bắt ngoài tự nhiên.

Biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng đến chu trình dinh dưỡng tự nhiên trong đại dương. Ví dụ, người ta dự đoán với kịch bản nhiệt độ tăng 4 độ C vào năm 2100, nhiệt độ nước tăng sẽ làm giảm hơn 50% lượng omega-3 tự nhiên có trong hải sản. Ở cuối chuỗi thức ăn, các vi tảo sản sinh ra omega-3 một cách tự nhiên sẽ kém năng suất hơn ở nhiệt độ ấm hơn. Theo hiệu ứng domino, điều này tràn khắp chuỗi thức ăn ở cả môi trường biển lẫn nước ngọt, khiến cá có ít omega-3 hơn để ăn dẫn đến giảm lưu trữ chất này trong cơ thể.

Điều đáng nói, những tổn thất do khí hậu gây ra này dự kiến sẽ ảnh hưởng không đều, dẫn đến những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở các nước châu Phi - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Những thách thức và chiến lược cho hải sản bổ dưỡng

Nuôi trồng thủy sản có thể giúp cung cấp một số chất dinh dưỡng còn thiếu này, nhưng đây là ngành cũng dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu gần đây dự đoán rằng 90% hoạt động nuôi trồng thủy sản sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, do nước ấm làm tăng dịch bệnh, tảo nở hoa có hại và ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thức ăn.

Sự chênh lệch toàn cầu về an ninh lương thực vốn đã tồn tại, sẽ trở nên trầm trọng hơn trong tương lai do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tác động của nước ấm lên đối với nguồn dinh dưỡng từ hải sản sẽ còn làm tăng thêm sự bất bình đẳng giữa các nước nhiệt đới, thu nhập thấp so với các nước ôn đới, có thu nhập cao.

Những kết quả này cho thấy một thách thức lớn đối với an ninh dinh dưỡng trong tương lai của chúng ta, đòi hỏi việc quản lý nghề cá và nuôi trồng thủy sản phải chặt chẽ hơn để tạo điều kiện phân phối các loại hải sản bổ dưỡng công bằng hơn.

Những cải tiến khả thi

Việc chuyển hướng 9% nghề cá của Namibia sang khu dân cư ven biển sẽ làm giảm bớt tình trạng thiếu chất sắt trầm trọng ở đó. Các chính sách ưu tiên cung cấp chất dinh dưỡng sẽ giúp duy trì khẩu phần ăn khi khí hậu ấm lên. Đó là một ví dụ điển hình.

Lời kêu gọi hành động gần đây của Liên Hợp Quốc về chuyển đổi xanh nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp đủ thức ăn từ thủy-hải sản (gồm cả đánh bắt và nuôi trồng) một cách bền vững cho dân số toàn cầu ngày càng tăng.

Để làm được điều này, cần có các chiến lược hướng tới hệ thống thực phẩm lành mạnh, công bằng và linh hoạt nhằm giải quyết thỏa đáng tình trạng đánh bắt quá mức. Các chiến lược cũng cần phấn đấu tiếp cận bình đẳng các nguồn tài nguyên và thị trường, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường của việc sản xuất thủy hải sản.

Cuối cùng, các chiến lược cần ưu tiên hỗ trợ an ninh dinh dưỡng cho các quốc gia nghèo dễ bị tổn thương. Ở đâu cũng vậy, người nghèo cần được cứu giúp đầu tiên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến đổi khí hậu sẽ khiến bữa ăn người nghèo ngày càng ít cá ngon