Biến đổi khí hậu đang khiến bão và cháy rừng tại Mỹ ngày càng nhiều hơn. Các công ty điện lực đang muốn ngầm hóa đường dây điện.
Pacific Gas & Electric (PG&E) là một trong những công ty kinh doanh năng lượng lớn nhất Mỹ. Sau khi phải chịu hậu quả do thiết bị của họ gây ra một số vụ cháy rừng kinh hoàng nhất ở California, PG&E muốn chôn đường dây điện ở một số khu vực có nguy cơ cao để ngăn chặn những đám cháy tàn khốc, điển hình như vụ cháy Paradise năm 2018 khiến 85 người thiệt mạng.
Nhưng phía cơ quan quản lý nhà nước đang chùn bước trước kế hoạch của PG&E vì cho rằng nó sẽ mất quá nhiều thời gian và tiêu tốn 5,9 tỉ USD. Tất nhiên khi thông qua kế hoạch, khách hàng của công ty sẽ phải trả tiền cho việc đó thông qua hóa đơn tăng hằng tháng.
Phía cơ quan quản lý muốn PG&E che chắn đường dây điện trên không nhiều hơn thay vì chôn chúng. Phương pháp che đậy rẻ hơn nhưng rủi ro lại cao hơn. PG&E cho biết việc chôn đường dây điện giúp giảm 99% nguy cơ gây cháy rừng vì khi ở trong lòng đất, nó không thể bị gió bão thổi bay.
Lợi ích từ việc chôn dây điện
Giám đốc điều hành PG&E Patti Poppe thống kê việc không chôn dây điện khiến độ rủi ro cao hơn 35%, ông cho biết: “Chúng ta sẽ không chịu sống với rủi ro phát sinh lên 35%. Ai lại muốn lên một chiếc máy bay có thêm 35% khả năng bị rơi cơ chứ?”
PG&E đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2019 sau khi phải đối mặt với thiệt hại hơn 30 tỉ USD bởi các vụ cháy rừng do thiết bị của họ gây ra. Họ đang cố gắng thuyết phục phía cơ quan quản lý rằng kế hoạch chôn lấp của họ là tối ưu. Công ty đã nộp kế hoạch với cơ quan quản lý nhà nước vào năm ngoái.
Điều PG&E muốn làm là chưa từng có cả về quy mô lẫn tốc độ. Kế hoạch chôn 2.000 dặm, tức hơn 3.200 km đường dây điện là một phần trong tham vọng lớn hơn là chôn 10.000 dặm, tức hơn 16.000 km đường dây trong thập niên tới. Vụ việc gây chú ý không chỉ ở California mà trên toàn nước Mỹ vì ngày càng có nhiều công ty điện lực cân nhắc giữa rủi ro và chi phí chôn lấp đường dây điện.
Hầu hết các đường dây điện của Mỹ đều lộ thiên vì làm như vậy sẽ rẻ hơn. Nhưng ngày càng có nhiều công ty điện lực chọn chôn lấp đường dây điện để ứng phó với những thảm họa thiên nhiên ngày càng có sức tàn phá lớn hơn. Theo thống kê của công ty Florida Power and Light, khoảng 45% hệ thống phân phối của công ty ở Florida nằm dưới lòng đất.
Các công ty lớn khác thuộc sở hữu của nhà đầu tư California cũng đã đưa đường dây điện xuống lòng lòng đất. Southern California Edison, công ty có hệ thống điện phủ phần lớn miền trung và miền nam California, cho biết họ có kế hoạch chôn 600 dặm (966 km) đường dây điện vào năm 2028. San Diego Gas & Electric đã chôn 145 dặm (233 km) đường dây điện kể từ năm 2020 và có kế hoạch thực hiện thêm 1.500 dặm (2.414 km) nữa vào năm 2031.
Giám đốc điều hành của PG&E Poppe cho biết thêm: “Một trong các lời chỉ trích lớn nhất về PG&E là chúng tôi đã không thích ứng với những điều kiện thay đổi. Mọi người đều nói rằng lẽ ra chúng ta không phải chứng kiến những tình trạng cháy rừng này. Mọi người đều nói PG&E lẽ ra phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng”, đồng thời khẳng định: “Bây giờ chúng tôi đã thay đổi và chúng tôi đang yêu cầu mọi người hậu thuẫn chúng tôi”.
Một nghiên cứu kỹ thuật năm 2010 của chính quyền địa phương về việc ngầm hóa một phần hệ thống điện ở quận Columbia cho thấy: chi phí tăng lên nhanh chóng khi các công ty điện lực cố gắng ngầm hóa nhiều hơn khu vực dịch vụ của họ. Nghiên cứu kết luận rằng khoản đầu tư chiến lược trị giá 1,1 tỉ USD (theo tỷ giá năm 2006) sẽ cải thiện độ tin cậy cho 65% khách hàng trong phạm vi phục vụ của công ty điện lực, nhưng sẽ cần thêm 4,7 tỉ USD để cải thiện dịch vụ cho 35% khách hàng còn lại ở vùng ngoại ô. Nói cách khác, hơn 80% chi phí của dự án sẽ dùng để phục vụ lợi ích cho hơn một phần ba số khách hàng ngoại ô. Cuối cùng, cơ quan tham mưu trong chính quyền đã đề xuất một dự án bổ sung trị giá 1 tỉ USD, tức là họ chọn phương án rẻ tiền nhất tập trung cho 2/3 khách hàng trung tâm. Dù vậy, phương án rẻ tiền này cũng khiến hóa đơn điện của khách hàng lên trung bình 3,23% sau bảy năm.
Cái giá khi chôn dây diện
Ngoài chi phí vốn ban đầu, việc ngầm hóa có thể khiến việc bảo trì hệ thống thường xuyên trở nên phức tạp dẫn đến tốn kém hơn. Yếu tố kỹ thuật có thể khiến việc sửa chữa hệ thống khó khăn hơn khi xảy ra sự cố, kéo dài thời gian mất điện trong mỗi lần sửa chữa, bảo trì. Cơ quan quản lý và phân phối năng lượng phải cân nhắc chi phí bị dội lên này so với chi phí sửa chữa và bảo trì hệ thống điện lộ thiên.
Một nghiên cứu năm 2009 của Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley ước tính khi dịch vụ điện bị gián đoạn trong 8 giờ, thì thiệt hại kinh tế đối với một hộ gia đình là 10,60 USD. Đối với một khách hàng công nghiệp hoặc thương mại cỡ vừa và nhỏ, thiệt hại trung bình tăng lên 5.195 USD và con số là gần 70.000 USD đối với khách hàng thương mại hoặc công nghiệp có quy mô lớn. Do đó, lợi ích kinh tế của việc duy trì dòng điện đứng vững trước bão là không hề nhỏ.
Ngoài giá trị kinh tế của việc ngầm hóa, người ta có thể xem xét các lợi ích khác, chẳng hạn như lợi ích thẩm mỹ, điều có thể khó định lượng hơn. Vấn đề an toàn lưới điện cũng rất cần được quan tâm. Cục Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California gần đây đã kết luận rằng gió lớn và đường dây điện trên mặt đất là nguyên nhân gây ra vụ cháy Cascade vào tháng 10.2017. Tuy nhiên, tất cả tốn kém và lợi ích phải được cân nhắc để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.