Ngày 29.5, Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) khai mạc tại Singapore. Theo giới quan sát nhận định với những diễn biến căng thẳng trong thời gian qua, vấn đề biển Đông sẽ làm nóng Đối thoại Shangri-La năm nay.
Một ngày trước Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, người dẫn đầu đoàn đại biểu của Mỹ tham dự hội nghị kéo dài 3 ngày tại Singapore, cho rằng hoạt động bồi lấp các bãi đá, rạn san hô ở biển Đông của Trung Quốc không những nằm ngoài các quy tắc quốc tế mà còn là một bước đi nằm ngoài sự nhất trí của khu vực. Người đứng đầu Lầu Năm Góc phản đối mọi hành vi quân sự hóa các bãi đá, rạn san hô ở biển Đông, đồng thời tuyên bố Mỹ tiếp tục cho máy bay và tàu chiến hoạt động trong vùng biển được phép theo luật quốc tế.
Quan ngại căng thẳng có thể gia tăng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hối thúc các bên liên quan trong vấn đề biển Đông tìm kiếm một giải pháp hòa bình và chấm dứt các hành động quân sự hóa tại biển Đông.
Các tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa tổ chức lễ động thổ xây 2 hải đăng trên bãi đá Gạc Ma và Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Bộ Quốc phòng Philippines đã bày tỏ sự quan ngại về việc làm trên của Trung Quốc và cho rằng các công trình của Trung Quốc hoàn toàn có thể được sử dụng vào mục đích quân sự.
Đoàn kết chống lại yêu sách
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho rằng, các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên biển Đông sẽ làm phức tạp nỗ lực giải quyết tranh chấp. Ông Donald Tusk khẳng định lập trường của EU là các bên liên quan phải kiềm chế việc đe dọa hay sử dụng vũ lực, đồng thòi nhấn mạnh phải tìm một giải pháp mang tính hòa bình. Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định, Tổng thống Barack Obama coi tình hình an ninh tại biển Đông là đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng như đối với nền kinh tế toàn cầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke tái khẳng định quan điểm của Mỹ và cho rằng các hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở biển Đông làm gia tăng căng thẳng tại đây.
Không chỉ là những phát ngôn từ giới chính khách các nước, báo chí quốc tế cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với những việc làm của Trung Quốc trong thời gian qua tại biển Đông. Washington Post, tờ báo uy tín của Mỹ, nhấn mạnh với những đòi hỏi chủ quyền vô lý cùng việc đẩy mạnh bồi lấp các bãi đá, xây dựng cơ sở hạ tầng ở biển Đông đã cho thấy nguy cơ Trung Quốc tìm cách giới hạn lưu thông trên không và trên biển qua khu vực gần các cơ sở mà họ đang hoàn tất ở biển Đông. Theo tờ báo của Mỹ, có thể là không ngăn chặn được các công việc mà Trung Quốc đang tiến hành ở biển Đông, nhưng điều quan trọng là cần phải dứt khoát tố cáo và bác bỏ mưu toan của Trung Quốc muốn hạn chế tự do lưu thông tại một vùng biển mà họ đòi chủ quyền đến 80% diện tích, dựa theo một tấm bản đồ “các đường gạch nối mơ hồ” (đường lưỡi bò) có từ thập niên 1940.
Washington Post cho rằng thái độ cứng rắn của Mỹ và các quốc gia Châu Á trong việc đoàn kết chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh chùn bước. Theo báo trên, “trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng phải rút lui chiến thuật khi hành vi hung hăng trên biển của họ đã gặp phải sự kháng cự’.